Trong tiếng thở của thời gian…

Nguyễn Thị Thanh Thảo 27/04/2022 12:11

(QNO) - Hẳn có nhiều thế hệ sinh viên sẽ rất muốn “viết gì đó” trong những ngày chộn rộn nhìn dòng tin Kỷ niệm 60 năm thành lập khoa Ngữ văn, ĐHSP Huế. Viết cái gì đồng nghĩa với việc khơi dậy bao nhiêu hồi ức, bao nhiêu kỷ niệm, mà hồi ức đó, kỷ niệm đó dường tươi nguyên như vừa mới hôm qua.

Tôi dự vài lần viết một điều gì tha thiết của riêng mình, nhưng chớm vài lần tôi mới hiều, tuổi hai mươi tôi thuộc về Huế, tôi là một phần của thầy cô mình, tôi là ký ức của bạn bè mình, tôi là một trang sách nhỏ trong thư viện của Khoa Văn đã lưu trữ những tháng ngày.

 

Chỉ cần nhắm mắt lại, giữ tư lự vài giây, trong tôi đã đầy ắp bóng hình. Dãy hành lang quen thuộc đó, cây hoàng hậu qua bao đời, những ô nắng miên man bạn chờ tôi sau mỗi giờ tan học, văn phòng Khoa Văn có hộp thư nhỏ xíu mà chứa đựng hằng trăm câu chuyện từ những cánh thư tay…

Lớp Văn B niên khóa 95-99 chúng tôi có một cuốn nhật ký nhỏ. Giờ đây, cuốn sổ như thể là báu vật vì trong ấy là chân dung của biết bao đằm thắm, biết bao cuộc vui, biết mấy nụ cười. Cuốn nhật ký được thay nhau viết bởi một nhóm bạn cùng tôi, Khoa, Nhung, Hương Lý, mỗi trang vài nét chữ, mỗi kiểu diễn ngôn. Những nét biên tay thế kỷ trước sau mấy chục năm vẫn giữ in cảm xúc, tâm trạng, vẫn còn như thể thấy cặp tình nhân Phương - Sơn ăn vặt bị tụi tôi lừa rồi trộm hết thức ăn mà không hề hay biết.

Nhật ký đó, là bóng dáng “nụ cười trung đại” của thầy Hoàng Phúc, là những ánh nhìn “đốn tim” của thầy Lê Huy Bắc, là cái vuốt tóc rất Đường thi của cô Bích Hải, là nét tươi tắn không tuổi của cô Xuân Vinh…

Tôi vẫn thường chiêm bao trở lại Huế, gặp lại những người bạn mà khi chia tay ra trường, cứ ngỡ đã biệt ly. Ngày đó tháng đó năm 1999, chỉ có địa chỉ nhà ghi chặt vào sổ tay, không biết ra trường đi về phương trời nào nên nào có hy vong bạn Quảng Bình gặp lại Quảng Nam, bạn Vũng Tàu gặp được bạn Đà Nẵng…

Tối hôm qua, tôi lại mơ tiếp giấc mơ dài thời tuổi trẻ, gặp Từ Thị Thu Hài, ôm chầm lấy bạn mừng mừng tủi tủi. Hài là bạn cùng phòng Q9 ở ký túc xá Đội Cung, gần sát giường tôi. Thời sinh viên, Hài chỉ biết học và học, lúc nào cũng học, khác với bọn chúng tôi giờ Lịch sử Đảng, thầy Dương Quang Nay một phát “bắn chúng nó đi” là cả bọn ngồi dưới lén lén kéo nhau chuồn thẳng hàng bánh rán chị Lan chị Huệ. Có bữa thầy giảng một chặp thì còn lại mấy o chuyên bám trụ. Bởi vậy, khi gặp lại Hài lúc trở lại Huế học cao học, Hài nói một câu tôi thương quá là thương: hồi xưa ở Huế chỉ biết đường Hà Nội. Tôi ở với Hài và Tố Nhung thêm mấy năm chuyên ngành, bao nhiêu là kỷ niệm.

Cô giáo chủ nhiệm chúng tôi sau khi qua giai đoạn đại học đại cương, Nguyễn Thị Tịnh Thy, khi tiếp quản một lớp có phân nửa bạn học giỏi, phân nửa bạn ham đờn ca sáo thổi nên đã quyết cho cả lớp cơ hội lên sân khấu diễn một bài tập thể. Bài hát đó không biết khi vang lên ở giảng đường 1 có hay nhiều không nhưng chắc chắn tiết mục quá ư đồng đội đó đã đậm gắn bó yêu thương, hừng hực khí màu tuổi trẻ.

Tôi may mắn hơn các bạn vì cô giáo chủ nhiệm đồng thời cũng là bạn học của chị gái tôi - Diệu Hiền, mà lớp học ấy tôi cũng đã học chui hoặc học giùm chị được nhiều chuyên đề.

Sau này ra trường, tôi cũng theo đuổi chuyên ngành văn học Trung Quốc nên ngoài cô Bích Hải là sư phụ, tôi còn được cô Tịnh Thy hỗ trợ tận tình trong chuyên môn. Chỉ ngặt nỗi, gần mười năm trở lại đây, cô viết phê bình nhiều mà sách nào cô biên cũng khó nhằn, hấp dẫn nhưng thách thức, tôi chờ đọc không thôi cũng đã mệt lử niềm vui. Vừa là học trò, vừa là đồng môn, tôi được thưởng phong vị riêng gần gũi mà trân trọng, ấm áp mà vẫn riêng chỗ cho chữ lễ. 

Hơn hai mươi năm kể từ tốt nghiệp rời trường, nhiều thầy cô dạy chúng tôi đã quá tuổi nghỉ hưu. Nhưng thật may mắn khi có mạng xã hội, chúng tôi được biết thầy Bửu Nam vẫn làm thơ đều, biết thầy Đại Vinh vẫn miệt mài viết sách, du khảo địa chí, đọc văn bia Nôm khắp mọi miền.

Nhờ có mạng xã hội, chúng tôi đã tìm thấy nhau, kết nối được cùng nhau, hẹn nhau tao ngộ. Câu chuyện của mười năm, hai mươi năm hay hơn thế nữa, khi trở lại, vẫn là câu chuyện dài dường như không hồi kết.

Gặp được nhau, chúng tôi cứ thấy mình như trẻ mãi tuổi đôi mươi, vẫn là Bờm, là Cò, là Voi, là Xù, là Mèo, là Mít… bất chấp bạn là giảng viên hay trung tá, là quản lý hay đã trở thành cô, thầy giáo đáng kính của bao thế hệ học trò. Bởi thế, lời hẹn hội khoa cứ làm lòng bọn học trò năm xưa nôn nao mãi.

Chúng tôi ước hẹn trở về chỉ để lang thang ăn tô bánh canh chợ Đồn ở phố cổ Bao Vinh, uống miếng chè nóng ở sân ga rồi kể chuyện bạn Khoa học đòi thử rít điếu thuốc Lào say mòng mòng mà cười hỉ hả.

Trong tiếng thở của thời gian, chúng tôi có thể không còn được chui vào lớp học để ngóng thầy Ngô Thời Đôn lảy Kiều, có thể đã hết cơ hội được thầy Trần Đại Vinh giảng rửa tai cho nghe “quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an”… Mỗi đứa một phương, tháng Tư này chúng tôi có thể trở về không đủ đầy nhưng chắc chắn ở đây, mái trường này, hành lang này, nơi luôn có thầy cô âm thầm yêu thương chúng tôi trong niềm hạnh ngộ.

Tôi thích đến nhói lòng hai câu thơ quen của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào/ Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy. Bài thơ viết cho tuổi học trò mà như thể viết cho riêng tôi, riêng cho chúng tôi. Nỗi nhớ, có lẽ nơi nào cũng thế, đầy ắp và thơ mộng, đẹp rộn rã dù trong nhiều tiếc nuối. Và tôi, vẫn nhớ như in dòng chữ bạn Khoa vẽ lên bảng “Buổi-học-cuối- cùng”  đang va đập lung tung với biết bao niềm yêu trên những ngày tháng đó.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trong tiếng thở của thời gian…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO