Gần đây, nhiều người hay nhắc đến cụm từ “kinh doanh nỗi sợ hãi”.
Chiêu thức hay dùng là đánh vào tâm lý thường sợ hãi những thứ độc hại gây nên bệnh tật. Rồi từ đó quảng bá các sản phẩm được cho là giúp tiêu độc, ngăn ngừa ung thư, tăng cường sức khỏe. Có lẽ vì thế, chúng ta thấy suốt ngày ra rả trên báo chí truyền thông và mạng xã hội quảng cáo vô số loại thực phẩm chức năng. Dường như không cần phải ăn gì, chỉ uống vài viên bổ dược đó là đủ sức “sống vui sống khỏe”(?!). Một mánh khóe tinh vi thường dùng là kèm theo những comment (bình luận) khen sản phẩm quảng cáo trên mạng, rất đáng nghi (vì có thể thuê người viết lời bình).
Phát triển “kinh doanh nỗi sợ hãi” biến thành chiêu trò đáng sợ là sử dụng “truyền thông bẩn” để dựng lên kịch bản gây náo loạn tâm lý người tiêu dùng. Tung tin những kết quả nghiên cứu rất khó kiểm chứng về loại hàng hóa gì đó rồi gán cho nó cái mác không an toàn. Thế là ngay lập tức tạo ra sự cố hay khủng hoảng truyền thông. Từ vụ “cà phê pin” hay hai lần chao đảo của nước mắm truyền thống là những ví dụ điển hình cho kiểu tạo ra xì căng đan như vậy. Và trong khi cộng đồng đang hoang mang thì tranh thủ đưa sản phẩm của mình ra tiếp thị, nhằm chiếm dần thị phần.
Nhưng những trò kể trên chưa là gì khi so với cách trục lợi trên nỗi sợ hãi núp bóng trong chiếc áo tín ngưỡng tôn giáo. Mấy năm gần đây, dư luận bao lần dậy sóng vì “biến thái” của hoạt động mang màu sắc tín ngưỡng. Nào tục phóng sinh, xin ấn, giành giật cướp lộc... Rồi sau Tết Kỷ Hợi có “nét mới” là nườm nượp dương sao giải hạn, với sự trợ giúp (có thu tiền) của tăng ni nhiều chùa chiền, đến nỗi Giáo hội Phật giáo phải lên tiếng khuyến cáo đó là sự mê tín, không có trong giáo lý. Đỉnh điểm có lẽ là chuyện chùa Ba Vàng đang râm ran khắp xứ Việt bởi cái trò gọi “ma nhập” đòi tiền cúng. Người có bệnh thì tới chùa lạy và cúng tiền là giải được bệnh (vậy cần gì y học hiện đại và các bệnh viện!). Người làm chuyện ác cứ “đổ thừa” cho vong từ kiếp nào gây ra, và cúng tiền là chuyển hóa được kiếp nạn. Mà tiền “khủng”, có báo nói mỗi năm chùa thu cả trăm tỷ đồng (!), lại không thấy minh bạch chi dùng vào việc gì. Chùa Ba Vàng còn lập thuyết “thỉnh oan gia trái chủ” rồi giảng giải cho phật tử, mà xem các video trên mạng không tin được đó là lời của “con nhà phật”. Sự việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu báo cáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đăng đàn cho việc đó là trái giáo lý… Nhưng hướng xử lý cụ thể ra sao thì vẫn phải chờ.
Truyền bá những chuyện hoang đường liên quan đến nỗi sợ hãi mơ hồ một khi có kẻ trục lợi thì phải xem lại việc quản lý của nhà nước. Tự do tín ngưỡng tôn giáo không phải là muốn “vẽ ra” chuyện gì cũng được, dựng lên ma quỷ để hù dọa thu tiền, xây chùa chiền đền miếu tùy tiện khắp nơi để trục lợi?
Những hiện tượng “biến thái” đã nói cũng cần phải xét ở góc độ văn hóa, với sự lệch lạc giá trị chuẩn mực nhận thức. Một thời nhân danh xóa bỏ tàn tích phong kiến, văn hóa lạc hậu nên hô hào đập phá đền miếu đình chùa (đập luôn một số di tích văn hóa), nay thì lại nhân danh “bảo tồn văn hóa” mà phục dựng đủ thứ (kể cả một số sinh hoạt mê tín dị đoan).
Có các câu hỏi cần phải trả lời là, bản sắc văn hóa dân tộc có giàu đẹp lên khi dựng thêm nhiều ngôi “chùa không có phật”? Đã có khoảng 14.775 ngôi chùa và hàng nghìn di tích đình, đền miếu, phủ,… sao vẫn hoang mang niềm tin và đạo đức xã hội xuống cấp? Đặc biệt là vì sao “tà pháp”xuất hiện nhiều với tình trạng “buôn tăng bán phật”, đổ cho “mặt trái của kinh tế thị trường” mà lũng đoạn cả chuyện đời và đạo để trục lợi trên nỗi sợ hãi?
ĐĂNG QUANG