Trồng dưa lê ở Điện Nam Trung

TR.NHAN - P.PHƯƠNG 22/11/2018 07:23

Anh Đặng Hữu Đức (phường Điện Nam Trung, Điện Bàn) là nông dân tiên phong ứng dụng giống mới là cây dưa lê có nguồn gốc miền Nam vào trồng thí điểm trong nhà lưới với hệ thống tưới thông minh cho thu nhập khá.

Sản phẩm dưa lê được anh Đức quảng bá trên mạng xã hội. Ảnh: P.PHƯƠNG
Sản phẩm dưa lê được anh Đức quảng bá trên mạng xã hội. Ảnh: P.PHƯƠNG

Cách đây 2 năm, anh Đặng Hữu Đức được Trung tâm Khuyến nông - khuyến lâm (nay là Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp) thị xã Điện Bàn hỗ trợ 50% tổng chi phí xây dựng mô hình nhà lưới, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt nhằm phát triển vùng chuyên canh rau củ quả an toàn. Nhiều lứa rau, hoa cho hiệu quả chưa cao, thị trường thiếu ổn định, anh Đức đã tìm tòi, học hỏi từ Internet, nhận thấy cây dưa lê được trồng ở một số vùng cho hiệu quả kinh tế, được thị trường ưa chuộng nên quyết định trồng thử nghiệm giống cây này. Lần tìm các địa chỉ, anh đến tận các vườn ở Đà Nẵng, Lâm Đồng và TP.Hồ Chí Minh tham quan, học tập kinh nghiệm trồng trọt. Năm 2017, anh trồng thí điểm 700 cây dưa lê trên diện tích 500m2.

Thời điểm làm đất, xuống giống vụ dưa đông xuân bắt đầu từ tháng 10, tháng 11 và vụ xuân hè bắt đầu từ tháng 3, tháng 4 dương lịch. Anh Đức còn trồng xen canh vào đó các loại cây khác như cải, mùng tơi, các giống hoa để có nguồn phụ thu. Thời điểm thu hoạch dưa  lê từ khi xuống giống đến khi trái chín là 60 ngày, nhưng để dưa chín đẹp phải mất 70 - 75 ngày. Qua một năm trồng, 2 lứa dưa lê cho sản lượng 3,5 tấn. Mỗi trái dưa nặng 1 - 1,5kg, được anh Đức bán với giá 25 ngàn đồng/kg tại vườn, trong khi giá trên thị trường dao động 35 - 50 ngàn đồng/kg. Qua một năm trồng dưa lê, anh Đức thu về 160 triệu đồng, nhìn chung ổn định hơn so với trồng rau. “Trồng dưa lê đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật, nó thích hợp với mùa nắng, nhưng cần phải tưới và trồng trong nhà lưới để đảm bảo an toàn, sạch bệnh” - anh Đức nói. Hiện vườn của anh Đức đã xuống giống dưa lê sau thời gian để cho đất nghỉ ngơi, cây con đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến sẽ có sản phẩm cung ứng cho tết.

Theo quy trình kỹ thuật, hạt giống dưa lê phải được ủ kỹ, ngâm nước ấm trong vòng 3 - 4 giờ rồi vớt ra, bỏ hạt giống vào khăn vải màn mỏng, để nơi ẩm từ 5 - 7 ngày, hạt nảy mầm. Khâu làm đất cần kỹ lưỡng, đất trồng dưa phải tơi xốp, không nhiễm khuẩn, phải xử lý ấu trùng trong đất, cát trộn với đất phải lấy lớp cát bên dưới, tránh nhiễm khuẩn cho cây. Sau khi làm đất, bắt đầu gieo hạt, tưới ẩm, chăm sóc. Cây dưa lê trải qua giai đoạn cây con cần bón phân đạm, lân và một ít kali (tỷ lệ đạm 120%, lân 120%, kali 80%). Giai đoạn cây ra hoa, anh Đức chỉ giữ lại 3 hoa chính để có năng suất cao. Khi hoa kết trái, người trồng phải cắt cành, bấm ngọn, để lại chừng 2m để dưỡng cây, rồi tiếp tục chăm sóc, bón nguyên tố Bo, các loại chất đa vi lượng, tiếp tục châm phân (100% lân, 100% đạm, 120% kali), bón trước khi thu hoạch 1 tháng. Về phòng trừ sâu bệnh cho cây, chủ yếu đối với cây non phun trừ bọ trĩ, còn cây bị nấm, vi rút phải phòng ngừa định kỳ (sử dụng chất vali đa vi sinh của Nhật) để phòng bệnh. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch dưa khoảng 60 ngày, từ lúc hoa cái tàn đến khi quả chín khoảng 30 - 35 ngày, lúc này quả dưa có màu trắng sáng (bạch lê). Thời gian cho thu hoạch rộ khoảng 25 - 30 ngày. Thu hoạch dưa xong cần xếp dưa ở nơi thoáng mát khoảng 1 - 2 ngày để tăng phẩm chất và hương vị dưa lê.

Anh Đức ấp ủ ý tưởng đầu tư hệ thống quạt gió, phun sương, đồng hồ tự hẹn giờ tưới, máy đo nhiệt độ, độ ẩm, máy đo dinh dưỡng, đo nồng độ pH... theo công nghệ cao. “Muốn trái dưa có chất lượng, năng suất, phải đầu tư giống, giá thể, phân bón và có quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật. Một bịch giá thể để trồng cây gồm có xơ dừa, phân bò, xác đậu phụng... Giá mỗi cây dưa giống gần 10.000 đồng, 1 sào dưa lê xuống giống mất khoảng 35 triệu đồng” - anh Đức nói. Anh Đức cũng học cách bán sản phẩm qua mạng xã hội như Facebook, mở cửa hàng bán dưa lê để tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Huỳnh Quang Hải - Phó ban Nông nghiệp phường Điện Nam Trung, mô hình trồng dưa lê của anh Đức là một mô hình mới ở địa phương. Nếu hiệu quả mô hình được phát huy, thị trường tiêu thụ thuận lợi, phường sẽ khuyến khích người dân chủ động đầu tư công nghệ nhà lưới, công nghệ tưới nước tự động để trồng dưa lê nhằm tăng thu nhập. “Đây là mô hình đi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, giảm tác hại của môi trường lên cây trồng, giảm thiểu sâu bệnh, giúp tăng giá trị cây trồng trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, để nhân rộng, nông dân cần năng động nghiên cứu thị trường, chọn nguồn giống chất lượng” - ông Hải nói.

TR.NHAN - P.PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng dưa lê ở Điện Nam Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO