Những năm gần đây, nhờ mô hình trồng giá đỗ mà nhiều hộ dân của huyện Đại Lộc đã thoát nghèo.
Giờ đây, gia đình anh Nguyễn Văn Đức (Hòa Đông, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) đã không còn nằm trong danh sách hộ nghèo nhờ vào mô hình trồng giá đỗ. Anh tâm sự: “Lúc trước gia đình tôi khó khăn, đất đai thì hẹp lại không biết canh tác, trồng trọt. Đến năm 2009, tận dụng nguồn cát và nước tự nhiên ở bãi cát Cầu Đen tôi học theo người ta trồng giá đỗ, từ lúc đó cuộc sống gia đình thay đổi hẳn, mua được nhiều vật dụng mới trong nhà và nuôi con cái học hành”. Chia sẻ với chúng tôi về nghề làm giá, anh nói: “Quy trình làm giá đỗ vô cùng đơn giản, đầu tiên chọn mua giống đậu xanh nảy mầm chất lượng cao, ngâm đậu xanh vào nước có pha vôi loãng (dưới 10% thể tích nước), sau 3 giờ vớt ra, xả sạch một lần nữa, để đậu ráo nước. Có thể dùng hũ, khạp, lu… cho hạt đậu xanh vào và đổ cát lên phủ kín để ủ. Khạp, lu có đục lỗ nhỏ dưới đáy để thoát nước, đậy kín khạp bằng vải cotton, mỗi ngày tưới nước từ 4 - 5 lần, thời gian ủ khoảng 4 - 5 ngày là cho ra thành phẩm”.
Anh Nguyễn Văn Đức chăm sóc giá đỗ tại bãi cát Cầu Đen. Ảnh: H.Y |
Nghề làm giá đỗ đơn giản, quay vòng vốn nhanh lại cho thu nhập khá, chính vì vậy thu hút hơn 30 hộ dân thuộc khu Nghĩa Trung và Hòa Đông, thị trấn Ái Nghĩa tham gia. Hộ anh Trần Văn Thanh cũng đầu tư trồng giá đỗ. Ban đầu, vợ chồng anh dùng số vốn vay 5 triệu đồng đầu tư mua dụng cụ, nguyên liệu làm giá đỗ. “Tuy chưa có kinh nghiệm, nhưng những ngày đầu thu hoạch cũng mang về cho gia đình nhiều hy vọng. Một ký đậu xanh khoảng 35.000 đồng cho ra 10kg giá khoảng 100.000 đồng. Vì giá mình làm ra hoàn toàn không có hóa chất nên bà con ăn rất yên tâm, tôi thường bỏ mối cho các chợ Ái Nghĩa, Đại Cường, Hà Nha.... Với đất cát tự nhiên trồng giá đỗ xoay vòng, mỗi ngày đều đặn tôi bỏ mối được khoảng hơn 100kg giá đỗ cho thu nhập từ 600.000 - 700.000 đồng” - anh Thanh nói.
Mô hình trồng giá đỗ quy mô gia đình đã giúp các hộ tại thị trấn Ái Nghĩa có được nguồn thu nhập giúp cuộc sống ổn định hơn.
HOÀNG LIÊN