Trót mang nỗi buồn phôi phai...

SONG ANH 06/11/2016 08:43

Đương buổi người ta nhìn trước ngó sau để sống, thì ông, với vóc người đã hằn vết thời gian, vẫn hồn nhiên như thơ trẻ, say sưa chạm đẽo trong cái tư phong nhẹ thênh…

Mấy chục năm về trước, người đời đồn đoán về một chiếc bàn ma thuật. Mươi năm lại đây, người ta tìm cách “nhân bản” hàng loạt, rải khắp các khu du lịch từ nam chí bắc, những cái bàn xoay thật giả lẫn lộn. Còn những chiếc bàn xoay như yêu mị thì chỉ có duy nhất từ ngón nghề của ông lão Đinh Thẩm ở làng mộc nức danh Văn Hà. Nghe chuyện, ông cũng chỉ cười. Cũng cái cười hấp háy đó, ánh mắt đã vương bóng mây bay ngang đó, khi ông nghe mình nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, khi đã qua tuổi 97. Rằng già quắt queo rồi, còn được nhận danh hiệu, kỳ quá!

Nghệ nhân Đinh Thẩm.  Ảnh: SONG ANH
Nghệ nhân Đinh Thẩm. Ảnh: SONG ANH

1. Và cũng thiệt kỳ, khi người ta như quên sự khô héo đang hiển hiện trước mặt mình, mà mải mê ngắm nghía ngón nghề điêu luyện chừng được nẩy ra từ đẩu đâu xa lắc của tiềm thức. Không phải từ một đôi tay đã hằn những dấu vân tuổi tác, hăng hắc mùi gỗ lạt. Ở khoảnh khắc đó, dẫu chỉ làm chơi trên những thanh gỗ vụn, vẫn rưng rưng thấy vẻ hào hoa của tinh anh ngày cũ. Phải, ông đã từng, và đã rất “máu” với cái nghiệp đục chạm này. Dù đi đến cuối cuộc đời, nhìn lại, ông vẫn thấy ưu sầu nhiều hơn tăm tiếng, thấy những uẩn khúc mánh lới thế gian, rồi cứ dằng dặc qua ngày này tháng nọ. Nhưng nghệ nhân Đinh Thẩm, đã sắm cho mình một cái cười và một tâm hồn nhi nhiên.

Hôm nào, ông cũng ngồi trước gian nhà, ngóng đôi mắt trũng sâu qua phía cánh đồng làng, chấp chới lóe vụt vài dòng sáng lạ trong ánh chiều nhập nhoạng, chỉ để nhắc nhớ mình xa xăm ngày cũ… Mà cái gian nhà của lão thợ nức tiếng xa gần, cũng buồn hiu hắt như chính cuộc đời ông. Chắp nối, cũ kỹ và nghèo nàn. Mảnh này chồng lên miếng kia, chỗ này chen tấm ván, chỗ kia vá bằng vài đường hồ. Như thể ông đã quên mình còn có một căn nhà, khi đi trổ bày tài hoa cho người. Tôi nghĩ ông lão này, có lẽ đang ở vai của vết nắng mòn mỏi, trót mê quê hương, trót say giấc mộng phù vân, mà bỏ lại vệ đường lỉnh kỉnh của hơn thua được mất. Danh xưng này còn chưa xứng với ông đó chứ. Dẫu đã hơn một năm ròng, ông buông cưa, bào, nao nao dìu mình đi tìm một vùng an trú.

Hiện nhà cụ Thẩm vẫn còn một chiếc bàn xoay do cụ giữ lại trong quá trình làm nghề. Khi đặt hai bàn tay lên mặt bàn, tập trung ý nghĩ, chỉ sau khoảng hai phút chiếc bàn tự xoay theo chiều kim đồng hồ, tốc độ xoay mỗi lúc một nhanh hơn. Đặt ngửa bàn tay, chiếc bàn lại xoay theo chiều ngược lại, và dừng hẳn sau tiếng hô của người tham gia. Kết cấu của chiếc bàn gồm 3 chân và 1 trụ, mặt bàn hình tròn, được chế tác từ gỗ mít lâu năm. Theo cụ Thẩm thì về kỹ thuật, mấu chốt nằm ở trụ và mặt bằng, người thợ phải tính toán sao cho độ ma sát giữa trụ và mặt bằng phải tuyệt đối chính xác.

Thời gian đã nhuộm màu trắng phơ trên tóc. Trí nhớ lạt phai những chuyện kể với người. Nhưng, thiệt kỳ. Thứ gì đã ngấm tận sâu vào máu, thì không thể nào quên. Nếu có quên, thì nó sẽ thoi thóp quẫy cựa, ẩn hiện dưới một lớp khói mờ của ảo ảnh mang tên tiềm thức. Nên hãy cứ để yên cho ông làm, mặc kệ, đừng hỏi. Để đến lúc ổng ngẩng mặt lên hỏi mình, vậy đã đẹp chưa, thì biết chắc rằng, thời gian bội phản, vẫn không quật ngã được cái thiên bẩm ông được gieo từ những ngày tuổi nhỏ. Hoa văn không trau chuốt đường nét, không màu mè long phụng uốn lượn như mấy mẫu Tàu lai. Ông Thẩm từ khi bắt đầu nghề, đã ý thức thứ gì là giống nòi của mình, đã nhận ra cái đẹp vô cùng của một đời sống bình dân, của một cái hoa chúm chím, một ô voan giản dị, một ông lão đi dưới đường làng… Những thứ càng gần gụi với đời mình, càng dày dặn tuổi tác, càng thấy đó mới thực sự là Chân, là Mỹ. Nên ông miệt mài, mê say. Những khuôn bánh in, bánh đậu, nhắc người ta cả một khoảng trời thơ bé. Nhìn thấy nó, thiếu điều muốn rưng rức lên vì nhớ. Ông Thẩm tinh ý, bảo rằng người ta năm nào cũng đặt ông làm mấy cái khuôn như vậy. Tay ngồi tỉ mẩn mài giũa dáng hình từng cánh bông dại khoét sâu cùng vân gỗ, mà mắt nhòe đi vì tuổi, lòng rười rượi cúi xuống để cụm cụm níu níu lấy cái ngày đã xa.

2. Nhưng ông Thẩm nhọc lòng không phải bởi cảm giác mong manh, lắt lay của người tuổi đã kề cận vòng giáp ranh đất trời. Những ý lận đận, những ý ngậm ngùi, những ý liêu xiêu… cứ vây ráp lấy ông, khiến “tuổi già giọt lệ như sương”, vẫn phải đôi lần run rẩy, thất thần. Giữa cơn mộng phục hưng, chỉ chập choạng duy nhứt đôi tay của ông lão già nua. Cả làng mộc Văn Hà (Phú Ninh) đìu hiu trong cái dáng vẻ của một di tích thành đường quý báu cho những hồi ức vãn thời. Người làm nghề thoi thóp sống bằng những thứ na ná như nghề, chứ không phải là mộc Văn Hà đã từng trứ danh. Phường thợ này, từ ông cố, ông nội, đến cha và cả đời ông Thẩm, đã vun vén để nên một danh xưng nức tiếng. Chuyện kể rằng, cổ nhân của làng vốn có gốc gác từ vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh theo cuộc di dân về Văn Hà lập nghiệp. Ruộng nương ít, nên hầu hết người trong làng làm nghề mộc để sinh sống. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ trong làng từng đi khắp nơi để hành nghề.

Người ta vẫn truyền nhau giai thoại về một cuộc đấu xảo làm trụ đèn tại kinh đô Huế thời vua Thành Thái giữa hai phường thợ Văn Hà và Kim Bồng (Hội An). Tổ thợ làng Văn Hà đã thắng bởi những đường chạm hình rồng chung quanh thân đèn và ngón chạm lộng độc nhất vô nhị ở phần bên trong. 27 nghệ nhân Văn Hà đã được triều đình trao sắc phong, đến giờ những sắc phong đó vẫn còn được lưu giữ trong từ đường họ Đinh như một niềm tự hào. Nghệ nhân Đinh Thẩm, trong làn hơi già nua của mình, cất tiếng như một người cảm thấy có lỗi với tiền nhân: “Ngón chạm lộng thần kỳ đó, đến giờ không học trò nào của tôi học được. Cũng không đứa con nào theo nghề. Hai đứa con trai và 4 đứa cháu nội, đi làm công nhân, làm hồ, làm nông. Mãn đời rồi mới thấy mình mang tội”. Nhìn bóng ông cập rập liêu xiêu bước ra khỏi vùng tối của lũy tre trước nhà, những tủi thân nghiệp mệnh tự mình đeo mang, tự hỏi, ông làm sao để vẫn giữ mình say sưa trước những cơn gió giật cắc cớ tự thẳm sâu đáy lòng.  

Và ông đã bước qua nó, bằng lòng thành của một người đã lỡ vận vào mình tài hoa của tổ tiên. Ông Thẩm tự mình đi tìm người để truyền dạy bí kíp nghề nghiệp. Ông Thẩm không nề hà đường xa, tuổi tác, nghèo khó, miễn làm sao phần nào đó trút bỏ chút nhỏ nhoi “cái tội” tự mình mang lấy vào thân. Và dĩ nhiên vui, với những đáp đền nho nhỏ từ phía học trò. Rất nhiều người bảo, nếu không có bàn xoay, thì cuộc đời làm nghề của ông Thẩm chỉ dừng lại ở câu chuyện của một anh thợ mộc. Và cái danh vị ông được công nhận vào năm này, cũng chỉ dựa vào “ngón nghề” khiến một chiếc bàn tròn xoay được của ông. Không trách được luật lệ lẫn thói đời nhìn nhận con người chỉ bằng vài nét chấm phá, tôn vinh hay khinh miệt họ chỉ bằng vài biểu hiện bộc phát trong cả hành trình làm người. Với ông Thẩm, may mắn khi có được chiếc bàn xoay. Nhưng cũng may mắn cho cuộc đời, khi vẫn còn nhiều người sống chết với nghề như ông Thẩm. Trên chiếc xe đạp cũ, ông lang thang khắp làng, đến xưởng người này người kia, nhìn ngó thợ trẻ làm nghề, chăm chú chỉ dạy họ vài đường chạm trổ, để làm sao, dẫu ở tiểu tiết, vẫn toát lên một dáng vẻ của riêng Văn Hà.

Những năm còn xuân xanh, ông đi các địa phương, từ Hội An đến Tiên Phước, để mang cái ngón nghề của mộc Văn Hà in dấu khắp nơi, làm nên những vóc nhà mà đến bây giờ đã được gọi là di sản. Nhưng đường xa vạn dặm, tuổi già đơn độc đã vắt cạn sức theo ngày, không thể một thân một mình vun cho đầy một cái nghề đã bị mài mòn. Trong nỗi cô độc, ông gặp đồng âm. Hai học trò, trong số hàng hàng lớp lớp những phường thợ lớn lên từ Văn Hà, đọc được suy tư nghề nghiệp của lão Thẩm. Và họ bước từ tốn cùng ông, dẫu những bước chân líu ríu chuyện quê xứ thị thành, chuyện cơm áo thường nhật. Họ học được bí kíp làm bàn xoay là một, nhưng học cái tinh thần làm nghề cả đời đau đáu của lão nghệ nhân Đinh Thẩm, mới xứng là những đồ đệ chân truyền của ông. Dù Văn Hà, từ 40 người làm nghề mộc, hiện chỉ còn có 4 - 5 người làm nghề.

Tưởng đã nguôi yên cảm giác của người trót lỡ say sưa quê hương, bây giờ, làng lại trỗi dậy, trong những mất mát vô hình ngày nối ngày dằng dặc. Chút hào quang muộn màng mà người ta giao về cho ông, chắc không thể đắp bồi được nỗi buồn ông đã đeo mang trong suốt mấy chục năm trời. Kể từ khi làng nghề mộc Văn Hà kêu lên mấy tiếng phôi phai…

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trót mang nỗi buồn phôi phai...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO