(QNO) - Nằm ở vị thế chiến lược kết nối liền mạch giữa Đà Nẵng và phố cổ Hội An, thị xã Điện Bàn của Quảng Nam, sông Cổ Cò được kỳ vọng sẽ tạo được chuyển động mạnh mẽ trong phát triển đô thị ở cực bắc của Quảng Nam và phía nam của Đà Nẵng.
Dòng sông của cảnh quan và kiến trúc
Sông Cổ Cò chảy qua địa phận của Quảng Nam và TP.Đà Nẵng có chiều dài khoảng 25km, một thời là tuyến đường giao thương buôn bán, vận chuyển hàng hoá, hành khách tấp nập giữa Hội An và Đà Nẵng. Nhiều năm qua, một trong những nhiệm vụ hợp tác lâu dài của chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng là quy hoạch không gian phát triển đô thị ven sông, nạo vét khơi thông dòng chảy Cổ Cò.
Theo đó, nhiều chính sách được 2 địa phương đưa ra nhằm thúc đẩy phát triển tuyến vận tải đường sông và khai thác tiềm năng du lịch Trọng điểm là dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò với mục tiêu hồi sinh dòng sông này, đồng thời quy hoạch phát triển tổng thể của 2 địa phương cũng gắn với dòng sông này. Hiện nay dòng sông này thuộc ranh giới Đà Nẵng cơ bản nạo vét và khơi thông, trong khi đó ách tắc chủ yếu thuộc địa bàn TP.Hội An và thị xã Điện Bàn.
Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò qua địa phận Quảng Nam chia thành 2 đoạn. Trong đó, đoạn 1 bắt đầu từ Cửa Đại (Hội An) ra phường Điện Dương (Điện Bàn) gồm nạo vét luồng, xây dựng cầu qua sông là cầu Ông Điền và cầu Nghĩa Tự. Đoạn 2 từ phường Điện Dương đến phường Điện Ngọc (Điện Bàn) giáp ranh với Đà Nẵng gồm nạo vét luồng sông và xây dựng cầu Viêm Minh qua sông.
Chính quyền Quảng Nam xác định, sông Cổ Cò phải là dòng sông của cảnh quan, kiến trúc ấn tượng, là bộ mặt cho cả vùng đô thị phía Bắc của tỉnh. Đây cũng là đô thị cao cấp vệ tinh, kết nối với TP.Đà Nẵng, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội theo hướng đô thị chất lượng cao kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh: “Mục tiêu và cũng là khát vọng lớn của địa phương là biến sông Cổ Cò thành điểm nhấn về cảnh quan, để nó thành “một trong những dòng sông đẹp nhất Việt Nam”. Người đứng đầu tỉnh cũng cho rằng, các cầu bắt qua sông Cổ Cò phải thiết kế kiến trúc nổi bật, tạo điểm nhấn khác biệt.
Trục phát triển liên hoàn
Định hướng về quy hoạch, cả phía Đà Nẵng và Quảng Nam đều xác định, ven sông Cổ Cò sẽ hình thành trục phát triển mới, gắn với đô thị đẳng cấp và du lịch nghỉ dưỡng.
Trên tuyến sông này, ngày 29.4 vừa qua Quảng Nam đã khánh thành cầu Ông Điền bắc qua sông Cổ Cò nối TP.Hội An và thị xã Điện Bàn. Trong năm nay, địa phương còn phê duyệt xây dựng thêm cầu Nghĩa Tự và cầu thôn 3 trên trục Dũng Sĩ Điện Ngọc ra bãi tắm Viêm Đông bắc qua sông Cổ Cò thuộc phường Điện Ngọc (Điện Bàn). Trong đó cầu thôn 3 phường Điện Ngọc sẽ là trục giao thông quan trọng để kết nối các khu đô thị tại đây với 2 trục đường chính nối TP.Đà Nẵng và phố cổ Hội An.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phú, phía Quảng Nam còn quy hoạch xây dựng thêm 2 cây cầu khác được tuyển chọn từ cuộc thi thiết kế là cầu Bãi Rồng 1 và Bãi Rồng 2 bắc qua sông Cổ Cò. Các cây cầu này xây dựng nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo điểm nhấn kiến trúc cho chuỗi đô thị dọc 2 bên sông và thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương. Còn Đà Nẵng lại cho rằng, ven sông Cổ Cò sẽ là trục phát triển kinh tế xã hội quan trọng, kết nối liên hoàn với cực phía bắc Quảng Nam.
Tuy nhiên, điểm nhấn chú ý là dự án đường vành đai Bắc Nam song song tuyến sông Cổ Cò sẽ sớm hoàn thiện trong giai đoạn 2021 – 2024, tạo trục giao thông xuyên tuyến kết nối giữa vùng Đông, vùng Tây khu vực phía Bắc Quảng Nam và TP.Đà Nẵng; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương.
Như vậy, việc triển khai các dự án xây dựng cầu và nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò sẽ giúp bất động sản ven khu vực này hưởng lợi rất nhiều về giá trị hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng và cảnh quan đô thị.
Ven sông Cổ Cò qua địa phận Quảng Nam sẽ được quy hoạch phát triển các khu phức hợp, khu du lịch sinh thái ven sông đan xen các khu đô thị, khu ở mới, khu tái định cư. Còn Đà Nẵng, dọc sông đã hình thành nhiều khu đô thị cao cấp, sân golf, các điểm du lịch đường sông.
Cuối năm 2022, dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò qua địa phận Quảng Nam với tổng kinh phí 1.545 tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành, kết nối đường sông thông suốt từ Hội An đến Đà Nẵng.