Trong nỗi đau da cam

VÕ VĂN TRƯỜNG 13/08/2023 15:19

(QNO) - Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã rải hàng chục triệu lít chất độc hóa học da cam/dioxin, để lại thảm họa vô cùng tàn khốc, đó là di chứng bệnh tật cho con người. 

Dù cuộc chiến đã đi qua non nửa thế kỷ, nhưng những di chứng của chất độc da cam/dioxin vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ. Ðiều đáng ghi nhận, bằng ý chí và nghị lực, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã vượt lên nỗi đau, nỗ lực phấn đấu làm được những việc tuy nhỏ cho bản thân, người thân nhưng rất đáng trân trọng.

Nghị lực mang tên Nguyễn Hùng Sơn

Nằm lọt thỏm giữa khu rừng keo lá tràm khá hoang vắng, từ tuyến đường huyện lộ vào đến nhà nạn nhân da cam Nguyễn Hùng Sơn chỉ mất vài chục phút nhưng chúng tôi cảm giác cuộc sống gia đình Sơn khá biệt lập với bên ngoài. Do Sơn có thời gian sống ở Làng Hòa Bình (TP.Tam Kỳ) và từng gặp Sơn nên tôi dễ dàng nhận ra em… và em cũng tỉnh táo nhận biết những người đến thăm.

 

Điều đáng nói là tuy chân tay còng queo, đầu quá to mất cân đối với cơ thể song trí não em phát triển khá bình thường. Dù đi lại hết sức khó khăn, nhưng qua khoản tiền trợ cấp hằng tháng có được, Sơn đã nhờ mẹ ra chợ mua đàn gà rồi tự mình chăm sóc. Ngày thả vườn, trưa, tối gọi về cho ăn thêm lúa và các phế phẩm sẵn có của một gia đình làm ruộng ở quê nên đàn gà phát triển rất nhanh.

Sơn tâm sự, việc làm nhỏ thôi nhưng đó cũng là cách vận động đi lại, tinh thần thỏa mái hơn và cũng để mẹ mình yên tâm hơn. Ba tháng lại đây sức khỏe của Sơn không tốt, di căn chất độc quái ác hành hạ Sơn nhiều hơn những lúc đêm về. Thương mẹ, nhiều lúc cũng buồn lắm nhưng phải cố… Sơn rơm rớm nước mắt.

Theo ông Hồng Quang Minh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin huyện Quế Sơn thì vợ chồng chị Năm anh Túc có con đầu là Sơn bị nhiễm chất độc da cam khi mới sinh ra, anh trai của Sơn bị tâm thần và một người em nữa cũng bị bệnh u phổi, không có khả năng lao động.

 
Nạn nhân Nguyễn Hùng Sơn chăm sóc đàn gà.

Bản thân Sơn từng được đón về Làng Hòa Bình tại thành phố Tam Kỳ nuôi dưỡng, nhưng rồi nhớ mẹ, Sơn có nguyện vọng trở về nhà và đã được các cô chú ở làng chấp nhận. Hiện Sơn và rời Làng Hòa Bình vừa tròn 10 năm để về sống cùng mẹ, bà ngoại và một người anh. Anh của Sơn cũng là người tâm thần nên lang thang đây đó, ít khi có mặt ở nhà.

Bà Nguyễn Thị Năm cho biết, chồng mình là Nguyễn Văn Túc (sinh năm 1955), thoát ly theo cách mạng làm du kích thời chống Mỹ, sau đó vào bộ đội địa phương huyện Quế Sơn. Ông Túc bị bệnh tâm thần nặng và nhiều bệnh nan y khác đã mất năm 2017. Niềm hạnh phúc đời chị là các con… nhưng bây giờ tủi cho mình thì ít mà thương các con thì nhiều. Không biết Sơn còn hôm sớm với bà được bao lâu… vẫn biết nó là đứa rất nghị lực. Sơn luôn mong có được sức khỏe để làm được nhiều việc hơn giúp mẹ.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam dioxin xã Quế Thuận, Quế Sơn cho biết thêm, ngày này qua ngày khác, bà Nguyễn Thị Năm một mình quần quật với hai rào ruộng, mảnh vườn để nuôi, chăm sóc 3 đứa con dị tật bẩm sinh và tâm thần. Cuộc sống hết sức khó khăn chật vật, song niềm động viên với bà ngoài sự hỗ trợ gúp đỡ của các cấp hội về ngôi nhà nghĩa tình để có chỗ trú nắng mưa, con bò sinh kế… thì sự hoạt bát, tỉnh táo, giúp mẹ mọi việc khi có thể của Sơn như là chỗ dựa tinh thần để bà trụ lại, làm chỗ dựa cho con.

Chuyện lập nghiệp của một nạn nhân da cam/dioxin

Về xã Cẩm Hà, thành phố Hội An chúng tôi đến thăm trại nấm do anh Lê Minh Sơn - Một nạn nhân da cam, thuộc thế hệ thứ ba ở thôn Trà Quế làm chủ. Mọi việc chăm sóc nấm anh đều có thể đảm đương sau một lần được hướng dẫn. Kề đó là trại gà tuy quy mô nhỏ, nhưng góp phần tạo thêm nguồn thu và cải thiện bữa ăn gia đình. Tất cả nhờ khoản hỗ trợ hai đợt, mỗi đợt 15 triệu đồng từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hội An.

 
Cùng với trại nấm, nạn nhân Lê Minh Sơn còn trồng và chăm sóc vườn rau hơn 800m2 để có nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Nhờ siêng năng anh Sơn còn cùng ba là ông Lê Ngọ chăm sóc mảnh vườn rộng ra hơn 800m2. Công việc tuy không mấy nặng nhọc nhưng nhờ lợi thế vùng rau tiếng tăm xứ Quảng đã giúp gia đình anh Sơn ổn định cuộc sống. Anh Sơn bộc bạch, anh sinh ra luôn ốm yếu, khi nhỏ ráng lắm cũng mới hết lớp 7 thì nghỉ học vì không tiếp thu kiến thức.

Ông Lê Văn Nhì - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin xã Cẩm Hà (Hội An) cho hay: Giúp con, hằng ngày ông Ngọ vẫn thường gánh vác công việc cùng con trai ở trại nấm, chăm gà và chăm sóc vườn rau. Cơ ngơi có được hôm nay là từ nguồn hỗ trợ sinh kế 15 triệu đồng/đối tượng của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin địa phương. Riêng với trường hợp của Sơn đã hỗ trợ lần hai, tức là đã được hỗ trợ 30 triệu đồng cho việc tạo sinh kế.

Cùng đi thăm các đối tượng nạn nhân da cam được hỗ trợ sinh kế, bà Võ Thị Hóa, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hội An phân trần: "Theo quy định của nhà nước, nạn nhân da cam thế hệ thứ ba hiện vẫn chưa có một chế độ nào. Việc giúp đỡ cho đối tượng này chúng tôi phải hết sức linh động, tìm nguồn lực để giúp đỡ. Điều phấn khởi là sau gần 9 năm thành lập, chi nhánh Hội Nạn nhân chất độc da cam quốc tế Hội An (ở nước ngoài) do cá nhân người Bỉ là bà Chris Geyskén làm chủ tịch đã kêu gọi vận động giúp đỡ các nạn nhân da cam ở Hội An hơn 1,25 tỷ đồng".

Từ nguồn quỹ nói trên, thành phố Hội An đã chi hỗ trợ sinh kế được một số trường hợp, chủ yếu thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam và nguồn hỗ trợ này mang lại hiệu quả. Trường hợp anh Lê Minh Sơn là một điển hình, bởi ngoài nguồn vốn hỗ trợ thì nỗ lực vươn lên của chính người trong cuộc và gia đình của họ mới quyết định được sự thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trong nỗi đau da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO