Trồng rừng sản xuất gỗ lớn: Còn nhiều rào cản

TRẦN HỮU 31/03/2017 08:40

Quyết định số 147/2007/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 được xem là chính sách đầu tiên khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất gỗ lớn, nhưng 10 năm qua các huyện miền núi trong tỉnh vẫn chưa hào hứng thực hiện.

Cơ hội rộng mở

Tại Quảng Nam, từ khi đề án tái cơ cấu mạnh ngành lâm nghiệp ra đời mấy năm nay, doanh nghiệp và người dân mới bắt đầu để ý đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Trước sân chơi hội nhập, yêu cầu khắt khe phải sử dụng nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp, đã manh nha giai đoạn liên kết trồng rừng giữa người dân với doanh nghiệp về đạt các tiêu chuẩn quốc tế chứng chỉ rừng (FSC).  Nhiều năm nay, Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, Công ty TNHH Innovgreen Chu Lai, hay các dự án trồng rừng WB3, KFW6, chương trình 661... đều quan tâm trồng rừng gỗ lớn ít nhất 10 năm mới khai thác.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của tỉnh đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn gỗ lớn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ảnh: T.H
Các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của tỉnh đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn gỗ lớn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ảnh: T.H

Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam cho rằng, nếu thị trường châu Âu, Nhật, Mỹ...  quản lý chặt chẽ, tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ, Chính phủ sẽ có những giải pháp căn cơ đầu tư hỗ trợ phát triển rừng gỗ lớn, đáp ứng tiêu chuẩn FSC. Khi đó doanh nghiệp sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ liên kết, hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật trồng rừng, đáp ứng các tiêu chí khắt khe về gỗ xuất khẩu. Hiện, doanh nghiệp này sở hữu hơn 2.000ha rừng đạt tiêu chuẩn FSC và liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng hầu hết người dân miền núi đã “bán non” rừng trồng, vì vậy giải pháp mang tính đột phá là phải thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn, kèm theo đó là chính sách “cởi trói” của Nhà nước, liên kết hợp tác 4 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông).

Theo tính toán của ngành lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn có chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ do giai đoạn về sau chủ yếu là chi phí bảo vệ rừng thay vì phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc. Ưu thế khác, nhu cầu gỗ lớn cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước ngày càng gia tăng nên càng tạo điều kiện, môi trường cho các mô hình trồng rừng gỗ lớn phát triển. Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), gỗ là ngành có tiềm năng phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Quyết định 889/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo đà chuyển cơ cấu xuất khẩu dăm gỗ sang cung cấp nguyên liệu cho chế biến gỗ, giảm dần nhập khẩu nguồn nguyên liệu. Ở Quảng Nam, đề án tái cơ cấu sản xuất lâm nghiệp cũng đã ưu tiên phát triển rừng đạt tiêu chuẩn FSC và có chính sách hỗ trợ chế biến sâu ván nhân tạo thay thế dần sản xuất nguyên liệu dăm giấy xuất khẩu như hiện nay.

Thiếu đất và vốn

Suốt thời gian dài, các địa phương miền núi hầu như “quên” quy hoạch quỹ đất để trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Minh chứng là phổ biến tình trạng diện tích trồng đan xen giữa các chủ rừng Nhà nước và hộ gia đình cũng như giữa các loại rừng với nhau. Trồng rừng gỗ lớn tiềm ẩn rủi ro cao nên các ngân hàng không ưu tiên cho vay. Nghị định số 75/2011/NĐ-CP quy định danh mục các dự án được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước không đề cập các dự án liên quan đến lâm nghiệp. Văn bản này quy định chỉ có tổ chức, doanh nghiệp mới được vay tín dụng đầu tư. Về tín dụng xuất khẩu, nghị định cũng quy định sản phẩm hàng mây tre đan, đồ gỗ xuất khẩu thuộc danh mục mặt hàng được vay vốn tín dụng xuất khẩu, còn các hoạt động chế biến lâm sản khác và trồng rừng gỗ lớn không thuộc danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Điều đáng lo ngại hơn, gần như nông dân chưa mong muốn trồng rừng gỗ lớn, bởi họ lập luận rằng rừng gỗ nhỏ (5 - 7 năm) có hiệu quả kinh tế cao hơn do có nguồn thu nhanh hơn, có thể sớm quay vòng đầu tư tiếp thay vì chỉ nhận một lần thu nhập nếu phát triển gỗ lớn. Rủi ro cao nhưng Nhà nước chưa có chính sách bảo hiểm đặc biệt đối với rừng trồng gỗ lớn.

Đất đai cũng là rào cản lớn với phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn. Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, dự án đầu tư trồng rừng, bảo vệ rừng sản xuất phát triển cây giống lâm nghiệp... thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (như được miễn giảm 70% tiền sử dụng đất, nếu thuê đất được miễn tiền thuê đất 15 năm đầu...). Tuy nhiên, quỹ đất lâm nghiệp tập trung quy mô lớn để trồng mới rừng sản xuất không còn; quy mô diện tích đất lâm nghiệp của mỗi hộ nhỏ lẻ, phần lớn mỗi hộ chỉ có 1 - 2ha.

Trong khi đó, công tác giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở một số địa phương còn chậm, nên nhiều chủ rừng không thể vay vốn sản xuất kinh doanh rừng. Các cơ sở ươm giống cây lâm nghiệp vừa yếu lại vừa thiếu, chưa cung cấp cho sản xuất quy mô lớn. Theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trung ương cần sửa đổi các chính sách hiện hành về vay vốn tín dụng ưu đãi theo hướng tạo điều kiện thuận tiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí cho giống, khuyến lâm, phát triển hạ tầng vùng lâm sinh, chuyển sang hình thức cho vay ưu đãi để trồng rừng gỗ lớn chứ không nên hỗ trợ vốn cho không để trồng rừng sản xuất.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng rừng sản xuất gỗ lớn: Còn nhiều rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO