Vốn là vùng đất rừng, đồi chỉ chuyên trồng keo, ông Nguyễn Văn Nghĩa (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) đã mạnh dạn xen canh thêm cây sa nhân và bây giờ có thêm nguồn thu nhập rất khá từ loại cây thuốc nam này.
Trước đây, tại vùng núi cao của xã Tam Lãnh, cây sa nhân chủ yếu mọc hoang và không phải là loài có giá trị kinh tế cao. Năm 2007, thấy người hàng xóm có trồng sa nhân nên ông Nghĩa chỉ xin một ít giống về trồng dưới tán keo chủ yếu để lấy thuốc chữa bệnh đau bụng. Không ngờ loài này mọc, nứt ra rất nhanh, chỉ sau hai năm đã phủ kín mặt đất trên diện tích khoảng 1ha trồng keo của gia đình.
Thời điểm đó, giá sa nhân chỉ tầm 60 nghìn đồng/kg khô và 10 nghìn đồng/kg tươi. Mùa thu hoạch sa nhân vào khoảng cuối tháng 4 âm lịch. Bà Lê Thị Qua (vợ ông Nghĩa) bộc bạch: “Sa nhân thường ra trái từng chùm, mỗi hoa kết 5 - 7 trái nhưng có khi chỉ 1 trái, những quả to có lúc gần bằng trái chôm chôm. Nhiều năm qua thu hoạch được chừng nào thương lái từ Tiên Phước, Tam Kỳ… đến lấy tận vườn, giá năm sau luôn cao hơn năm trước”. Như năm 2015 vừa rồi, gia đình ông Nghĩa thu được 30 triệu đồng từ vườn sa nhân nhưng theo ông là đã bị… hớ. Lý do là mỗi ký sa nhân khô ông bán với giá 500 nghìn đồng nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó giá mỗi ký đã lên tới 750 nghìn đồng. Chưa hết, do để phơi sa nhân khô phải mất gần một tuần nắng to liên tục nên gia đình đã đem một lượng lớn trái thu hoạch được bán tươi với giá chỉ xấp xỉ 150 nghìn đồng/kg. Nhận thấy giá trị của cây sa nhân, con rể của ông Nghĩa cũng đã đem loại cây này xuống vùng đất thấp hơn ở xã Tam Đại, huyện Phú Ninh trồng thử nghiệm trong hai năm qua và bước đầu thu được kết quả khả quan.
Nắm sa nhân khô ông Nghĩa còn giữ lại làm thuốc từ mùa thu hoạch năm ngoái. Ảnh: Q.T |
Sa nhân là loài thực vật chịu mát, vì thế phải trồng dưới rừng hoặc tán cây, thông thường mỗi cây trồng cách nhau 2m. Trước đây gia đình ông Nghĩa chủ yếu sống dựa vào vườn keo bởi đất đai ở đây khá cằn cỗi, khó tìm được loại cây giá trị hơn. Nhưng 9 năm qua gia đình ông chưa thu hoạch keo bởi đang dùng cây này để… che mát cho sa nhân. Ông Nghĩa nhẩm tính: “Bây giờ nếu chặt bán hết 1ha keo thì thu được khoảng 40 triệu đồng nhưng sẽ mất trắng vựa sa nhân đang sinh trưởng rất tốt. Cây keo để thêm vài năm nữa thì càng có giá trị nên gia đình cũng chưa vội, cứ để thu hoạch sa nhân thêm vài mùa nữa rồi tính tiếp”.
Dần dần vườn sa nhân đang trở thành sinh kế chính của gia đình ông Nghĩa. Gia đình cũng rất muốn mở rộng diện tích sa nhân nhưng không có đất, trồng ở xa thì không bảo vệ được. Theo ông Nguyễn Văn Bá - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Lãnh, hiện tại trên địa bàn xã cũng có vài hộ trồng sa nhân và có thu nhập ổn định từ cây thuốc nam này. Trồng sa nhân không cần đầu tư nhiều vốn, công nghệ và có đầu ra khá ổn định nên địa phương đang nghiên cứu, khuyến khích nhân rộng mô hình này.
Theo một tài liệu y học, cây sa nhân có tên khoa học là Amomum Longiligulare T.L.Wu, thuộc họ gừng, được xếp vào danh mục những cây thuốc nam quý dùng để chữa bệnh. Cây sa nhân có nhiều tác dụng chữa bệnh như: tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, thúc đẩy chức năng của hệ tiêu hóa khỏe mạnh, chữa đau dạ dày, đầy bụng, ăn không tiêu, chữa chứng nôn ọe do liên quan đến hệ tiêu hóa, điều trị chứng đi tả. Có thể kết hợp cây sa nhân với một số loại thuốc nam khác bào chế thành một số bài thuốc nam chữa bệnh viêm loét dạ dày rất hiệu quả.
QUỐC TUẤN