Hưởng ứng Ngày đô thị Việt Nam (8/11), nhiều địa phương đồng loạt phát động trồng cây, như một hành động để “chữa lành” cho phố, trước những thách thức khá lớn để giữ lấy mảng xanh đô thị.
Bản sắc cho đô thị
Người hàng xóm vừa mới đến dựng nhà nơi khu phố tôi ở bày tỏ sự băn khoăn trước vị trí của một cây xanh trồng án ngữ ngay chính giữa phần đất mà anh đang làm nhà.
Chiều ngang của mỗi lô đất là 5,2m, trong khi đó, khoảng cách của hai cây xanh liền kề trồng dọc vỉa hè ở cả khu phố khoảng chừng 8m. Hai gia đình liền kề, sẽ có một nhà phải di dời cái cây để lấy “đường” vào cổng nhà mình.
Năm 2018, khu dân cư, nhà ở cho người thu nhập thấp (khối phố Xuân Bắc, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) bắt đầu được trồng cây xanh. Cây xanh vẫn được chăm sóc định kỳ, nhưng với khoảng cách mất cân đối như vừa đề cập khiến nhiều gia đình buộc phải tìm cách dời vị trí cây xanh sang phần giáp ranh giữa hai lô đất.
Cây xanh phải mất thêm một thời gian để thích nghi, cộng thêm sự thiếu đồng nhất về chủng loại giữa những cây xanh được chủ nhà tự trồng từ trước thời điểm 2018 và hàng cây sau này phần nào tác động đến cảnh quan của cả tuyến đường.
Những ai đã từng đặt chân lên xã A Tiêng (Tây Giang) trong vài năm trở lại đây, sẽ khá ấn tượng với một con đường hoa đào rừng bung nở tuyệt đẹp ngay đại lộ dẫn vào trung tâm hành chính huyện.
Những cây đào rừng được cất công mang về từ rừng và chăm sóc cẩn thận ngày đêm góp thêm vẻ đẹp riêng cho “thị trấn” vùng biên, giữa mênh mang xanh thắm của núi rừng.
Tại thị trấn P’rao (Đông Giang), cũng từng có ý kiến của cư dân về việc nên có một con đường trồng cây chò để “nhận diện” phố núi (trong tiếng Cơ Tu “P’rao” có nghĩa là cây chò). Những ý tưởng, nếu được hiện thực hóa, biết đâu sẽ tạo ra được điểm nhấn cho những thị trấn nằm dọc đường Hồ Chí Minh, con đường xuyên qua những thị trấn của các huyện vùng cao phía tây xứ Quảng.
Như Tam Kỳ, may mắn giữ được cả một “con đường hoa sưa” ở làng Hương Trà, cùng với nhiều tuyến đường vàng sắc sưa nhiều năm qua đã ít nhiều tạo dựng được thương hiệu thông qua lễ hội mùa hoa sưa. Sẽ là một chỉ dấu thú vị cho phố khởi đi từ những con đường với loại cây đặc trưng, góp thêm nhiều kỳ vọng vẫn hay được nhắc đến trong các hội thảo về quy hoạch cấp địa phương đến cấp vùng...
Trồng cây "chữa lành"
Ngày 7/11, hơn 100 cây muồng, bằng lăng ổi đã được trồng ở khu dân cư Thuận Trà 1 (phường Hòa Thuận,TP.Tam Kỳ), trong lễ ra quân trồng cây hưởng ứng Ngày đô thị Việt Nam (8/11) năm 2023.
Chia sẻ tại sự kiện này, ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói, từ năm 2021, thành phố đã trồng hơn 800 nghìn cây xanh, phần lớn tập trung ở khu vực ven sông Đầm, đồi An Hà, núi Ba Ty, núi Chùa, núi Yên Ngựa..., trồng cây xanh kết hợp cây ăn trái trong nhân dân ở khu vực Tam Ngọc, Hòa Hương...
“Thành phố cũng đã phát động mỗi cán bộ, công chức, mỗi gia đình trên địa bàn thành phố trồng ít nhất một cây xanh. Rất nhiều hoạt động được tổ chức, nhằm góp phần lan tỏa hoạt động trồng cây xanh để bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Không chỉ góp phần cải thiện môi trường sống mà còn tạo đà hình thành du lịch sinh thái trải nghiệm, cư dân cần hành động vì thiên nhiên, vì mục tiêu tiến tới Tam Kỳ - đô thị xanh, văn hóa lịch sử và thông minh” - ông Trần Trung Hậu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, không gian công cộng rất quan trọng, là nơi gắn kết cộng đồng, góp phần hình thành văn hóa cũng như cấu trúc đô thị đặc thù của Hội An, từ đó tạo điểm nhấn riêng biệt để thu hút du lịch.
Từ năm 2015, Hội An tạo ra các không gian mở như xóa bỏ toàn bộ tường rào ở các khu công cộng, công viên, tạo không gian mở cho người dân tự do vui chơi, sử dụng. Ngoài ra, Hội An đã xây dựng không gian sạch để tạo môi trường sống và môi trường du lịch văn minh.
“Kinh nghiệm của Hội An cho thấy, phát triển cây xanh rất quan trọng, tuy nhiên quan trọng nhất là nhận thức của lãnh đạo địa phương về tầm quan trọng của hạ tầng công viên xây xanh.
Ở Hội An, đối với các khu đất không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả thì kiên quyết sử dụng xây dựng công viên, cây xanh, ví dụ như các ki ốt thuộc khu thương mại trên đường Phan Châu Trinh đã được phá bỏ để xây dựng công viên” - ông Lanh chia sẻ thêm.
Số liệu mới nhất từ Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây Dựng) cho thấy, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người.
Cây xanh và các “mảng xanh” đô thị sẽ giữ một vai trò khá quan trọng trong cải thiện môi trường sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo cảnh quan và tạo ra các không gian công cộng giúp kết nối cộng đồng. Trồng thêm một cây xanh, là cách thiết thực nhất để mỗi người, mỗi nhà góp một bàn tay “chữa lành” cho phố...