Mạnh dạn tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, ông Huỳnh Hữu Phước ở thôn Cẩm Phô, xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) đã thực hiện thành công mô hình trồng tre điền trúc lấy măng.
Năm 2007, từ dự án hỗ trợ giống cây trồng của xã, ông Phước nhận được 10 gốc cây tre điền trúc và bắt đầu trồng thử nghiệm. Sau một khoảng thời gian chăm sóc cẩn thận, ông nhận thấy giống cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương nên quyết tâm mở rộng diện tích. Ông bỏ ra 3 năm học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi để tích lũy kiến thức sâu hơn về cách nhân giống và bắt đầu dành công sức, vốn liếng đầu tư cho vườn măng. Đến nay, số lượng tre điền trúc của ông lên đến hơn 700 lùm. Khi được hỏi về nguyên nhân khởi phát mô hình, ông Phước chia sẻ: “Lúc dự án cho chọn giống cây, nhiều người chọn các loại cây quen thuộc, riêng tôi lại thích chọn giống cây lạ chưa từng trồng địa phương. Tôi không biết đây là giống cây gì và chăm sóc như thế nào nhưng tôi nghĩ không bắt đầu thì sao biết kết quả nên đã mạnh dạn trồng thử. Cũng có vài người trồng như tôi nhưng rồi họ bỏ hết, chỉ còn tôi kiên trì nên giờ số lượng tre mới được nhân rộng như bây giờ”.
Vườn tre điền trúc mang lại thu nhập cao cho vợ chồng ông Phước. Ảnh: BÌNH PHƯỜNG |
Theo ông Phước, trồng tre điền trúc không khó nhưng phải biết cách chăm bón thì mụt mới mọc nhiều và phát triển tốt. Tre phải trồng riêng biệt để không ảnh hưởng cây trồng khác vì đặc tính cây này là che bóng, rễ hút dinh dưỡng. Để bụi tre ra mụt nhiều, phải tưới nước thường xuyên kết hợp với bón phân định kỳ, đúng liều lượng. Đồng thời người trồng phải nắm được kỹ thuật chừa cây mẹ, chừa mỗi bụi tre từ 2 - 3 cây loại ba năm tuổi và dưỡng thêm 2 - 3 cây tre loại một năm tuổi. Hiện nay, số tre ở vườn của ông phát triển rất tốt, măng mọc rất nhiều, mỗi năm ông thu hoạch một mùa trong vòng 6 tháng (từ tháng 3 đến 10 âm lịch). Măng tre điền trúc, có những mụt măng đường kính lên đến 20cm, vị ngọt. Thị trường tiêu thụ măng khá ổn định, mỗi khi thu hoạch xong đều bán rất nhanh. Tuy nhiên, có đợt người ta sử dụng chất vàng ô ngâm măng làm người tiêu dùng lo lắng, măng rớt giá chỉ còn 2 - 3 nghìn đồng/kg. “Những lúc rớt giá, măng già không ai mua, nếu không vững tâm tôi cũng đã phá vườn măng. Hiện giờ tôi quan tâm đến việc xử lý trái vụ sao cho măng không thu hoạch rộ cùng lúc với mùa măng rừng vì những lúc ấy khi sản lượng măng quá nhiều sẽ dẫn đến giá giảm xuống” - ông Phước nói.
Được biết, nếu trồng đúng kỹ thuật, sau khi trồng 2 năm, tre điền trúc sẽ cho thu hoạch, mỗi lùm khoảng 13 - 16 mụt măng. Từ năm thứ 3 trở đi, tre sẽ cho măng nhiều hơn. Măng sau khi mọc khỏi mặt đất 4 - 5 ngày là thu hoạch, mỗi ngày thu hoạch 2 lần. Với hơn 700 lùm hiện tại, trong đó có khoảng 300 lùm có thể thu hoạch, vườn măng của ông Phước cho năng suất đạt 16 - 18 tấn măng/năm, trung bình mỗi gốc cho thu 40 - 50kg măng/năm. Khi măng được giá bán 8 - 10 nghìn đồng/kg cho ông thu nhập khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm.
Thấy được hiệu quả của trồng tre lấy măng, nhiều gia đình cũng bắt đầu phát triển mô hình này. Ông Phước sẵn sàng nhân chiết giống bán cho những người có nhu cầu và hướng dẫn cách trồng. Chính cái duyên cùng sự nhạy bén tìm hướng đi từ giống cây mới của ông Phước đã đưa tre điền trúc bắt đầu vươn lên bám trụ ở vùng đất này.
LÊ BÌNH - M. PHƯỜNG