Trước đây, vùng đất cát ở các xã ven biển được trồng các loại cây chỉ để chống nạn cát bay, chắn gió như cây phi lao, điều... Nhưng nay, người dân đã được đầu tư trồng các loại cây keo lưỡi liềm, keo tai tượng và keo lai giâm hom vừa chống được nạn cát bay, cải tạo môi trường đất vừa đem lai hiệu quả kinh tế khá cao.
Ông Nguyễn Văn Sơn (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) cho biết, ông có khoảng 5ha đất, nhưng vì chủ yếu là đất cát nên mấy năm trước thường bỏ hoang không sử dụng. Từ khi được Sở NN&PTNT hướng dẫn trồng cây keo tai tượng, ông đã cho trồng trên toàn bộ 5ha đất nhà mình và kết quả sau 5 năm ông thu hoạch trên mỗi héc ta keo là 100 tấn, trừ chi phí trồng lãi khoảng 60 triệu đồng/ha. Đến năm nay, ông Sơn đã thuê thêm 7ha đất cát để trồng loại keo tai tượng. Đây là một loại keo chịu đất cát rất tốt, chống được nạn cát bay, cải tạo được môi trường đất cát khô cằn. Nhưng để chống nạn cát bay tốt nhất, những đám keo của ông được trồng theo mô hình “cuốn chiếu”. Tức là trên một bãi đất cát, ông cho trồng lần lượt mỗi năm một đám keo. Đến khi trồng xong đám cuối cùng thì thời gian vừa đủ để đám đầu tiên cho thu hoạch. Khai thác một đám thì vẫn còn những đám khác đang phát triển để chống nạn cát bay và chắn gió.
Cây keo lưỡi liềm trồng trên vùng đất cát khô cằn ở xã Tam Thăng phát triển rất tốt. |
ông Trần Thanh Hiền (thôn Thanh Đông, xã Tam Thanh, Tam kỳ) mấy năm trước thường trồng cây điều trên những đám đất cát nhà mình. Thế nhưng trong vòng 3 năm nay, ông đã thay vào đó loại keo lai giâm hom do Sở NN&PTNT tư vấn. Ông cho biết, keo phát triển rất tốt, thời gian thu hoạch ngắn và giá bán gỗ keo hiện nay cũng khá cao. keo lai giâm hom bén rễ rất tốt, vì thế ít xảy ra tình trạng chết cây do thiếu nước. Dự tính trong vòng 2 năm nữa ông sẽ cho thu hoạch lứa keo đầu tiên này.
Ông Phan Đăng Danh - chuyên viên Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết, dự án Zik của Nhật đầu tư trồng cây phi lao để chắn gió và cải tạo đất ở đây đã không thành công vì cây phi lao không thể bám rễ được đến mạch nước ngầm ở những nổng cát này. Sau đó, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh đã đưa vào thử nghiệm trồng cây keo lưỡi liềm ở xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) và xã Tam Hòa (huyện Núi Thành) và ban đầu cho hiệu quả khá cao. Cây chịu được nắng nóng, bám rễ sâu hút được nước ngầm nên phát triển tốt, lại chắn gió, chắn cát tốt. Hiệu quả kinh tế lại cao hơn nhiều so với cây phi lao. Về kỹ thuật trồng, mỗi hé c ta đất cát được trồng khoảng 3.300 cây keo con, với mật độ hàng cách hàng 2m, cây cách cây 1,5m. Ở những bãi cát thấp dễ bị ngập úng nên vun thành hàng khi trồng, ở những nổng cát cao cần chủ động được nước tưới. Phân bón giúp cây phát triển là loại phân NPK. Trong tương lai, trung tâm sẽ cho trồng keo lưỡi liềm trên diện rộng ở những vùng đất cát khô cằn này”.
THIÊN ÂN - XUÂN TRƯỜNG