Trồng rừng thay thế ở Đông Giang: Cần giám sát chặt chẽ

TRẦN NGUYỄN 29/09/2017 10:12

Diện tích trồng rừng thay thế (TRTT) trên địa bàn huyện Đông Giang phê duyệt ít hơn rất nhiều so với diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng từ dự án thủy điện. Tuy nhiên, việc triển khai công tác trồng rừng còn lúng túng.

Trồng rừng thay thế tại xã Ma Cooih, huyện Đông Giang. Ảnh: T.H
Trồng rừng thay thế tại xã Ma Cooih, huyện Đông Giang. Ảnh: T.H

Năm 2012, Đông Giang bắt đầu “trả nợ rừng”. Tại khoảnh 4, tiểu khu 154 xã Ma Cooih của huyện có 16,5ha rừng cây sao đen được Nhà máy thủy điện A Vương TRTT, với mật độ 1.111 cây/ha. Mật độ này khá thưa thớt so với các huyện Nam Giang và Bắc Trà My. Cây đã được 5 năm tuổi, sinh trưởng tốt, cao hơn đầu người. Ở khu vực rừng khoanh nuôi trồng bổ sung, thảm thực bì dây leo bụi rậm phát triển nhanh ảnh hưởng đến cây trồng. Theo Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương - ông Vũ Phúc Thịnh, việc tuân thủ trồng rừng theo quy định của Luật Đấu thầu gặp khó ở chỗ khi phê duyệt xong thì đã hết mùa trồng rừng. Bất cập là nếu không thi công thì không hoàn thành kế hoạch, còn thi công thì cây chết. Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang băn khoăn, tại địa phương rất đắn đo so sánh lợi - hại khi trồng mới hay khoanh nuôi có trồng bổ sung. Thực tế trạng thái rừng 1c trồng mới cây phát triển tốt, trong khi nhiều nơi thực bì lên nhanh phủ ngang cây trồng dặm nên sinh trưởng chậm lại.

Diện tích TRTT thực hiện trên địa bàn huyện Đông Giang tính đến ngày 20.8.2017 là hơn 88ha (đạt 100% kế hoạch TRTT mà UBND tỉnh đã phê duyệt), trong khi diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chủ yếu từ dự án thủy điện gần 358ha. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Hồ Quang Minh, những năm đầu, mặc dù Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3.3.2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai TRTT còn lúng túng, dẫn đến tiến độ triển khai chậm. Đến năm 2013, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 24 quy định về TRTT khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, lúc đó việc triển khai TRTT mới được đẩy nhanh tiến độ. Tỷ lệ cây sống đạt cao.

Tuy nhiên, hạn chế là một số khu vực trồng rừng bị trâu bò của người dân thả rông phá hoại, làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng. TRTT của các chủ đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu, chủ đầu tư hợp đồng với đơn vị thi công thực hiện, Sở NN&PTNT giám sát nghiệm thu nên chính quyền địa phương không được theo dõi chỉ đạo, giám sát. “Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện hoàn thành công tác TRTT cần có văn bản bàn giao diện tích rừng trồng cho địa phương và các chủ rừng quản lý bảo vệ theo quy định” - ông Minh kiến nghị. Tại buổi giám sát về TRTT tại huyện Đông Giang mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, để TRTT đem lại hiệu quả, tất nhiên cần cơ chế phối hợp giữa chủ đầu tư, ngành lâm nghiệp với chính quyền địa phương, nhất là cơ chế giám sát trong và sau khi TRTT.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng rừng thay thế ở Đông Giang: Cần giám sát chặt chẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO