Trồng hoa cúc ở Hà Đông

NHƯ TRANG 09/10/2018 07:37

Hơn 20 năm nay, người dân thôn Hà Đông (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) khai hoang, xới đất và truyền nhau kinh nghiệm trồng hoa cúc. Cuộc sống của hơn 70 hộ dân nơi đây dần khởi sắc, nhiều nhà có của ăn của để.

Ông Nguyễn Văn Sáu cùng vợ cấy giống hoa cúc đại đoá trồng bán dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: NHƯ TRANG
Ông Nguyễn Văn Sáu cùng vợ cấy giống hoa cúc đại đoá trồng bán dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: NHƯ TRANG

Rủ nhau trồng hoa cúc

Trước kia, hầu hết người dân ở thôn Hà Đông đều trồng lúa và các loại hoa màu để bán, cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, sau nhiều vụ lúa thất thu, cuộc sống ngày càng bấp bênh, mọi người hội ý nhau tìm cách cải tạo đất để trồng hoa. Một trong số những người tiên phong lấy giống hoa cúc từ Đà Lạt về trồng phải kể đến ông Nguyễn Văn Sáu ở tổ 2. Ông Sáu kể lại: “Năm 2005, một người quen ở Đà Lạt tặng cho tôi chậu hoa cúc kiểng. Tôi để ý thành phần đất trồng trong chậu có lẫn đất bồi, chợt nghĩ ra cách tận dụng loại đất này trồng thử nghiệm. Ngờ đâu thành công ngoài mong đợi”. Sẵn đất bồi có nhiều ở làng Hà Đông, đặc biệt mỗi năm sau mùa lũ lụt được phù sa bồi đắp, ông Sáu lại cất công đi thu mua, mang về vườn nhà. Ban đầu, ông Sáu lấy giống hoa cúc pha lê, đại đóa trồng trong diện tích vườn nhà khoảng 1.600m2 và bán quanh năm, thu hoạch chủ yếu vào ngày Rằm, mùng Một. Những năm sau đó, ông tiếp tục thuê và mua thêm 3.000m2 đất để trồng cúc kiểng bán vào dịp tết. Nhờ hoa cúc, đời sống gia đình ông Sáu khấm khá, mỗi năm thu về số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Từ niềm yêu nghề trồng hoa, ông Nguyễn Văn Sáu định hướng cho con trai là Nguyễn Văn Bảy khởi nghiệp với loài hoa cúc. Tuổi trẻ dễ tiếp thu, anh Bảy vừa học kinh nghiệm từ cha, vừa học hỏi thêm trong sách vở, từ đó mở rộng mô hình trồng hoa lên 10.000m2. Không chỉ thế, anh Bảy còn cùng cha nghĩ cách tự tạo giống hoa mà không cần phải lặn lội mua từ Đà Lạt. Người dân ở làng Hà Đông thấy gia đình ông Sáu trồng hoa cúc hiệu quả bèn rủ nhau đến học hỏi và nhân rộng mô hình. Ông Sáu cho biết, đối với cúc đất, quy trình trồng kéo dài 2,5 - 3 tháng. Còn đối với cúc kiểng chưng tết thì quy trình kéo dài 6 tháng và đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mẫn, chu đáo cũng như sự dày dặn kinh nghiệm. Thi thoảng, cả làng lại họp chia sẻ cách chăm sóc hoa và phòng trừ bệnh bùa lá, nấm ở rễ,  phấn trắng… Họ còn hội ý đưa ra một mức giá chung để bán sỉ cho thương lái, phòng trường hợp bị phá giá. Cứ thế, người người trồng hoa cúc, nhà nhà trồng hoa cúc, đời sống dân làng Hà Đông ngày một khởi sắc.

Đổi thay cuộc sống

Đến làng cúc Hà Đông, ai ai cũng bày tỏ sự thán phục đối với bà Nguyễn Thị Có ở tổ 1, bởi lẽ người phụ nữ chịu thương chịu khó này đã quyết tâm thoát nghèo từ mô hình trồng hoa cúc. Trước kia, bà Có một mình làm thuê tằn tiện từng đồng nuôi con gái ăn học đại học. Có lần nhận việc đi tỉa cành và hoa trong vườn cúc của người trong làng, bà Có tự học được cách trồng hoa rồi vay vốn 30 triệu đồng đầu tư mô hình. Bước đầu trồng cúc đất thành công, bà Có tiếp tục làm cúc kiểng. “Ngày thường bán cúc đất tôi lấy tiền lo chi phí sinh hoạt và gửi cho con ăn học. Còn cuối năm bán cúc kiểng dư ra khoảng hơn 100 triệu đồng, tôi để dành làm vốn, phát triển thêm mô hình này” - bà Có chia sẻ. Cùng hoàn cảnh nghèo nhưng có ý chí vươn lên ở Hà Đông còn có thể kể đến bà Nguyễn Thị Thanh ở tổ 3. Bà Thanh cũng đã thoát nghèo nhờ trồng hoa cúc. Bà con chòm xóm bảo nhau, từ ngày bà Thanh đến với nghề, tay bà đến đâu vườn cúc nở rộ đến đó. Vừa qua, bà Thanh, bà Có cũng góp mặt trong danh sách những tấm gương phụ nữ điển hình trong Tổ hợp tác trồng hoa cúc do Hội LHPN xã Điện Hòa tổ chức.
Niềm yêu nghề và biết ơn cuộc sống khấm khá nhờ nghề trồng hoa cúc mang lại dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ từng đứa con của làng Hà Đông. Hẳn vì thế, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Lê Văn Nam ở tổ 2 chọn nghề trồng hoa để trở về gắn bó với làng mình. Với bản tính siêng năng, cần cù và ham học hỏi của anh Nam, rất nhiều người trồng hoa lâu năm ở làng Hà Đông chỉ dạy anh kinh nghiệm trồng hoa cúc kiểng. Với những kinh nghiệm được trang bị, mỗi năm anh Nam mạnh dạn trồng 3.000 chậu cúc. “Muốn trồng cúc kiểng thành công, đạt đúng vụ, phải lên kế hoạch chuẩn bị kỹ càng. Từ việc đúc chậu, đến nhân giống, cấy giống vào chậu rồi chăm sóc, bón phân… mỗi khâu đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Ngoài cúc pha lê và đại đóa, tôi đang tìm hiểu loài cúc cung đình và sắp tới sẽ cho trồng thử nghiệm” - anh Nam nói.

Hiện nay, dù cúc kiểng chỉ vừa cấy vào chậu, nhưng rất nhiều thương lái từ TP.Đà Nẵng đã lặn lội đến làng cúc Hà Đông đặt cọc số lượng. Đó là chưa kể số cúc đất cung ứng hằng tháng trên thị trường chợ Vĩnh Điện, Hội An. Nhận xét về mô hình trồng hoa cúc quy mô ở thôn Hà Đông, ông Nguyễn Văn Chinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Hòa nói: “Mô hình trồng hoa cúc đã mang lại đời sống khấm khá cho người dân thôn Hà Đông. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai các lớp tập huấn và giao lưu kỹ thuật trồng hoa cúc rộng rãi trên địa bàn xã”.

NHƯ TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng hoa cúc ở Hà Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO