Hình thành trên quả đồi hoang thuộc xã Duy Hòa, Trường THPT Lê Hồng Phong là nơi các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn miệt mài trao truyền tri thức cho hàng chục nghìn học trò vùng Tây huyện Duy Xuyên suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển.
Năm tháng không quên
Sau ngày thống nhất đất nước vào năm 1975, con em ở vùng Tây Duy Xuyên học xong cấp 2 phải di chuyển hàng chục cây số để học cấp 3 tại Trường Phổ thông trung học Duy Xuyên (nay là Trường THPT Sào Nam) hoặc trường ở các địa phương khác. Việc đi lại rất khó khăn, nguy hiểm, nhất là mùa mưa bão; nhiều em đành bỏ học nửa chừng.
Bức xúc trước thực tế đó, nhân dân và cán bộ 5 xã vùng Tây (gồm: Duy Châu, Duy Hòa, Duy Thu, Duy Phú, Duy Tân) cùng lãnh đạo huyện đã kiến nghị cấp trên cho thành lập trường cấp 3 tại khu vực này. Thế rồi, ngôi trường đã “mọc” lên nơi một quả đồi hoang, thuộc vùng đất bán sơn địa xã Duy Hòa mang tên Trường Phổ thông trung học Duy Xuyên II.
Năm học đầu tiên 1983 - 1984, Trường Phổ thông trung học Duy Xuyên II gồm 2 lớp 11 (từ Trường Phổ thông trung học Duy Xuyên chuyển về) và 4 lớp 10 tuyển mới, tổng số học sinh 256 em.
Một năm sau, trường đổi tên thành Trường Phổ thông trung học vừa học vừa làm Lê Hồng Phong cho phù hợp với nhiệm vụ và yêu cầu giáo dục. Mô hình vừa học vừa làm gồm các nghề, các đội sản xuất như gạch, chổi đót, phấn viết, mộc, sửa xe đạp, trồng cây (thí điểm đến năm 1987).
Do tình hình kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân còn kham khổ, nên các năm 1989 và 1990, nhiều học sinh bỏ học để đi làm giúp đỡ gia đình. Có năm, trường chỉ tuyển được 1 lớp 10, số lượng học sinh cấp 3 sụt giảm (chỉ còn 4 lớp).
Chính vì vậy, cấp trên có chủ trương sáp nhập các trường cấp 2 của xã Duy Hòa và xã Duy Châu vào trường Lê Hồng Phong. Năm học 1989 - 1990, Trường Phổ thông cấp 2, 3 Lê Hồng Phong ra đời.
Đến năm 1992 - 1993, nhà trường sáp nhập thêm Trường Phổ thông cơ sở Cao Bá Quát (nay là Trường THCS Phan Châu Trinh, xã Duy Châu). Giai đoạn này, quy mô trường phát triển nhanh với 58 lớp. Số lượng học sinh tăng lên, các trường THCS lại được trả về cho xã. Đến năm học 1998 - 1999, UBND tỉnh quyết định thành lập Trường THPT Lê Hồng Phong cho đến hôm nay.
Đong đầy kỷ niệm
Thống kê 40 năm qua, Trường THPT Lê Hồng Phong đã có 10.771 học sinh ra trường. Nhà trường đã được tặng thưởng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng nhiều giấy khen của Sở GD-ĐT. Đặc biệt, năm 2013, trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2015, UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua các trường THPT tỉnh Quảng Nam năm học 2015 - 2016”; đạt Tập thể lao động xuất sắc nhiều năm liền. Chi bộ được công nhận trong sạch vững mạnh nhiều năm liền.
Thầy giáo Phan Tiềm - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (giai đoạn tháng 8/1990 đến tháng 8/1995) kể, cuối tháng 8/1983, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, thầy nhận quyết định về giảng dạy tại Trường Phổ thông trung học Duy Xuyên II.
Lúc đó, trường xây dựng trên một phần của quả đồi đất đỏ. Quả đồi này vào thời chiến là điểm cao, lính Mỹ - ngụy dùng làm căn cứ để quan sát, ngăn chặn du kích, bộ đội chủ lực của ta từ miền Bắc vào, cho nên trên và dưới chân đồi còn nhiều lô cốt, công sự, vỏ đạn, dây thép gai và cả mồ mả của người dân.
Khuôn viên trường không một cây bóng mát; hai dãy nhà được xây lên vừa làm phòng học, vừa làm phòng làm việc cho lãnh đạo và bộ phận giáo vụ, kế toán, hành chính; tường rào, cổng ngõ chưa có.
Thầy Phan Tiềm cho biết, được Sở GD-ĐT chọn triển khai thí điểm mô hình trường vừa học vừa làm, thầy cô lẫn học trò vất vả, vật lộn với điệp khúc “dạy - học - lao động”. Cứ như thế, mọi người sáng lên lớp, chiều lao động với các em, nhóm thì làm chổi đót, nhóm làm phấn viết, nhóm ươm cây, nhóm làm gạch.
Hằng năm, vào mùa mưa là cả trường phải nghỉ để thầy trò trồng cây trên các đồi núi khu Tây. Ngày đó, trước cảnh thầy trò vượt suối, lội mưa lên đồi trồng cây “phủ xanh đồi trọc”, để động viên tinh thần, thầy Võ Văn Phước (giáo viên môn Lịch sử, quê Thừa Thiên Huế) đã sáng tác bài hát “Ta đi trồng cây” với các ca từ: “Tùng tùng! Ta đi trồng cây. Tùng tùng! Tiến về đồi hoang. Trèo lên đồi cao, ta tiến vô rừng sá gì gian khó ngày hôm nay. Sá gì mưa gió và khe sâu…”.
Thời bấy giờ, điều kiện của nghề dạy học rất khó khăn, trường đóng ở vùng Tây của huyện nên xa trung tâm y tế, thầy cô nơi khác đến giảng dạy đi lại không thuận lợi. Học trò đi học trên những con đường đất vào mùa nắng thì đầy bụi, mùa mưa trơn trượt.
Vừa đi học vừa phải phụ giúp gia đình mưu sinh, vì vậy hình ảnh học trò dắt bò đi theo, cột bò ngoài sân trường để vào lớp học, hết giờ học lại dắt bò về là hoàn toàn có thật. Dù đã chuyển công tác nhiều nơi, thầy Phan Tiềm đánh giá học trò của Trường THPT Lê Hồng Phong hiếu học, cần cù, chịu khó, không ngại đường xa và khát khao đến trường, học tập vươn lên.
Gặt hái thành công
Khu Tây Duy Xuyên là vùng đất kiên trung, anh hùng trong chiến đấu; sở hữu nhiều di tích, nét văn hóa đặc sắc như Khu đền tháp Mỹ Sơn, Lễ hội Bà Thu Bồn. Nơi đây cũng là vùng quê có truyền thống hiếu học, học giỏi.
Thầy Phạm Diệu - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cuộc sống của nhân dân chưa hết khó khăn, nhưng nhà trường luôn được sự quan tâm lãnh đạo, động viên và hỗ trợ kịp thời của tỉnh, Sở GD-ĐT, của các cấp, các ban ngành, hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở, sự đồng hành của nhà hảo tâm, ban đại diện cha mẹ học sinh, cựu học sinh... Cùng với đó, thầy và trò đã phát huy truyền thống quê hương để vượt qua bao thăng trầm, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt.
“Nhiều thầy cô giáo đến rồi đi; bao thế hệ học sinh trưởng thành, đặt chân khắp mọi miền đất nước và nước ngoài. Trên hành trình 40 năm ấy, nhà trường luôn tự hào về đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên đã tâm huyết và đầy tinh thần trách nhiệm, đóng góp thầm lặng cho sự nghiệp ươm mầm tri thức” - thầy Phạm Diệu nói.
Để đến nay, Trường THPT Lê Hồng Phong lớn mạnh về mọi mặt. Kết quả thi học sinh giỏi tỉnh luôn được duy trì thành tích tốt, nâng cao số lượng và chất lượng giải, nhiều năm giữ vị trí Nhất, Nhì, Ba. Chất lượng giáo dục đại trà, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT luôn trong tốp đầu của tỉnh.
Các thế hệ lãnh đạo nhà trường đều ghi nhận, điểm trân quý nơi các thế hệ học trò là cho dù có đi bất kỳ nơi đâu, đang làm bất kỳ vị trí gì trong xã hội vẫn luôn hướng về ngôi trường đầy ắp yêu thương. Kỷ niệm chặng đường 40 năm, ngôi trường mang tên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nằm ven con sông Thu Bồn, nơi có nhịp cầu Giao Thủy sẽ tiếp tục chắp cánh ước mơ tri thức cho con em vùng Tây Duy Xuyên hôm nay và mai sau.