Khi ngọn gió heo may thay thế ngọn gió Lào khô nóng ran người cũng là lúc đất trời dần chuyển sang thu. Cứ vào tầm nắng xế, để ý, tôi thấy từ dãy Cửa Rừng những đám mây màu xám bạc đùn lên cao, cao mãi. Rồi những đám mây màu xám bạc ấy kết nối lại, trải ra, vần vũ, che kín cả một góc trời. Sấm chớp ùng oàng bủa giăng tứ phía. Và mưa. Mưa xối xả. Và gió. Gió ầm ào đảo chiều xuôi ngược khiến cây cối ngả nghiêng. Chừng nửa tiếng sau, gió lặng, mưa ngừng. Bầu trời lại hửng nắng. Và ở đằng đông, một chiếc cầu vồng ngũ sắc bắc ngang qua núi Sấu đẹp như mơ.
Xa quê ra phố cư ngụ từ lâu, đầu hai thứ tóc nhuốm màu phong sương, nhưng mỗi khi nhìn thấy những hàng cây trên hè phố thả những chiếc lá vàng rơi trong gió, tôi lại nhớ những cơn mưa đầu mùa, nhớ cánh đồng Cây Thị - nơi phân chia địa giới giữa hai làng Tả Lâm và Hữu Lâm. Gọi là cánh đồng Cây Thị song chỉ thấy mấy cây sầu đâu xòe tán lá xanh um che cụm đá đen nhô cao giữa đồng. Do không chủ động được nguồn nước tưới nên một nửa cánh đồng Cây Thị sau khi thu hoạch vụ đông xuân, đất được nghỉ ngơi. Và đấy cũng là nơi bọn trẻ con ở hai làng Tả Lâm và Hữu Lâm chăn thả trâu bò. Những con vật nuôi thân thiết với nhà nông vào mùa nắng hạn kéo dài chẳng đủ cỏ để ăn, chúng buộc phải “nhấm nháp” thêm rạ và nhổ bật cả gốc lên phơi trắng đồng.
Cái nóng hầm hập mà gió Lào mang tới rồi cũng qua đi khi đất trời dần chuyển sang thu. Từ dãy Cửa Rừng, những đám mây màu xám bạc đùn lên. Và những cơn mưa đầu mùa ập đến. Bà tôi ngồi nhai trầu bỏm bẻm nơi bậu cửa nhìn mưa giăng trắng trời, cười nói: “Lại một mùa nấm huyết nữa mọc đầy ở cánh đồng Cây Thị…”. Dẫu bán tín bán nghi lời “tiên tri” ấy, nhưng sáng sớm hôm sau tôi vẫn lẽo đẽo theo chân bà tôi cắp rổ ra cánh đồng Cây Thị. Những gốc rạ bị trâu bò ăn, nhổ bật lên nằm la liệt. Đất bở ra vì ngấm nước mưa. Bà tôi đưa mắt nhìn quanh. Tôi cũng bắt chước làm theo. “Nấm huyết nhiều quá, bà ơi!”. Dưới ánh nắng mai, những chiếc nấm màu xám bạc đội đất trồi lên. Chúng mọc rải rác khắp nơi. Trên bờ thửa trụi trơ cỏ. Dưới mặt ruộng bị khô hạn làm nứt nẻ những vệt dài đan xen vào nhau…
Đâu có ai gieo trồng mà sao nấm huyết lại mọc đầy cánh đồng Cây Thị? Tôi băn khoăn tự hỏi. Những chiếc nấm vừa mới nhú lên bụ bẫm ngó y hệt ngón tay cái người lớn. Những chiếc nấm mọc khi đêm, mũ nấm xòe ra trông giống những chiếc dù (ô) bé xíu nhỏ xinh. Và mặt dưới của những chiếc mũ nấm có màu tím thẫm với cơ man những cánh lụa mỏng manh xếp thành vòng tròn quanh thân. Đời nấm thật ngắn ngủi. Chỉ tồn tại trong một buổi sáng rồi chuyển sang màu xám đen và tàn lụi dưới nắng trưa thu. Bà tôi bảo: “Nấm huyết nấu canh với lá lốt, lá bồ ngót, ăn vừa mát, vừa bổ dưỡng. Nấm huyết xào cũng là một món ngon hảo hạng. Tiếc là mùa nấm huyết chỉ kéo dài mươi ngày là hết”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Bà tôi cười giải thích: “Ấy là do những cơn mưa đầu mùa ngày càng dày hơn, đồng đất no nước, cỏ lại lên xanh, nấm huyết đành nhường chỗ…”.
Vẫn còn đó cánh đồng Cây Thị nhưng bà tôi đã thành người thiên cổ. Tôi ra phố cư ngụ từ thuở hoa niên. Mỗi khi nhìn thấy những hàng cây trên hè phố thả những chiếc lá vàng nhẹ nhàng rơi theo gió heo may, tôi lại nhớ những cơn mưa đầu mùa, nhớ cánh đồng Cây Thị, nhớ cái dáng bà tôi lom khom cúi nhổ những chiếc nấm huyết nhỏ xinh như những chiếc dù bé xíu…
NGUYỄN TAM MỸ