(QNO) - Từng làm việc trong một ngân hàng ở TP.Hồ Chí Minh với mức lương ổn định, nhưng vì bệnh tật khiến chị Phạm Thị Nhân (30 tuổi, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) phải rời phố về quê. Trên mảnh đất quê nhà, chị mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình nuôi gà ác lấy trứng.
Chị Nhân kể, năm 2014, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, chị vào làm việc tại một ngân hàng ở TP.HCM với thu nhập ổn định và tiếp tục học thêm chương trình cao học một ngành kinh tế.
Năm 2018, chị lập gia đình cùng một người đồng hương ở Quế Sơn và về quê nhà chờ sinh con đầu lòng. Thời gian này, chị bị tai biến nhẹ, dù điều trị và sinh con an toàn, song di chứng của bệnh này khiến chị phải tiếp tục điều trị dài ngày. Chồng chị Nhân từ TP.Hồ Chí Minh phải về quê để chăm sóc vợ con.
Thời gian ở quê, chị luôn khao khát có một công việc ổn định để có thu nhập. Tình cờ năm 2019, chị biết gần nhà có mô hình nuôi heo muốn sang nhượng cơ sở, chị bàn với chồng mua lại và quyết tâm khởi nghiệp.
Với hơn 1.000m2 chuồng trại mà người chủ cũ chuyển nhượng lại 300 triệu đồng, vợ chồng chị Nhân dốc hết số tiền tích lũy và vay thêm gần 1 tỷ đồng để đầu tư vào trại heo.
Lứa heo đầu tiên, chị thả nuôi 200 heo giống. Sau gần 3 tháng thả nuôi, đàn heo sắp xuất chuồng thì mắc bệnh phổi, rất may chị điều trị thành công. Tuy nhiên, lứa heo đầu tiên này chỉ hòa vốn.
Năm 2020, vợ chồng chị tiếp tục thuê lại một trại nuôi gà 2.000m2 để mở rộng quy mô chăn nuôi. Họ mua 3.000 con gà ác để nuôi lấy trứng.
“Giống gà ác rẻ hơn so với gà công nghiệp, dễ chăm sóc, nhanh đẻ, hàm lượng dinh dưỡng trong trứng và thịt khá cao. Qua thăm dò thị trường thì trứng gà ác là loại thực phẩm được ưa chuộng nên vợ chồng tôi quyết định chọn nuôi gà ác để đầu tư” - chị Nhân cho hay.
Trại gà ác của vợ chồng chị Nhân có lắp máy theo dõi nhiệt độ, sưởi ấm tự động, làm mát bằng hơi nước… Để đảm bảo vệ sinh, chuồng gà còn có đệm lót sinh học để thu gom phân và vệ sinh chuồng trại một cách dễ dàng. Tất cả đều do vợ chồng chị tự thiết kế, lắp đặt.
Số vốn đầu tư cho trại gà của vợ chồng chị Nhân đến nay là hơn 2 tỷ đồng, trại gà ác hiện có hơn 5.000 con, mỗi ngày đàn gà đẻ hơn 1.200 trứng, vợ chồng chị lời khoảng 1,5 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Cạnh đó, phân gà được tận dụng để bán cho các chủ nhà vườn trồng cà phê ở Đăk Lăk, Gia Lai… cũng là nguồn thu đáng kể.
Đáng mừng, năm 2021, sản phẩm trứng gà ác mang thương hiệu Hảo Nhân được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Hiện trứng gà ác thương phẩm của trại gà chị Nhân được tiêu thụ nhiều ở Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên và thành phố Đà Nẵng. Thời gian tới vợ chồng chị dự định nhân đàn gà ác lên 10.000 con để đủ nguồn cung cho thị trường.
Bà Trương Thị Hạnh - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Trinh cho biết trại nuôi gà ác Hảo Nhân là mô hình đầu tiên của xã theo hướng sản xuất sạch, an toàn và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. “Nhân là một cô gái đầy nghị lực, vượt qua bệnh tật, chịu khó vươn lên trong cuộc sống, thật đáng quý” – bà Hạnh nói.