Trống giục phía sân đình

HỨA VĂN ĐÔNG 19/02/2015 14:20

Dường như đứa trẻ nào lớn lên cũng lưu giữ trong ký ức những hồi trống rộn rã đầu xuân ở đình làng quê cũ, và nhớ cả quãng thời gian sân đình rơi vào im vắng…

1. Phong trào Duy tân, vốn mang dấu ấn sâu đậm của đất và người Quảng Nam, đã giữ vai trò cải cách xã hội nhất định liên quan đến việc công kích sinh hoạt đình làng. Theo khảo tả về đình làng trong công trình Văn hóa làng ở Việt Nam của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh, khi phong trào Duy tân công kích (từ đầu thế kỷ XX) đến năm 1945, trên báo chí đã có lời hô hào cổ động “Phá đình đi! Dỡ đình đi!”. Các tiểu thuyết phong tục giai đoạn đó cũng kịch liệt lên án những hủ tục xung quanh cái đình.

Tất nhiên, đình làng bị công kích ở khía cạnh nếp sinh hoạt đã tha hóa, riêng nhà văn Ngô Tất Tố trong thiên phóng sự “Việc làng” đăng liên tiếp 16 kỳ trên tuần báo Hà Nội tân văn năm 1940 (năm 1941 Nhà xuất bản Mai Linh in thành sách) đã dành hẳn bài báo “Góc chiếu sân đình” để ngụ ý châm biếm. Bao nhiêu hệ lụy, bao trận chè chén liên hoan, đến cái chỗ ngồi đầy hình thức nơi góc chiếu sân đình cho có phẩm hàm vớ vẩn nhưng có kẻ phải tốn bộn tiền để “mua”…, làm xô dạt ý nghĩa ban đầu của chốn hội tụ văn hóa. Nhiều nhà nghiên cứu thì gọi đó là “Góc chiếu đình trung” với chuyện tranh ngôi thứ, chỗ ngồi chỗ đứng, miếng ăn… trở thành vấn đề gay cấn, một nơi đáng lẽ là văn hóa nhất đã trở thành vô văn hóa qua nhiều năm tháng. Cho nên, Phong trào Duy tân vốn dĩ quan tâm cổ vũ cả chuyện cắt phăng cái búi tóc ngàn năm trên đầu, thì sá gì những hủ tục kiểu đó lại không “sờ” tới…

Hội làng khai diễn trước sân đình. Ảnh: H.V.Đ
Hội làng khai diễn trước sân đình. Ảnh: H.V.Đ

Nhưng cũng chính nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh đã chỉ ra, trong mấy chục năm gần đây, đình làng cũng bị phá hoại nghiêm trọng, nhiều ngôi đình lớn bị triệt hạ, việc tế lễ bị bỏ hẳn, chỉ một số nơi giấu giếm được sắc phong hoặc ít đồ nghi trượng. Vì đâu nên nỗi? “Tư tưởng duy vật, vô thần máy móc có lúc lộng hành, không tuân theo chỉ thị của Nhà nước, đã gây nhiều tác hại. Nhiều vùng văn hóa phải kêu cứu, mà tiếng kêu thảm thiết nhất có lẽ là từ những ngôi đình” - nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh lý giải.
2. Nghĩ lại, tôi thương cho ngôi đình nhỏ bé vô danh ở vùng đông Thăng Bình của mình sao vắng lặng, ít lễ lạt hội hè mà còn phải trải qua không ít thăng trầm. Ấy là nói về giai đoạn “vô thần máy móc”.

Đình làng dựng đối diện với thánh thất Từ Vân, có cổng lớn, sân rộng và những gốc mù u hàng trăm năm tuổi. Dưới bóng mù u, đám trẻ con chơi bắn bi từ trái mù u phơi khô, hay bứt lá làm thuyền thả trôi ở đìa nước rộng cạnh đấy. Đối chiếu thông tin khảo tả về đình làng, thì ngôi đình nhỏ ở quê tôi cũng không mấy khác biệt về khía cạnh cảnh quan, kiến trúc. Vậy mà đến một thời kỳ, những đồ thờ tự các bậc tiền hiền hậu hiền bị dẹp đi, hợp tác xã “mượn” đình làng làm kho chứa vật tư nông nghiệp. Hết thân phận làm cái kho, trường thôn xếp vào đình làng mấy dãy bàn ghế cũ để biến thành lớp học, trong ký ức của đứa học trò nhỏ là tôi đến tận bây giờ vẫn còn nghe nồng mùi phân u rê. Khi sân đình im mát được quy hoạch làm trường tiểu học, không gian thâm u cổ kính ấy lại cửa đóng then cài suốt nhiều năm sau đó, mãi cho đến khi tiếng trống hội vang vọng trở lại…

Tôi đọc được niềm hoan hỉ đầu tiên nơi ông nội và những cụ cao niên trong làng. Sáng sớm mùng một Tết, ông nội mặc áo dài đen, đội khăn đóng, tay cầm dù thong thả đi xuống đình làng. Một lão nông quần quật quanh năm suốt tháng với hình ảnh nhàu nhĩ từ khuôn mặt khắc khổ đến áo quần cũ kỹ tuềnh toàng, thoắt cái đã trở nên thong dong và đẹp rực rỡ mỗi lần nhớ lại cảnh bóng ông dần khuất sau ngõ nhỏ… Chỉ cần nhìn cảnh những cụ già khăn đóng áo dài sì sụp khấn vái mỗi lễ tế xuân, tế thu trong khói hương nghi ngút và trống chiêng rộn rã, tôi biết mạch sống đang tiếp nối và đình làng đã hồi sinh.

Giống như ở những hội quán người Hoa tại Hội An có hẳn các điều lệ công nghị lập nên để ràng buộc cộng đồng (thậm khí khắc trên tường ở Hội quán Ngũ Bang, đường Trần Phú), các hương ước Việt phần lớn cũng được đưa ra đình làng để bàn bạc, trở thành giềng mối làm nên đất lề quê thói. Sau này, được dự những hội hè và thăm viếng nhiều hơn các đình làng ở Tam Kỳ, Duy Xuyên, Hội An…, tôi càng nhận ra không gian ấy cần thiết, quý giá vô cùng. Theo thời gian, ngôi đình có thể cũ kỹ và nhỏ bé dần trong ký ức, nhưng lạ thay khung cảnh thanh bình xưa với tiếng trống hội vẫn cứ dội vang mỗi lúc xuân về. Sực nhớ, nếu tiếng trống hội làng không kịp trở lại giục giã phía sân đình, thì tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ sẽ nghèo nàn biết mấy.

HỨA VĂN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trống giục phía sân đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO