Xã Bình Phú (Thăng Bình) vừa quy hoạch 10ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả để trồng đậu phụng vụ hè thu 2020. Với sự hỗ trợ từ địa phương cũng như các ngành chuyên môn, các hộ nông dân tham gia mô hình chuyển đổi này đang rất kỳ vọng vào một mùa vụ thắng lợi.
Canh tác 5 sào lúa, nhiều năm nay, mỗi vụ sau khi trừ chi phí, ông Nguyễn Hùng (tổ 15, thôn Lý Trường) cũng chỉ lãi được khoảng vài trăm nghìn đồng/sào, năm nào thời tiết không thuận lợi thì có nguy cơ thất thu. Do đó, khi UBND xã Bình Phú có chủ trương chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây đậu phộng trong vụ hè thu năm nay, ông Hùng đăng ký ngay.
“Ở đây nguồn nước không đảm bảo, vụ hè thu thường xuyên thiếu nước nên cây lúa sinh trưởng kém, năng suất vì thế đạt rất thấp” - ông Hùng cho biết.
Còn ông Đoàn Ngọc (tổ 16, thôn thôn Lý Trường) không chỉ đăng ký chuyển đổi 7 sào đất lúa của gia đình mà còn thuê thêm 3 sào đất để trồng đậu phụng trong vụ hè thu này.
“Vì đất của gia đình tôi nằm gần cuối cánh đồng nên việc lấy nước rất khó khăn. Trồng lúa, có khi thức trắng mấy đêm liền để lấy nước nhưng cũng không được vì lượng nước quá ít, chỉ đủ cho những thửa ruộng ở đầu cánh đồng. Trồng đậu phụng thì nhu cầu nước ít hơn nên chắc chắc hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn” - ông Đoàn Ngọc chia sẻ.
Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho hay, trồng đậu phụng trên đất lúa là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng cạn trong “Đề án Phát triển kinh tế vùng Tây giai đoạn 2020 - 2025” đang được huyện Thăng Bình triển khai. Trồng đậu phụng về mặt chi phí đầu tư cũng tương tự như trồng bắp nhưng đậu phụng có giá bán cao hơn.
Mặc khác, nếu trồng đậu phụng trên đất lúa kém hiệu quả giảm được số lần tưới/vụ và lượng nước dùng tưới cho đậu phụng cũng chỉ bằng 1/3 so với lúa. Vì vậy, mô hình này không những có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tiết kiệm một lượng lớn nước dùng trong công tác tưới tiêu, phù hợp với điều kiện canh tác và tình hình thực tế của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú - Đoàn Ngọc Hùng cho biết, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương phụ thuộc vào nguồn nước từ hồ thủy lợi Phước Hà. Nhiều năm trở lại đây, do tình hình biến đổi khí hậu nên vào vụ hè thu, trữ lượng nước trong hồ chỉ đạt 40 - 60% dung tích nên không đủ phục vụ tưới cho toàn bộ diện tích, nhất là những thửa ruộng ở cuối kênh. Trước thực trạng đó, vụ hè thu năm nay, xã Bình Phú đã có chủ trương chuyển đổi 10ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả do thiếu nước tại các tổ 12, 15 và 16 thôn Lý Trường để sản xuất đậu phụng, đến nay có 50 hộ đăng ký tham gia chuyển đổi.
“Để người dân nắm quy trình sản xuất đậu phụng vụ hè thu, ngay sau khi bà con thu hoạch lúa đông xuân chúng tôi đã triển khai tập huấn. Lớp tập huấn có sự tham gia hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện và chuyên gia của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ. Trong suốt quá trình sản xuất của người dân, chúng tôi sẽ cử cán bộ nông nghiệp xã thường xuyên phối hợp kiểm tra để có thể kịp thời phát hiện và xử lý những bệnh hại xuất hiện trên cây đậu phộng. Khi tham gia mô hình này người dân sẽ được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ hỗ trợ 100% giống”- ông Đoàn Ngọc Hùng cho biết thêm.