Người xưa có câu “thư trung hữu ngọc” - trong sách có ngọc quý. Gắn liền với con đường học hành khoa cử gần ngàn năm khiến sách và người đọc sách tại nước Việt luôn ở vị trí đứng đầu trong xã hội. Đến nay, khi đời sống đã dịch chuyển mạnh mẽ, liệu con người có còn cần ngọc từ sách?
Người nổi tiếng không cần đọc sách
Con người thời đại số dễ dàng phát cuồng trước những hiện tượng xã hội, đặc biệt là những quan điểm có vẻ trái ngược.
Gần đây, một cô gái chia sẻ trong phần thi ứng xử rằng mình “chưa từng đọc hết một cuốn sách nào” khiến dư luận dậy sóng.
Rất nhiều người chỉ trích cô, cả việc cô không đọc sách lẫn việc cô nói ra công khai có thể ảnh hưởng xấu đến những người trẻ. Ngay sau đó, việc cô được trao vương miện hoa hậu cũng khiến nhiều người ngán ngẩm rằng “sắc đẹp không cần tri thức nữa rồi”.
Chuyện cũ chưa lắng xuống thì mới đây, một nhà sản xuất với nhiều bộ phim có doanh thu hàng trăm tỷ đồng cũng có phát ngôn tương tự: “Chưa từng đủ kiên nhẫn đọc hết một cuốn sách”.
Người làm nghệ thuật, giải trí không đọc sách, thì chất liệu cho sản phẩm của họ được lấy từ đâu?
Những sự kiện có thật này khiến nhiều người trăn trở, có cần phải đọc sách? Người nổi tiếng, giàu có, đồng nghĩa với những người đã có đủ danh - lợi trong đời sống xã hội hiện tại không cần đọc sách, vậy chúng ta còn đọc sách để làm gì?
Những người đã có bề dày đọc sách đương nhiên giữ được chính kiến của mình, nhưng những người trẻ hơn thì sao?
Các bạn trẻ chưa đủ trải nghiệm sống, nền tảng giáo dục chưa đủ vững vàng, đang trên đường tìm kiếm những hình mẫu thành công để hướng tới, rất có thể dễ dàng bỏ chuyện đọc sách ra khỏi những việc cần làm của mình.
Ngọc quý ở mọi nơi
Quá tập trung vào sách, nhiều người đã bỏ qua phần chia sẻ phía sau của cô hoa hậu “tôi thích trau dồi kiến thức của mình thông qua hình ảnh và âm thanh”.
Những thế hệ dành cả cuộc đời với sách đương nhiên khác biệt với thế hệ vừa sinh ra đã gắn liền với ti vi. Họ cũng sẽ ít nhiều khó khăn với công nghệ, máy tính, internet, mạng xã hội và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong khi đó, ngoài việc tiếp cận tri thức qua sách, rất nhiều thông tin và kiến thức được chia sẻ, lan truyền dưới dạng hình ảnh, video, thậm chí các bài học còn được thiết kế dưới dạng trò chơi tương tác để thu hút sự chú ý của học sinh.
Như vậy, trong thời đại hiện nay, mặc dù vẫn luôn là một phần quan trọng, sách không còn chiếm vị thế độc tôn trong việc cung cấp tri thức nữa, khi mọi thứ đều dễ dàng có được qua các thiết bị điện tử nhỏ gọn, tiện lợi.
Đây cũng là một bước tiến cho khoảng 5-10% dân số mắc chứng khó đọc trên toàn thế giới, vì họ khó lòng đọc được nhiều chữ do những vấn đề bất thường trong não.
Theo một khảo sát vào giữa năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách.
Đồng thời thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm gì, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.
Quan trọng là độ tập trung
Đa dạng hoạt động cổ vũ và khuyến khích văn hóa đọc phát triển trong nhiều năm qua vẫn chưa đủ để tác động lớn lao cho việc đọc như kỳ vọng.
Mỗi ngày thế giới đều có thành tựu công nghệ mới được cả nhân loại dõi theo, rất ít người dám bỏ điện thoại xuống để cầm quyển sách lên, hay tắt mạng internet để tập trung đọc sách điện tử.
Tạm gác những lợi ích lớn lao mà sách mang lại cho con người qua một bên, chỉ nói về “ngọc quý” trong sách, thì vấn đề lớn nhất hiện tại là ngọc đang ở khắp mọi nơi, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận nhưng hiếm có ai bỏ thời gian ra để lượm lặt.
Lối nói hình tượng ví von của người xưa có thể khiến người hiện đại nhầm tưởng rằng chỉ cần mở sách ra là có được ngọc.
Nhưng trên thực tế, hành trình sở hữu kho báu tri thức quý giá là một chặng đường dài, đòi hỏi sự tập trung đọc, nghĩ suy, trăn trở và chuyển hoá chứ chưa bao giờ dừng ở thao tác “đọc”.
Tương tự với những nội dung hình ảnh, video, nếu thật sự có lòng muốn học, người dùng mạng xã hội sẽ ngừng thao tác “lướt” chỉ trong vài ba giây, hoặc vài ba phút nghe nhìn… để tập trung xem - nhìn - học trong thời gian dài, với nhiều nội dung có liên quan, theo hệ thống để từ đó có được tri thức bài bản cho bản thân mình.
Không đọc sách chưa hẳn thiếu kiến thức, nhưng không giữ được sự tập trung trong thời đại này, chắc chắn chẳng học được gì nên thân.