Vợ chồng anh Sáu Nghi Sơn ở xã Quế Hiệp (huyện Quế Sơn) có 3ha đất lâm nghiệp, năm 2008 trở về trước chủ yếu trồng sắn KM94. Thấy xung quanh người ta giàu lên nhờ keo nguyên liệu giấy nên đầu tháng 10.2009 anh quyết định nhổ sắn để mua cây keo lai giống về trồng. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, cần mẫn chăm sóc nên thời gian qua rừng keo của anh phát triển rất tốt. Chưa kịp mừng vì không bao lâu nữa rừng keo lai ấy sẽ mang về cho mình số tiền lớn thì cách đây hơn 1 tuần rừng keo của anh bị bão phá tan tành. “Bão càn qua khiến tất cả bị ngã rạp và gãy ngang thân. Cây keo mới có đường kính chỉ bằng cái cổ tay nên các nhà máy thu mua gỗ nguyên liệu giấy lắc đầu. Không còn cách nào khác, mấy hôm nay vợ chồng tui phải ngậm ngùi chặt những thân cây ra từng khúc rồi phơi khô bó lại bán củi” – anh nói. Theo anh Sáu, để tạo dựng được rừng keo này, thời gian qua vợ chồng anh phải vất vả chăm sóc, đầu tư gần 50 triệu đồng. Bây giờ chặt cây bán củi chỉ gỡ lại được phân nửa số tiền đã bỏ ra”.
Tại huyện Quế Sơn, trên những quả đồi rộng mênh mông, đâu cũng thấy nhà nông mệt mỏi đánh vật với hàng loạt cây keo lai bị bão quật ngã la liệt. Theo ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn, bão số 11 vừa qua trên địa bàn huyện có khoảng 6.400ha keo nguyên liệu giấy từ 3 - 6 năm tuổi bị hư hại nghiêm trọng, tập trung chủ yếu ở các xã Quế Cường, Phú Thọ, Quế Châu, Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Minh, Quế An, Quế Long. Ước tính tổng giá trị thiệt hại không dưới 128 tỷ đồng. Hôm qua, nghe Tư tôi kể chuyện, anh Ba Lâm Nghiệp nói: “Chẳng riêng gì huyện Quế Sơn, về nhiều địa phương khác, đâu tui cũng thấy cảnh nông dân rầu lòng bên những rừng keo lai ngã la liệt. Theo báo cáo tổng hợp thì trận bão vừa qua đã khiến gần 13.000ha rừng kinh tế bị hư hại. Trong đó Quế Sơn, Phú Ninh, Nông Sơn, Thăng Bình, Núi Thành, Đại Lộc, Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang... là những địa phương có diện tích bị hư hại nhiều nhất”. Anh Ba cho biết, đối với những rừng keo non 3 - 4 năm tuổi thì hiện nay nhà nông đang chặt thân bó lại bán củi. Còn những rừng keo trưởng thành 5 - 7 năm tuổi thì họ kêu thương lái đến bán gỗ nguyên liệu. Tuy nhiên, theo anh Ba, do nguồn cung quá lớn nên những ngày qua giá gỗ keo liên tục bị thương lái ép giá.
TƯ RUỘNG