Mô hình trồng tiêu Phú Quốc tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) ngày càng được chú trọng để phát triển và nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
HẦU hết các thôn trên địa bàn xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) đều trồng tiêu, nhưng tập trung nhiều nhất ở các thôn Bình Hòa, Trà Lang, Đồng Nghệ và giống tiêu được bà con chọn trồng nhiều nhất là tiêu Phú Quốc. Anh Nguyễn Văn Niên (thôn Bình Hòa) bắt đầu trồng tiêu từ năm 2009, đến nay vườn tiêu nhà anh đã hơn 200 gốc, trong đó có 22 gốc đã cho thu hoạch. Anh Niên cho biết đã trồng thử nghiệm nhiều giống như tiêu Tiên Phước, Ấn Độ, Phú Quốc… nhưng giống tiêu Phú Quốc là phù hợp với loại đất ở xã Tam Ngọc hơn cả. Ưu điểm của giống tiêu này là ít bệnh, độ vươn mạnh, đặc biệt cho năng suất cao hơn nhiều lần so với các loại tiêu khác. Với 22 gốc tiêu cho thu hoạch trong đợt đầu năm 2015 vừa rồi, anh Niên thu được gần 90kg tiêu khô, trung bình 4kg tiêu/gốc, cao hơn gấp 4 lần so với các loại tiêu khác trồng ở đây. Với mức giá dao động 250 nghìn đồng/kg, gia đình anh Niên thu nhập hơn 20 triệu đồng trong đợt thu hoạch tiêu vừa rồi. Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Thông (thôn Trà Lang) cũng mới bắt đầu trồng giống tiêu Phú Quốc từ năm ngoái. Đến nay vườn tiêu nhà anh đã có 130 gốc, vài gốc bắt đầu ra hoa. Thấy bà con xung quanh trồng tiêu thu hoạch với năng suất cao, đầu ra ổn định, anh quyết định ươm thêm 200 gốc tiêu và chuẩn bị trồng trong cuối tháng 9 này. Anh chia sẻ: “Trồng tiêu không tốn nhiều vốn và cũng ít tốn công chăm sóc nên tôi có thời gian làm thêm những công việc khác. Vốn đầu tư ban đầu cho mỗi gốc tiêu khoảng 100 nghìn đồng. Mỗi năm một gốc tiêu chỉ tốn khoảng 5kg phân chuồng và 3 lạng phân vô cơ, 3 ngày mới tưới nước một lần. Tôi cũng như những hộ khác trên địa bàn xã Tam Ngọc tin tưởng giống tiêu Phú Quốc sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Vườn tiêu Phú Quốc của anh Nguyễn Văn Niên cho thu nhập cao ngay trong đợt thu hoạch đầu tiên. Ảnh: L.T |
Giống tiêu Phú Quốc (còn có nhiều tên gọi khác là tiêu Nam Vang, tiêu Lộc Ninh, tiêu Vĩnh Linh…) có nguồn gốc từ Indonesia. Giống tiêu này có cỡ hạt trung bình, chiều dài chùm quả trung bình 11cm. Tiêu có vị thơm và cay nồng, đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại tiêu khác. Hiện nay, nông dân xã Tam Ngọc mở rộng quy mô trồng giống tiêu này. Tuy nhiên, kỹ thuật và kiến thức chăm sóc cây tiêu của nhiều người còn hạn chế. Đa số nông dân tự mày mò và học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đã trồng nên tiêu bị bệnh và chết nhiều, tỷ lệ ươm cây con thành công không cao, năng suất chưa đạt mức tối đa. Thấy được điều này, tháng 6 vừa qua, UBND xã Tam Ngọc đã tổ chức lớp đào tạo nghề trồng hồ tiêu kéo dài trong vòng 1 tháng, thu hút trên 30 học viên là nông dân trên địa bàn tham gia. Có thể nói, lớp học đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bà con được trang bị đầy đủ kiến thức từ khâu chuẩn bị trước khi trồng đến khâu ươm cây con, cách chăm sóc, phòng bệnh, tưới tiêu. Sau khi tham gia lớp học, anh Nguyễn Văn Niên tâm sự: “Hội Nông dân xã đã tổ chức một lớp học bổ ích và cần thiết, cung cấp nhiều kiến thức về cây tiêu phù hợp với vùng đất tại địa phương. Sau khi tham gia lớp học, tôi rất tự tin và mạnh dạn đầu tư trồng thêm, tỷ lệ ươm cây con thành công đến 99%”.
Để cây tiêu tiếp tục phát triển và nhân rộng trên địa bàn xã trong thời gian tới, ông Trương Vĩnh Bá - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) cho biết: “Trong những năm tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền về lợi nhuận của cây tiêu và mở nhiều lớp đào tạo nghề về trồng hồ tiêu để nhân dân hiểu rõ hơn về kỹ thuật trồng và biết cách chăm sóc. Bên cạnh đó, tìm mọi nguồn lực hỗ trợ để người dân mạnh dạn hơn trong việc nhân rộng mô hình này”.
LÊ THU - TƯỜNG QUÂN