Tại thôn 2 (xã Phước Năng, Phước Sơn), những trà lúa đông xuân đang vào mùa thu hoạch. Mô hình trồng lúa “sạch” này cho năng suất cao kỳ vọng sẽ góp phần chuyển đổi phương thức canh tác của người dân vùng cao.
Lần đầu tiên tại Quảng Nam, lúa hữu cơ được trồng đại trà trên diện tích lớn, khi lâu nay chỉ trồng lúa giống. Tại hai xã Phước Mỹ và Phước Năng, Phòng NN&PTNT Phước Sơn vận động người dân trồng 120ha, trong đó Phước Năng có 100ha với 496 hộ tham gia, trồng lúa giống TBR225.
Ông Lê Văn Diện (cán bộ kỹ thuật của Phòng NN&PTNT huyện) cho biết: “Thời gian sinh trưởng và thu hoạch của giống lúa này là 100 - 105 ngày, canh tác theo đúng quy trình hướng dẫn của chi cục khuyến nông, tuy nhiên gặp một số khó khăn, đó là địa hình ruộng bậc thang khiến tưới tiêu gặp trở ngại; kinh phí còn hạn chế nên bón phân hóa học chỉ thực hiện được một công đoạn là bón lót.
Khi tiến hành gieo cấy, ban đầu 10 người đăng ký cấy bằng máy, nhưng sau đó chỉ còn vài hộ. Lý do họ đưa ra là cấy máy mạ quá non và ít, sẽ làm lúa cho năng suất thấp.
Đa số cấy tay, nhiều cây và cắm sâu. Thậm chí họ cấy không đúng lịch thời vụ là trước một tháng theo quy định. Thậm chí bà con không chịu đánh võng xung quanh vì sợ tốn diện tích”.
Thực tế khiến không ít người dân ngỡ ngàng, đó là cấy máy thì lúa tốt hơn, cho hạt nhiều và chắc, bởi không quá sâu, không quá dày khiến lúa đủ chất dinh dưỡng. Những cánh đồng có đánh võng, ốc bươu vàng tìm ra ngoài đường võng để ở, khiến cho việc săn bắt loại này dễ dàng hơn không đánh võng.
Không dùng thuốc trừ sâu, không đưa các loại hóa chất vào ruộng, là chuyện không quá khó với vùng cao khi lâu nay canh tác lúa rẫy gần như phó mặc cho trời, thế nhưng cũng đề phòng người ta không tuân thủ, lén đưa thuốc trừ sâu vào.
Anh Trương Hà Phương (cán bộ HTX Nông nghiệp Phước Năng) nói: “Các thành viên HTX thường xuyên thăm đồng và chúng tôi lập ban quản lý dự án, đưa các trưởng thôn vào làm thành viên, chịu trách nhiệm theo dõi ở 3 thôn. Cũng có 2 hộ phạm quy trình, lập tức chúng tôi khoanh vùng giám sát. Nói chung bà con tuân thủ tốt hướng dẫn”.
Theo anh Hà, dù chưa thu hoạch hết, nhưng sơ bộ cho thấy so với trước đây chưa làm lúa hữu cơ thì năng suất hiện nay cao hơn 30 - 40%. Địa phương rất phấn khởi và đặt niềm tin vào chuyện này, xem đó là bước tiến lớn trên ruộng đồng, khi nhu cầu sử dụng lúa sạch đang là xu hướng tất yếu.