Trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện: Cần chú trọng đa dạng sinh học

TRẦN HỮU 11/12/2017 09:04

Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đánh giá khá toàn diện kết quả giám sát thực hiện trồng rừng thay thế (TRTT) tại các dự án thủy điện. Mục tiêu TRTT là ngoài phủ xanh đất trống miền núi còn phải đầu tư nâng cao chất lượng đa dạng sinh học.

Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiểm tra trồng rừng thay thế tại xã Trà Bui (Bắc Trà My). Ảnh: TRẦN NGUYỄN
Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiểm tra trồng rừng thay thế tại xã Trà Bui (Bắc Trà My). Ảnh: TRẦN NGUYỄN

Kết quả tích cực

Bức tranh sáng nhất của TRTT là các nhà máy thủy điện đã trả gần hết nợ rừng mà trước đây đã chuyển mục đích sử dụng. Như nhận xét của bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, phần lớn chủ đầu tư thủy điện xây dựng phương án TRTT song song thực hiện các thủ tục đầu tư, hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Một số chủ đầu tư, đơn vị thi công còn sử dụng lao động địa phương ở hạng mục về chăm sóc, bảo vệ rừng hàng năm nên phần nào cải thiện thêm thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ cây sống bình quân 80 - 90% so với mật độ thiết kế ban đầu. Qua khảo sát thực tế cây trồng 2 - 4 năm tuổi tại các huyện Nam Giang, Bắc Trà My, Đông Giang…, đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận định khả năng thành rừng sau khi kết thúc dự án là rất cao.

Nợ hơn 6,6 tỷ đồng tiền TRTT

Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, đến hết tháng 8.2017, có 2 chủ đầu tư nhà máy thủy điện chưa nộp tiền TRTT theo quy định. Cụ thể Ban Quản lý dự án thủy điện 3 chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 nợ hơn 6 tỷ đồng; Công ty CP Tài chính và phát triển năng lượng, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Tr’Hy nợ 608 triệu đồng.

Nhiều năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh cho ra đời hàng loạt chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, trong đó tập trung vào giải pháp giúp người dân cải thiện sinh kế, lấy rừng nuôi rừng. Nhờ chỉ đạo sâu sát của tỉnh nên tiến độ TRTT 4 năm gần đây đáp ứng tiến độ. Kết quả lũy kế từ năm 2006 đến hết tháng 8.2017, các địa phương thực hiện hơn 1.582ha (đạt tỷ lệ gần 98% tổng diện tích phải trồng). Đáng lưu ý có 14/23 phương án TRTT đã hoàn thành 100% chỉ tiêu về diện tích trồng rừng. “Qua giám sát cho thấy, TRTT cơ bản đáp ứng các hạng mục thiết kế mật độ, trồng và chăm sóc. Từ đó tạo ra sự đa dạng sinh học rừng, bảo vệ nguồn nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho người dân khu vực miền núi” - bà Thanh đánh giá. Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 6, HĐND khóa IX, nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết quy định chỉ giao ban quản lý rừng thực hiện TRTT mà có thể linh động giao về địa phương trồng để gắn với quyền lợi người dân.

Nhận diện vướng mắc

Lỗ hổng trong TRTT nằm ở khâu quy hoạch, xác định ranh giới 3 loại rừng chưa phù hợp với thực địa. Có nơi diện tích đất sản xuất của người dân xen lẫn trong đất rừng phòng hộ gây khó khăn cho quản lý, bảo vệ rừng. Nghịch lý và cá biệt như huyện Bắc Trà My còn quỹ đất lâm nghiệp khá lớn (đất trống qua rà soát là 2.377ha) nhưng lại điều chuyển, bố trí nhiệm vụ trồng rừng sang địa phương khác. Diện tích hơn 45ha thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh chồng lấn với đất sản xuất của nhân dân thôn 6 (xã Trà Bui, Bắc Trà My) nên chi phí 321 triệu đồng xử lý thực bì phải chi từ nguồn kinh phí dự phòng. Ban Dân tộc HĐND tỉnh phân tích, sở dĩ xảy ra tình trạng chồng lấn đất trồng là các ngành, đơn vị liên quan, địa phương khảo sát, đánh giá hiện trạng rừng trước khi xây dựng, phê duyệt phương án TRTT thiếu chặt chẽ. Mặt khác còn lơ là khảo sát yếu tố tự nhiên ngoài thực địa, ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng, làm lãng phí ngân sách nhà nước.

Ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc UBND tỉnh cho rằng, TRTT hiện nay chưa đánh giá toàn diện kinh tế - xã hội, tác động môi trường, người dân hưởng lợi như thế nào. Tại sao cây rừng đang sống phải chặt la liệt để TRTT? Các cây trồng mới chắc gì đa dạng sinh học bằng cây tự nhiên. Đồng bào bị hạn chế không gian sinh kế, số phận của rừng trồng rồi sẽ về đâu? TRTT có tình trạng phát dọn thực bì rồi đem trồng lại rất lãng phí. Quy trình kỹ thuật lâm sinh quy định trồng hỗn giao nhiều loài nhưng nhiều nơi chỉ thiết kế trồng thuần một loài. Một số diện tích còn cây bản địa sinh trưởng tốt đảm bảo chức năng phòng hộ nhưng lại phát trắng ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng. Với diện tích TRTT từ thời điểm 2014 trở về trước, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề xuất, UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ để thành rừng; đồng thời khẩn trương kiểm tra bàn giao diện tích hơn 82ha rừng trồng tại khu vực Bà Nà - Núi Chúa (đã hết thời hạn chăm sóc theo hợp đồng) để bàn giao về Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung quản lý, bảo vệ. Để giải quyết các vướng mắc trong TRTT, các địa phương miền núi đề xuất cần có cơ chế ràng buộc trong quy chế đấu thầu TRTT, sử dụng lao động bản địa đồng thời đánh giá tổng thể phần diện tích đã TRTT. Chỉ đạo các ban quản lý rừng, đơn vị thi công triển khai TRTT trên phần diện tích còn nợ (hơn 44,6ha) của dự án thủy điện, đảm bảo hoàn thành diện tích năm 2018.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện: Cần chú trọng đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO