Đội ngũ nhà báo đóng góp không nhỏ trong bảo vệ môi trường bền vững. Không ít dự án phá vỡ quy hoạch, đụng đến cảnh quan tự nhiên và lén lút gây ô nhiễm thời gian qua bị báo chí phanh phui, buộc chấm dứt hoạt động. Và chính những bài viết phản biện sắc sảo đã giúp Nhà nước quản lý môi trường hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra cho các nhà báo theo dõi mảng môi trường trọng trách nặng nề và đối mặt với nhiều thách thức.
Không đứng ngoài cuộc
Năm năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp xả chất độc ra môi trường, gây bất bình trong dư luận cả nước như vụ chôn hóa chất xuống lòng đất của Công ty Nicotex Thành Thái (Thanh Hóa); Nhà máy Vedan xả thải hủy diệt sông Thị Vải (Đồng Nai); phá vỡ cảnh quan biển Nha Trang… Gần đây nhất, có dự án đang xây dựng trước làn sóng phản ứng mạnh mẽ của truyền thông buộc phải tạm dừng để chờ quyết định của Thủ tướng, như vụ lấp sông Đồng Nai; xa hơn là việc loại bỏ không đầu tư 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, do dích dắc đến vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên… Ngoài tranh thủ thu hút các nhà khoa học vào cuộc phản biện, báo chí cả nước đã “lật tẩy” nhiều chủ đầu tư thờ ơ với môi trường, chỉ tham vọng thực hiện dự án cho bằng được. Ở Quảng Nam, tuy ô nhiễm môi trường sống chưa đến mức “kinh thiên động địa” như một số địa phương khác, nhưng báo chí đã không đứng ngoài cuộc trước tình trạng xả chất thải chưa qua xử lý ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, hay phản ánh cụ thể doanh nghiệp lén lút xả chất độc ra môi trường. Tại khu vực miền núi, báo chí đã phát hiện nhiều vụ xâm hại tài nguyên khoáng sản, phá rừng quy mô; làm rõ tình trạng “nhân bản” báo cáo tác động môi trường ở thủy điện Sông Tranh 2…
Tiếp cận hiện trường xả thải của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu. |
Nhà báo Xuân Hùng (Báo Lao động) kể lại, để bóc trần việc chôn hóa chất độc hại của Công ty Nicotex Thành Thái, bản thân anh và những người nông dân đã âm thầm hàng tháng trời thu thập chứng cứ, đột nhập vào nhà máy. Theo anh, cuộc đấu tranh pháp lý và cơ sở khoa học với doanh nghiệp này không hề đơn giản, bởi đây là công ty do quân đội quản lý. Không thể đưa thông tin lên mặt báo mà yếu, thiếu chứng cứ khoa học. “Nhà báo muốn đấu tranh, bảo vệ môi trường, điều đầu tiên phải có bản lĩnh vững vàng, dám nhập vai, có chứng cứ thực tế và không thể đơn độc tác nghiệp mà được sự hậu thuẫn của người dân và tranh thủ tiếng nói của các nhà khoa học” - nhà báo Xuân Hùng chia sẻ.
Có duyên nợ với mảng môi trường phải kể đến là nhà báo Hoàng Thiên Nga, Trưởng ban đại điện Báo Tiền phong tại khu vực Tây Nguyên. Hàng chục năm nay, làng báo cả nước đã ghi nhận tên tuổi của nữ nhà báo này với những phóng sự điều tra nóng hổi về lĩnh vực môi trường. Không gian sống của rừng núi Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp, mặt trái của dự án bô xít… đã được chị suy tư trên tác phẩm, với trách nhiệm công dân. Viết về môi trường, nhà báo Thiên Nga phản ánh chân thực đời sống trên dải đất đỏ ba dan, ở đó tồn tại “nghịch lý của dòng sông chảy ngược”. Đọng lại trong mỗi bài viết của chị là mơ ước, khắc khoải về một môi trường sống trong lành, không bị bàn tay con người tàn phá. Chị từng thú nhận, chống tham nhũng tiêu cực, nhất là đấu tranh với “kẻ hủy diệt môi trường” là chuyện chẳng thú vị gì, nhưng là việc mà nhà báo không thể thoái thác. Muốn chống tiêu cực thì nhà báo trước hết phải có kỹ năng tự bảo vệ mình, trong đó hiểu rõ các quy định pháp luật về bảo vệ quyền tác nghiệp. Trong cuộc đối đầu với cái xấu, nhà báo sẽ luôn đồng hành, được bạn đọc ủng hộ, bảo vệ.
Các nhà báo môi trường trong chuyến công tác tại mỏ đá ở Yên Bái năm 2013.Ảnh: HỮU PHÚC |
Chuyên nghiệp hơn
Ở miền núi Quảng Nam, tình trạng xâm hại tài nguyên khoáng sản, phá rừng tái diễn dai dẳng; vùng ven biển gần đây lo ngại bị phá vỡ hiện trạng quy hoạch, phá rừng chắn sóng để nuôi tôm lót bạt trên cát. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dù có hệ thống xử lý chất thải nhưng vẫn hạn chế trong kiểm soát môi trường. Kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ lâu dài cho nền kinh tế xanh.
Chính phủ đã xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2050. Để hoàn thiện hành lang pháp lý, Việt Nam ban hành khung chính sách theo hướng xanh hóa các ngành công nghiệp hiện hữu, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, các chính sách hỗ trợ phát triển những dự án cải thiện, bảo vệ môi trường, chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Nằm trong vùng dễ bị tổn thương đến môi trường, Quảng Nam đang nỗ lực tìm cách giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Báo chí đi sâu vào phản ánh bất cập của quy trình xả lũ trong hệ thống thủy điện lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, về diễn biến thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu tác động đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cạnh đó, báo chí đã ủng hộ mạnh mẽ chủ trương phát triển không gian xanh, kinh tế xanh ở các địa phương.
Môi trường là “mỏ vàng” cho các nhà báo khai thác Đất nước đang trên đà phát triển nhanh, chính sách thu hút đầu tư ồ ạt, vì vậy đặt ra hàng loạt thách thức cho bảo vệ môi trường. Thực tế, các thành phần kinh tế hạn chế trong việc bảo vệ môi trường, trước đây phổ biến thực trạng nhà đầu tư chăm bẵm sản xuất, lo tính toán lợi nhuận mà quên bỏ tiền xây dựng các hệ thống xử lý, kiểm soát môi trường. Tài nguyên và môi trường là các “mỏ vàng” cho các nhà báo khai thác. Tuy nhiên, nếu nhìn lại hoạt động của các nhà báo môi trường thời gian qua vẫn còn gặp nhiều cản trở vô hình lẫn hữu hình, trong đó khó khăn khi tiếp cận thông tin, cơ chế quản lý… Đơn cử, muốn có trong tay bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của một dự án, nhà báo phải chạy lòng vòng. (Nhà báo Hoàng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam) |
Những năm gần đây, Bộ Tài nguyên - môi trường dành nguồn lực đáng kể cho công tác tuyên truyền về biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Theo đó, các nhà báo chuyên viết về môi trường sẽ được đào tạo bài bản những kỹ năng truyền thông. Mới đây, các trường đại học lớn ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng có nhiều cuộc hội thảo, đề tài nghiên cứu về môi trường. TS. Đặng Thị Thu Hương (Chủ nhiệm Khoa Báo chí và truyền thông Trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, báo chí về môi trường hình thành tạo ra một thế hệ các nhà báo chuyên viết về môi trường, định hướng công chúng về các nguy cơ, hiểm họa tác động đến môi trường và hệ sinh thái; đồng thời đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường. Cho nên truyền thông về môi trường cần được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Theo nhà báo Hoàng Thiên Nga, đất nước đang thời kỳ phát triển nhanh, nên rất dễ phát sinh tiêu cực về môi trường. Gặp những vấn đề nhạy cảm, nhà báo cần có “nhãn quan” bản lĩnh nghề nghiệp, tiếp cận đa chiều nguồn tin. Việc đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo tác động môi trường rất quan trọng ở các dự án đầu tư, nhưng thực tế quy trình này không được kiểm soát chặt chẽ, gây lãng phí trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên và “báo động đỏ” về ô nhiễm. Nhiều nhà khoa học nêu nghịch lý, ở nước ngoài những dự án triển khai, tiêu chí bắt buộc là đảm bảo môi trường, các đơn vị tư vấn độc lập phản biện, đánh giá tác động môi trường, trong khi trong nước phần lớn chủ đầu tư đều thuê đơn vị tư vấn làm báo cáo tác động môi trường. Muốn có những bài viết về môi trường hấp dẫn, nhà báo phải có nghề, am hiểu về kiến thức chuyên môn.
TRẦN HỮU PHÚC