Trồng rau hữu cơ có gắn với phát triển du lịch: Dự án đa mục tiêu

QUÂN LÊ – THÀNH ĐẮC 27/11/2015 09:49

“Hoa quả - sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam” – một chương trình của Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động, sẽ trở thành kênh tiếp cận giữa nông dân và người làm du lịch.

Từ làng rau Trà Quế, đến những hộ trồng rau hữu cơ tại Cẩm Thanh (Hội An) đều là những nhà nông có khả năng làm du lịch. Thông qua những hoạt động du lịch tại địa phương, nông sản có cách tiêu thụ khá lạ…

Rau hữu cơ… hút khách

Tại cánh đồng Sau Doi (thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh), một khu đất được cách ly hoàn toàn. Trong khu vườn đó, có rất nhiều loại rau được gieo trồng xanh mơn mởn. Đưa những sản phẩm rau an toàn vào cộng đồng, Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị hỗ trợ xã Cẩm Thanh triển khai dự án xây dựng mô hình nhóm nông dân sản xuất rau hữu cơ với diện tích 6.300m2, sau một thời gian đã đem lại hiệu quả. Với hệ thống phun sương tự động, các hộ dân thôn Thanh Đông đã sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân chuồng, than trấu và chế phẩm sinh học để tạo nguồn phân hữu cơ. Bà con trồng 2 nhóm rau chính là rau ăn quả và rau ăn lá như: rau muống, dền, mồng tơi, cải, đậu  bắp, đậu đũa, cà chua, dưa hấu, bí đỏ, ớt… Tính đến nay, vườn rau đã cung cấp ra thị trường gần 10 tấn sản phẩm rau các loại.

Bà Đặng Thu Hằng (quản lý dự án của Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị) tại xã Cẩm Thanh cho biết, dự án với mục tiêu xây dựng thành công mô hình nhóm nông dân sản xuất rau hữu cơ kết hợp phát triển tour du lịch cộng đồng (tham quan và học tập tại vườn rau hữu cơ). “Ngoài nâng cao thu nhập cho nông dân và cung cấp sản phẩm thực phẩm hữu cơ cho người dân và du khách, dự án cũng nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ, đóng góp vào chiến lược phát triển lâu dài về nông nghiệp hữu cơ tại TP.Hội An. Cạnh đó, dự án “Phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ nhằm tăng sinh kế và quyền lãnh đạo cho phụ nữ” còn tập trung vào 3 mục tiêu chính là nâng cao năng lực cho phụ nữ, tăng sinh kế cho phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ nông thôn phát triển các mô hình nông nghiệp” - bà Hằng nói. Từ hiệu quả ban đầu này, rau hữu cơ tiếp tục được đề xuất nhân rộng tại một số diện tích đất tại Cẩm Thanh và xã Cẩm Kim, phường Cẩm Châu trong nay mai.

Làng rau Trà Quế.
Làng rau Trà Quế.

Đặc biệt, tại vườn rau đã đón các tour tham quan của các học sinh và du khách. Những nông dân chăm vườn rau chẳng khác gì hướng dẫn viên du lịch về rau củ quả. Họ nắm rõ quy trình sản xuất, từng loại cây trong vườn. Theo ông Nguyễn Văn Chức (một nông dân địa phương), trước đây người dân đã trồng rau nhưng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến người sử dụng; khi có dự án thực hiện, cá nhân ông rất ủng hộ và một số người dân khác đã tham gia. “Làm rau hữu cơ rất khó, nhưng đấy là giai đoạn đầu thôi. Còn bây giờ thì dễ lắm, cách thức đã nắm rõ trong tay rồi. Điều đáng mừng là rau chúng tôi làm ra được mọi người đón nhận, đặc biệt là hệ thống nhà hàng, khách sạn đón nhận sản phẩm của bà con làm ra” - ông Chức cho hay.

Làm rau hữu cơ tại Cẩm Thanh. Ảnh: Q.L
Làm rau hữu cơ tại Cẩm Thanh. Ảnh: Q.L

Lợi nhuận tăng

Ông Lê Nhương, một trong những người dân tham gia dự án trồng rau hữu cơ tại Cẩm Thanh với diện tích hơn 400m2 chia sẻ, trồng rau hữu cơ khác với sản xuất rau thông thường, bởi quy trình trồng rau hữu cơ hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học. Đất trồng rau được quy hoạch thành vùng, xét nghiệm đảm bảo không ô nhiễm bởi kim loại nặng và các chất độc hại khác, có vùng đệm thích hợp để tránh xâm nhiễm từ bên ngoài. “Có một điều rất hay là tại vườn rau trồng các loài cây khác để dẫn dụ (như hoa cúc vạn thọ) hoặc dùng các chế phẩm tự chế từ thảo mộc như gừng, tỏi, rượu, kết hợp bắt bằng tay để giải quyết vấn đề sâu bệnh. Khoảng 400m2 đất sản xuất đã cho thu gần 7 triệu đồng/năm” - ông Nhương tâm sự.

Riêng với nông dân Trà Quế, từ khi mở cửa làng rau đón khách du lịch khi bằng tour “Một ngày làm cư dân phố cổ” (năm 2003), nhiều nông dân đã có cơ hội đổi đời. Bây giờ, bên cạnh chuyện trồng rau, nông dân còn đi học tiếng Anh để giao tiếp với khách. Một số trung tâm trị liệu, chăm sóc sắc đẹp cũng đã nghiên cứu đưa các tinh chất từ rau như quế, húng… vào các phương pháp trị liệu. Tiền lãi trên một sào rau trước đây chỉ độ 700 nghìn đồng/năm/sào, nay đã tăng gấp đôi, gấp ba nhờ thu nhập thêm từ dịch vụ du lịch. Tên tuổi làng rau được nhiều công ty lữ hành, du lịch đưa lên website giới thiệu. Không chỉ vậy, các lễ hội truyền thống của làng cũng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Theo thống kê mới đây, tham dự hội Cầu Bông của làng rau Trà Quế có đến hơn 500 lượt khách. Hàng năm, thu ngân sách từ du lịch của làng rau Trà Quế luôn trên 200 triệu đồng.

Với 220 hộ làm nông nghiệp, trong đó có 130 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích hơn 40ha, làng rau Trà Quế đã bắt đầu có danh tiếng trong bản đồ du lịch của Hội An. Cũng từ đây, những sản phẩm lưu niệm từ các loại rau này bắt đầu được sáng tạo và hình thành. Một Trà Quế studio của Nguyễn Thị Xuân Yến ra đời giữa không gian làng quê, với nhiều trải nghiệm nghệ thuật, đã kéo chân du khách khắp nơi tìm về. “Trà Quế studio ra đời từ cảm giác về một không gian nhỏ, ấm cúng và trong lành giữa lòng thành phố để mọi người có thể đến trò chuyện, cùng nhau vẽ vời, lên ý tưởng và mang về những tấm thiệp nhỏ xinh nhưng được chăm chút bằng tất cả tài năng và tấm lòng của người họa sĩ. Những sản phẩm rau Trà Quế là chất liệu để chúng tôi thực hiện tác phẩm của mình” - Nguyễn Thị Xuân Yến chia sẻ.

Với những trăn trở trong việc tìm kiếm những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, thì nông sản – cụ thể là những vị rau xứ Quảng với nhiều biến tấu, có thể là một gợi ý cho công cuộc tìm kiếm quà lưu niệm của ngành văn hóa, du lịch Quảng Nam.

QUÂN LÊ – THÀNH ĐẮC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng rau hữu cơ có gắn với phát triển du lịch: Dự án đa mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO