Trồng măng tây xanh tại Điện Dương: Thành lập tổ hợp tác sản xuất

VĂN HÀO - PHAN VINH 02/02/2016 08:52

Tổ hợp tác sản xuất măng tây an toàn phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) ra đời và đi vào hoạt động kể từ tháng 1.2016, được xem là một cú hích để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh tại địa phương.

Nhân rộng mô hình

Từ hai hộ dân của phường Điện Dương (Điện Bàn) được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh hỗ trợ giống, kinh phí trồng thử nghiệm 2.000m2 cây măng tây xanh hồi năm 2014, đến thời điểm hiện tại đã tăng 8 hộ trồng với diện tích 1,2ha. Có được bước chuyển này là nhờ các cơ chế khuyến khích nhân rộng của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương sau khi kiểm chứng độ phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường qua hai năm cây măng tây xanh bén rễ tại vùng cát Điện Dương. Lão nông Nguyễn Hải (khối phố Hà My Trung) chia sẻ, gia đình trồng 2 sào măng tây xanh từ tháng 7.2015 và hiện tại đã thu hoạch để bán ra thị trường. “Sau khi được Trạm Khuyến nông - khuyến lâm thị xã Điện Bàn tổ chức đi học hỏi mô hình tại tỉnh Ninh Thuận, tôi bắt tay vào trồng vì nhận thấy nhiều tiềm năng. Trồng sau 5 tháng là bắt đầu thu hoạch, hiện mỗi ngày tôi thu trung bình được 3kg măng tây xanh và bán với giá dao động mỗi ký từ 90 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng” - ông Hải cho biết. Kết quả kiểm chứng cho thấy loại cây này khá thích hợp với loại đất cát, cát pha, ít sâu bệnh. Từ năm 2015, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm Điện Bàn tổ chức nhân rộng mô hình “Trồng măng tây xanh an toàn” tại các khối phố Hà My Trung và Tân Khai của phường Điện Dương. Định hướng trong thời gian tới, địa phương này sẽ trồng được 4 - 5ha giống cây này.

Vườn măng tây xanh của hộ ông Lê Văn Phận (phường Điện Dương, Điện Bàn). Ảnh: H.V
Vườn măng tây xanh của hộ ông Lê Văn Phận (phường Điện Dương, Điện Bàn). Ảnh: H.V

Ông Nguyễn Thành Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Dương cho rằng, trong khi đất đai ở Ninh Thuận khắc nghiệt hơn so với địa phương nhưng tỉnh này rất thành công với cây măng tây xanh thì đó là điều đáng để học hỏi, áp dụng. “Hiện tại, sản phẩm măng tây xanh của Điện Dương tiêu thụ cầu vượt cung. Đó là tín hiệu vui cho nông dân. Tuy vậy, chúng tôi vẫn giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng mở rộng ào ạt mà hoạch định theo từng giai đoạn cụ thể để tạo nên một sản phẩm đặc trưng của Điện Dương” - ông Dũng nói. Theo định hướng của UBND thị xã Điện Bàn, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm thị xã sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch nhân rộng sang các xã, phường khác. Các địa phương này sẽ rà roát lại quỹ đất để có hướng bố trí tư liệu sản xuất phù hợp.

Quá trình tiêu thụ sản phẩm cho thấy, trừ đi các chi phí, mỗi năm nông dân sẽ thu được lãi ròng gần 30 triệu đồng/sào trồng cây măng tây. Tuy nhiên, chi phí đầu vào cao nên nông dân mong muốn được tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hoàng (người dân trồng măng tây) tâm sự: “Đây là giống cây trồng mới lạ, nhanh thu hoạch, giá trị kinh tế cao nên gia đình tôi đầu tư trồng 4,5 sào. Chúng tôi mong muốn ngành nông nghiệp, địa phương cần có thêm cơ chế để khuyến khích cũng như giúp đỡ nông dân tìm kiếm thị trường”.

Thị trường tiềm năng

Sản phẩm măng tây xanh thuộc loại rau cao cấp, được sử dụng nhiều ở các khách sạn, nhà hàng, siêu thị nên việc thành lập tổ hợp tác là một hướng đi cần thiết để nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Anh Hà Đức - Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất măng tây an toàn Điện Dương, chia sẻ: “Với những thanh niên còn trẻ tuổi như tôi sẽ tham gia quảng bá sản phẩm qua website, phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn bà con tiếp cận thị trường. Hiện tại sản phẩm của chúng tôi được tiêu thụ hết tại một cửa hàng rau sạch ngoài Đà Nẵng và đang tiếp cận với một số nhà hàng, khách sạn lớn”. Cùng với đó, 8 thành viên trong tổ hợp tác này sẽ giúp nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ công việc để chung tay xây dựng thương hiệu.

Ông Võ Văn Nghi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết: “Từ việc học hỏi mô hình ở Ninh Thuận rồi về trồng thử nghiệm, nhân rộng ở Điện Dương cho thấy trồng măng tây xanh mang dáng dấp của cách làm ăn lớn. Chúng tôi sẽ đồng hành với bà con nông dân và Tổ hợp tác sản xuất măng tây an toàn Điện Dương để chung tay phát triển sản phẩm; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất”.

Ông Phạm Thành Chung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm Điện Bàn cho biết, mô hình trồng măng tây xanh an toàn phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thị xã nên vấn đề xúc tiến thương mại được các cấp quan tâm. “Chúng tôi hướng đến một loại hàng hóa sạch, có thương hiệu và đang chờ cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn” - ông Chung cho hay.

Hội thảo chuyên đề “Mô hình sản xuất và tiêu thụ măng tây xanh an toàn” do Trạm Khuyến nông - khuyến lâm thị xã Điện Bàn phối hợp tổ chức vừa qua mở ra nhiều hướng đi cho các địa phương thuộc vùng đông Điện Bàn để hình thành một vùng nông nghiệp đô thị. Từ những lợi thế sẵn có như diện tích đất cát lớn phục vụ gieo trồng; địa lý tiếp giáp với Hội An, gần TP.Đà Nẵng nên sản phẩm măng tây xanh của Điện Dương không khó để tiếp cận phục vụ thực khách trong các khách sạn, nhà hàng. Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, đây là một mô hình mới nhưng hiệu quả nên cây măng tây xanh chắc chắn sẽ có chỗ đứng vững chãi trên địa bàn trong thời gian tới. “Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương có chủ trương giảm các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm để hạn chế tình trạng ô nhiễm. Đồng thời khuyến khích phát triển loại hình rau sạch, chất lượng cao như măng tây xanh. Chúng tôi sẽ có cơ chế hỗ trợ vốn cho người dân, kêu gọi doanh nghiệp liên kết để đẩy mạnh sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm” - ông Dũng nói.

VĂN HÀO - PHAN VINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng măng tây xanh tại Điện Dương: Thành lập tổ hợp tác sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO