Trồng rừng thay thế: Hạn chế về chất lượng

TRẦN HỮU 14/07/2017 09:29

Tuy kế hoạch trồng rừng thay thế (TRTT) đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng để xây dựng các công trình thủy điện đã cán đích, song một số nơi chất lượng rừng còn thấp, chênh lệch giữa hồ sơ thiết kế trồng rừng và thực địa khá lớn.

Tỷ lệ cây sống ở nhiều nơi trồng rừng thay thế đạt rất thấp. Ảnh: T.H
Tỷ lệ cây sống ở nhiều nơi trồng rừng thay thế đạt rất thấp. Ảnh: T.H

Hoàn thành chỉ tiêu

Từ năm 2016, Sở NN&PTNT thực hiện thanh tra TRTT diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng để xây dựng các công trình thủy điện tại nhiều đơn vị chủ rừng như các Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Tranh, rừng phòng hộ Bắc Sông Bung,  BQL Đầu tư xây dựng và phát triển rừng huyện Tây Giang, các BQL dự án trồng rừng huyện Phước Sơn, rừng phòng hộ Đắk Mi, dự án trồng rừng huyện Núi Thành, rừng phòng hộ A Vương, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, rừng phòng hộ Nam Sông Bung, rừng phòng hộ Phú Ninh, BQL dự án trồng rừng huyện Thăng Bình. Điểm nổi bật là hầu hết chủ rừng đều trồng và đạt chỉ tiêu TRTT. Đáng lưu ý, một số nhà máy thủy điện như Sông Kôn, Tr’ Hy, Sông Tranh 2, Sông Tranh 3 đã trồng hơn 300ha rừng (vượt hơn 102% tổng số diện tích buộc phải trồng). Thủy điện Sông Bung 4 năm 2016 đã trồng hơn 206ha rừng, kết thúc tiến độ TRTT.

Đánh giá chất lượng rừng trồng, Sở NN&PTNT cho rằng, phần lớn cây giống trồng rừng được chủ đầu tư mua có nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con do cơ quan quản lý nhà nước cấp, đảm bảo tiêu chuẩn cây con trồng rừng. Hầu hết diện tích rừng trồng được thực hiện đảm bảo theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt như công tác xử lý thực bì, mật độ trồng, loài cây, đào hố, bón phân. Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn chung TRTT diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng để xây dựng các công trình thủy điện đảm bảo theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, phần lớn diện tích cây trồng sinh trưởng và phát triển bình thường. Kết luận của các đợt thanh tra về TRTT với các chủ rừng của Sở NN&PTNT cũng cho thấy, giai đoạn 2010 - 2015, TRTT trên địa bàn, về kỹ thuật thi công trồng rừng, các giải pháp kỹ thuật lâm sinh được chủ đầu tư và đơn vị thi công tổ chức triển khai cơ bản, đảm bảo đúng theo hồ sơ thiết kế phê duyệt. Các đơn vị chủ đầu tư đã thực hiện các hạng mục chăm sóc rừng trồng hàng năm theo đúng hồ sơ thiết kế kỹ thuật.

Trong khi đó, theo Sở Công Thương, đến nay tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng phục vụ cho thủy điện và đã được phê duyệt các phương án là 1.420ha.  Đến nay các đơn vị nhà máy thủy điện đã thực hiện tốt công tác TRTT bằng việc nộp tiền ủy thác cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh theo đúng quy định, đạt kế hoạch trồng 100%. Riêng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ gần 116ha và các chủ đầu tư đều đã hoàn thành nghĩa vụ TRTT theo quy định.

Còn hạn chế

Năm 2016, các nhà máy thủy điện đã nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với hơn 57,6  tỷ đồng; lũy kế đến hết năm 2016 là hơn 261 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này chi cho người dân nhận quản lý, bảo vệ rừng và cho nhiệm vụ quản lý, phát triển rừng.

Theo kết luận của đoàn giám giám sát Sở NN&PTNT gần đây, hạn chế của TRTT là tỷ lệ cây sống thấp ở nhiều nơi, nhất là thời điểm trồng vào năm 2015. Điển hình BQL rừng phòng hộ Sông Thanh chỉ đạt cây sống dưới 62%,  BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung hơn 70%, BQL đầu tư xây dựng và phát triển rừng huyện Tây Giang (68,3%), BQL rừng phòng hộ Đắk Mi (61,66%). Một số loại cây trồng có tỷ lệ sống rất thấp như cây bời lời đỏ (công trình trồng rừng sản xuất thủy điện Sông Bung 2 do BQL đầu tư xây dựng và phát triển rừng huyện Tây Giang làm chủ đầu tư); cây chò chỉ (công trình trồng rừng do BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh làm chủ đầu tư); cây lim xanh (công trình trồng rừng phòng hộ thủy điện Sông Bung 2 do BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung làm chủ đầu tư). Qua kiểm tra phát hiện BQL rừng phòng hộ A Vương thực hiện năm 2010 chưa có giấy chứng nhận nguồn gốc cây con theo quy định, BQL rừng phòng hộ Phú Ninh thực hiện năm 2014 (công trình TRTT chuyển mục đích sử dụng đường dây 220kV đấu nối thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4); BQL dự án trồng rừng huyện Phước Sơn.

Mấy năm trước đây, do lãnh đạo tỉnh yêu cầu các nhà máy thủy điện khẩn trương TRTT nên có nơi đơn vị tư vấn thiết kế điều tra, khảo sát các yếu tố tự nhiên ngoài hiện trường trồng rừng chưa chính xác, có nhiều lô thiết kế trồng rừng trên đất nương rẫy của người dân, rừng tự nhiên, bãi đá, độ dốc lớn. Đây là nguyên nhân dẫn đến không thực hiện hết kế hoạch trồng rừng đã được phê duyệt qua các năm. Đáng nói, có chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ theo nội dung Thông tư số 69/2011/TT-BNNPTNT ngày 21.10.2011 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh như chưa có chứng nhận nguồn gốc lô giống; đơn vị tư vấn chưa đảm bảo hồ sơ năng lực; không có sổ nhật ký công trình; không lập bản đồ hoàn công công trình lâm sinh.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng rừng thay thế: Hạn chế về chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO