Trụ vững với làng nghề

TRẦN HỮU 05/03/2013 08:55

Trong khi nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề truyền thống hoạt động cầm chừng thì làng chiếu Thạch Tân (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) vẫn đứng vững, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông nhàn.

Lấy nghề … nuôi nghề

Trong những năm qua, thách thức của nhiều làng nghề truyền thống nằm ở chỗ sản phẩm tiêu thụ chậm, bấp bênh, cung vượt cầu. Không ít cơ sở đành giải thể, phá sản vì không thể duy trì hoạt động sản xuất. Thế nhưng, làng chiếu Thạch Tân vẫn vượt qua khó khăn, trụ vững với nghề. Giữa tháng giêng, làng Thạch Tân chộn rộn với nghề đan  chiếu cói. Lên 10 tuổi, bà Trần Thị Yến, người dân làng Thạch Tân đã phụ giúp cha mẹ làm chiếu nên bàn tay đã quá quen thuộc với từng động tác, nhịp điệu đẩy khung dệt lên xuống đều đặn. Bây giờ, tóc đã hoa râm, bà Yến vẫn thủy chung với nghề. Nhà nằm sát miệng hầm địa đạo Kỳ Anh, đất trồng trọt ít ỏi, ngoài việc đồng áng, phần lớn thời gian bà Yến dành hết cho việc nhận gia công chiếu. Bên khung dệt, bà phấn khởi: “Nghề ni ngó rứa chứ cũng dễ kiếm cơm lắm, nếu có sẵn cói mỗi ngày cũng đan được 4 bức (4 chiếc chiếu). Ở đâu không rõ, chứ làng Thạch Tân quê tôi, chiếu làm quanh năm suốt tháng. Rảnh lúc nào, đan lúc đó”. Bà Yến cho biết, cói sau khi cắt về, phơi khô, tuốt sợi rồi dệt thành chiếu, xuất bán cho các cơ sở theo đơn đặt hàng chứ không in màu hay họa tiết. Mỗi bức chiếu như vậy bán với giá 25 nghìn đồng. Giá tuy thấp, nhưng vì sản xuất đơn giản, không đòi hỏi công đoạn cầu kỳ, nên người già và trẻ em đều có thể làm được.

Làng chiếu Thạch Tân đang có nhiều cơ hội phát triển.                                 Ảnh: H.PHÚC
Làng chiếu Thạch Tân đang có nhiều cơ hội phát triển. Ảnh: H.PHÚC

Nông hộ ở làng Thạch Tân có sự phân công lao động rõ ràng. Đàn ông ra đồng, đàn bà ở nhà dệt chiếu. Tuy nhiên, lúc bước vào vụ mùa hay làng chiếu có đơn đặt hàng gấp rút, các thành viên trong nhà đều tương hỗ lẫn nhau. Để có nguồn nguyên liệu cói phục vụ cho khâu dệt chiếu, đàn ông đảm nhiệm việc trồng, thu hoạch hoặc mua từ các vùng khác. Những năm gần đây, nhiều thửa ruộng ven sông Bàn Thạch, Sông Đầm bị nước mặn xâm nhập, năng suất trồng lúa, hoa màu giảm, người dân đã chuyển sang trồng cói, đay phục vụ cho nghề sản xuất chiếu. Do vậy, nguồn nguyên liệu không còn phụ thuộc như trước đây. Ông Nguyễn Vĩnh Nuôi, cán bộ UBND xã Tam Thăng khẳng định: “Thôn Thạch Tân có khoảng 200 hộ làm chiếu. Mùa xuân ở nơi đây luôn rộn rã, nhịp nhàng tiếng thoi đưa. Nghề làm chiếu đã giúp dân thoát nghèo và ổn định đời sống. Theo định hướng phát triển của địa phương, việc khôi phục, mở rộng làng chiếu Thạch Tân còn phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ tại đây”.

Cơ hội…

Phương châm “lấy nghề nuôi nghề” tưởng chừng như không dễ dàng chút nào trong thời buổi kinh tế khó khăn, song với làng chiếu Thạch Tân lại là kinh nghiệm thực tiễn. Nhận thấy việc tạo ra các sản phẩm chiếu “in rồng vẽ rắn” rườm rà, mất nhiều thời gian, công sức nhưng kém hiệu quả, người dân đã mạnh dạn chuyển sang nhận sản xuất thô, đơn giản, bởi ưu việt là sản phẩm không bị tồn kho, đáp ứng được đối tượng khách hàng bình dân vì giá rẻ. Trong khi đó, những người thợ có tay nghề khéo léo, cơ sở sản xuất quy mô sẵn sàng đáp ứng đối với sản phẩm chiếu cạnh tranh trên thị trường.

Bà Trần Thị Yến (bên trái) và Trần Thị Thơ dệt chiếu tại nhà.
Bà Trần Thị Yến (bên trái) và Trần Thị Thơ dệt chiếu tại nhà.

Chủ tịch UBND xã Tam Thăng - ông Châu Thanh Phong cho biết: “Làng chiếu trụ vững là nhờ người dân yêu nghề, tận dụng được nguồn lao động nông nhàn, lại sản xuất tại nhà nên khá thuận lợi. Nếu mỗi gia đình có 2 lao động làm chiếu trở lên, mỗi ngày thu nhập không dưới 200 nghìn đồng”. Việc bảo tồn, khôi phục và phát triển làng nghề chiếu cói Thạch Tân đã được chính quyền quan tâm và đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn. Theo đó, xác định con người là nhân tố quyết định sự sống còn của làng nghề. Kế tiếp, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, giống cói chất lượng để quá trình sản xuất không bị trì trệ vì thiếu nguyên liệu. Cạnh đó, ứng dụng tiến bộ khoa hoa - kỹ thuật vào sản xuất, thành lập các nhóm, tổ hợp tác liên kết sản xuất nhằm giúp người dân tiếp cận nguồn vốn, nâng cao tay nghề, đa dạng hóa sản phẩm, khảo sát thị trường khó tính. “Không thể phủ nhận sự phát triển rời rạc, thiếu liên kết, chậm vươn ra thị trường lớn ở làng chiếu Thạch Tân. Tuy vậy, cơ hội mở ra cho làng nghề nơi đây rất lớn, nhất là khi vệt quy hoạch di tích lích sử địa đạo Kỳ Anh, Sông Đầm bãi Sậy triển khai đầu tư. Các tour du lịch, phát triển kinh tế vùng được kết nối, lúc đó sản phẩm chiếu bản địa sẽ trở nên đầy tiềm năng” - ông Phong nói.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trụ vững với làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO