(QNO) - Mấy ngày qua, người dân thôn Hòa Bình (xã Tam Thái, Phú Ninh) đang thu hoạch sâm bố chính sau gần 7 tháng trồng thử nghiệm.
Cuối tháng 6/2023, một số hộ ở dân thôn Hòa Bình đào củ sâm bố chính sau gần bảy tháng xuống giống. Sau khi thu hoạch, toàn bộ củ sâm tươi được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Đại Phát (đóng trên địa bàn xã Tam Thái) thu mua.
Ông Phạm Lộc (thôn Hòa Bình) cho biết, tháng 1/2023, ông chuyển 3 sào đất trồng dưa hấu sang trồng sâm bố chính. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, ông nhận thấy cây sâm nhanh lớn, sâm chỉ bón phân hữu cơ, ít bị sâu bệnh, không tốn quá nhiều công chăm sóc.
“Tính từ khi xuống giống đến khi thu hoạch mất khoảng 7-8 tháng. Nhiều củ sâm bố chính khá to, đạt trọng lượng khoảng 6 củ/kg. Tôi ước tính với diện tích này có thể thu được hơn 1 tấn củ, bán với giá 100 nghìn đồng/kg, lợi nhuận đem lại từ cây sâm sẽ khá ổn định” - ông Lộc phấn khởi.
Đang thu hoạch sâm bố chính tại cánh đồng thôn Hoà Bình, ông Hồ Văn Hợi (xã Tam Thái) cho biết, trước đây, 2 sào đất ruộng được gia đình ông trồng dưa hấu, lợi nhuận đem lại khoảng 12 triệu đồng/vụ.
Đầu năm 2023, được HTX liên kết và hỗ trợ toàn bộ phân bón, hạt giống sâm bố chính nên gia đình ông Hợi trồng thử nghiệm. Tổng chi phí đầu phí đầu tư khoảng 4 triệu đồng/sào, chưa tính tiền mua bạt phủ đất…
Sau gần 7 tháng gieo trồng, cây sâm cho khoảng 1 tấn củ. Ông Hợi bán cho HTX với giá từ 70-100 nghìn đồng/kg, doanh thu đem lại cho ông hơn 70 triệu đồng.
“So với dưa hấu thì cây sâm đem lại giá trị cao hơn. Vì dưa hấu trồng 3 vụ/năm, tốn nhiều chi phí như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuê nhân công làm cỏ, trong khi đó giá cả bấp bênh. Còn sâm bố chính chỉ cần trồng một lần, ít chi phí đầu tư, không kén đất, lại được bao tiêu sản phẩm ở ngay tại địa phương nên không lo lắng về giá cả và đầu ra” - ông Hợi chia sẻ.
[VIDEO] - Người dân thôn Hoà Bình chia sẻ về việc trồng sâm bố chính:
Ông Nguyễn Xuân Tin, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Đại Phát cho biết, ông từng đến Quảng Bình và một số nơi khác thấy người dân trồng sâm bố chính trên đất lúa cho năng suất cao.
Vì vậy, đầu năm 2023, ông vận động 5 thành viên của HTX đang trồng dưa hấu ở thôn Hòa Bình chuyển sang trồng thử nghiệm sâm bố chính trên diện tích khoảng 12 sào. HTX hỗ trợ toàn bộ hạt giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm.
“Hiện người dân đang thu hoạch vụ sâm đầu tiên song thấy năng suất chưa cao, nguyên do là thời tiết nắng hạn khiến cây sâm bị rụng lá. Cạnh đó, việc trải bạt khi trồng khiến củ sâm dễ bị thối. Gần đây, HTX tiếp tục thu mua hoa sâm bố chính để chế biến trà và củ sâm để chế biến tinh bột nhân sâm và mỹ phẩm.
Lãnh đạo HTX Đại Phát và nhiều hộ dân cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục trồng sâm bố chính và mong muốn mở rộng diện tích trồng. Ai cũng hi vọng đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao giúp họ cải thiện kinh tế.
[VIDE0] - Lãnh đạo hợp tác xã nói về hiệu quả của sâm bố chính:
Sâm bố chính hay còn gọi là sâm Thổ Hào (sâm tiến vua) - là loại thân thảo sống dai, mọc đứng, thân cây yếu ớt, có khi dựa vào các cây xung quanh, cao chừng 1 mét hoặc hơn. Rễ sâm bố chính màu trắng nhạt hoặc vàng nhạt, có đường kính 1,5-2cm; nhiều rễ có hình người rất giống nhân sâm.
Toàn bộ phần củ sâm bố chính đều có thể dùng làm thuốc. Theo các nhà khoa học, sâm bố chính có dược tính rất cao, được cho là tương đương nhân sâm Hàn Quốc, chỉ thua sâm Ngọc Linh.