Các thảm họa sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở các tỉnh miền Trung vừa qua cho thấy mức độ tàn phá của thiên tai ngày càng phức tạp. Vì vậy, phục hồi rừng xanh được xem là giải pháp hữu hiệu để chống biến đổi khí hậu.
Theo Luật Lâm nghiệp năm 2017, rừng tự nhiên phải được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Do đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang rà soát diện tích rừng tự nhiên hiện có ngoài quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh để đưa vào quy hoạch lâm nghiệp. Tổng diện tích rừng tự nhiên quản lý, bảo vệ rừng (BVR) theo các chương trình, dự án của tỉnh là hơn 437.840ha. Trong đó, diện tích chuyển sang hợp đồng với lực lượng BVR chuyên trách là 246.326ha; diện tích tiếp tục giao khoán BVR hơn 173.341ha và quản lý rừng cộng đồng với diện tích 18.172ha. Các đai rừng phòng hộ ven biển cũng được quy hoạch.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các dự án muốn chuyển đổi sử dụng rừng vừa qua là các dự án phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng; dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Luật Lâm nghiệp quy định rất rõ, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác được Thủ tướng phê duyệt. HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20ha; rừng sản xuất dưới 50ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.
Quảng Nam đang tái cơ cấu toàn diện ngành lâm nghiệp, trong đó chú trọng đầu tư khôi phục rừng, nhất là trồng rừng thay thế diện tích rừng đã bị chuyển đổi sang mục đích khác. Đến nay, diện tích trồng rừng thay thế được hơn 2.042ha (đạt 86,6% so với tổng diện tích đã phê duyệt phương án trồng rừng).
Ông Trần Văn Thu – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch, đề án về bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt theo hướng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có. Nâng cao giá trị sử dụng rừng thông qua việc cải thiện chất lượng giống để tăng năng suất và chất lượng rừng gắn với các chính sách hỗ trợ người dân miền núi ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng phòng hộ ven biển. Trồng rừng là giải pháp đơn giản nhất để đối phó với biến đổi khí hậu và đó cũng là giải pháp hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, vừa qua, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, làm cho mưa lớn, nắng nóng, hạn hán với cường độ cao. Do đó, phát triển rừng được coi là con đường ngắn nhất để chống biến đổi khí hậu.