Trùng lặp sản phẩm du lịch

VĨNH LỘC 19/04/2015 08:24

Sản phẩm du lịch luôn đóng vai trò quan trọng cho mỗi điểm đến, tuy nhiên thời gian qua do chưa có một cơ quan, tổ chức nào đứng ra “cầm trịch” trong việc định hướng, dẫn đến sự trùng lắp trong việc xây dựng sản phẩm lưu niệm tại  các địa phương.

Sản phẩm dệt thổ cẩm tại thôn Đhrôồng vẫn không có sự khác biệt so với nhiều địa phương miền núi. Ảnh: VĨNH LỘC
Sản phẩm dệt thổ cẩm tại thôn Đhrôồng vẫn không có sự khác biệt so với nhiều địa phương miền núi. Ảnh: VĨNH LỘC

Từ chuyện chiếu cói, mỳ Quảng...

Khoảng 5 năm trước, dự án làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên) được đưa vào hoạt động. Trong những sản phẩm làng nghề phục vụ tham quan và làm vật lưu niệm bán cho du khách, chiếu cói trở thành mặt hàng chủ đạo. Để hiện thực mong ước khôi phục làng nghề gắn với phát triển du lịch, nhiều hộ dân đã được tập huấn sản xuất những mẫu mã mới như mũ, dép, thảm chùi chân, túi xách… Đặc biệt, dự án còn mời nghệ nhân từ làng chiếu Nga Sơn (Thanh Hóa) vào để hướng dẫn người dân cách làm hàng lưu niệm du lịch từ cói (lác). Cùng với đó, tour tham quan làng dệt chiếu, đi thuyền câu cá và thưởng thức các món ăn địa phương như mỳ Quảng, hải sản, bánh xèo, hến trộn… cũng được lựa chọn đưa vào tiếp khách với kỳ vọng tạo nên sức hút mới lạ khi khách đến thăm làng.

Năm năm sau, làng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) cũng triển khai quy hoạch làm du lịch cộng đồng. Cũng như Trà Nhiêu, trong đề án phát triển dịch vụ du lịch, sản phẩm lưu niệm làng nghề vẫn không thể thiếu tour trải nghiệm nghề dệt chiếu, đi thuyền bắt cá trên sông và thưởng thức mỳ Quảng. Thậm chí, đây còn xem như là điểm nhấn khi khách đến tham quan làng. Xa hơn về phía nam, TP.Tam Kỳ cũng đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch địa đạo Kỳ Anh - Bãi Sậy Sông Đầm (Tam Thăng) gắn với khôi phục làng nghề dệt chiếu Thạch Tân, trong đó tour tham quan làng nghề chiếu cói cũng không đứng ngoài cuộc. Câu chuyện này mới đây cũng lặp lại với Thăng Bình và không ít địa phương khác trong tỉnh thời gian qua khi xây dựng chiến lược phát triển du lịch ẩm thực, làng nghề với những món ăn quen thuộc không bao giờ thiếu như bánh tráng, mỳ Quảng...

Tại các huyện miền núi sự trùng lặp cũng không phải hiếm, quen thuộc nhất chính là các sản phẩm dệt thổ cẩm, cơm lam, bánh sừng trâu và vũ điệu tâng tung da dá… Khách đến làng Zara sẽ được xem những phụ nữ nơi đây trình diễn nghề dệt trong căn nhà sàn truyền thống, nhìn ngắm những sản phẩm được làm ra từ thổ cẩm như túi xách, ví, khăn quàng cổ, váy, khố, nịt… với sự khéo léo, tài hoa như chuyển tải những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu gửi gắm vào sản phẩm. Tuy vậy, các sản phẩm này không phải là khác biệt duy nhất. Phía bên kia Đông Giang, tại làng Đhrôồng (xã Tà Lu) du khách cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh và sản phẩm tương tự. Vẫn các phụ nữ ngồi dệt thổ cẩm trong căn nhà đầu làng và trên giá treo là những túi xách, bao điện thoại, khăn trải bàn… bằng thổ cẩm trưng bày chờ bán, có khác chăng là quy mô sản xuất nhỏ hơn và sản phẩm cũng ít hơn so với làng Zara.

Thiếu một “kiến trúc sư trưởng”

Một thực tế,  tại phần lớn địa phương khi xây dựng sản phẩm du lịch chỉ mới chú trọng tới những cái mình có mà chưa quan tâm đến du khách cần hay không. Tại miền núi dù có những giá trị đặc trưng nhưng là so với đồng bằng, còn bản thân giữa Nam Giang, Đông Giang hay kể cả Tây Giang thì sự khác biệt giữa sản phẩm hầu như chưa rõ nét. Nhiều doanh nghiệp từng phàn nàn về sự trùng lặp sản phẩm tại các điểm khi đưa khách đến. “Nếu Triêm Tây không có gì khác biệt hơn so với Trà Nhiêu chắc chắn khách sẽ khó quay lại vì không lý do gì để khách phải trải nghiệm những điều không mới” - chủ một doanh nghiệp lữ hành phân tích. Đồng tình với quan điểm trên, ông Cao Thanh Tấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, xây dựng sản phẩm khác biệt luôn là ưu tiên của địa phương trong chiến lược phát triển du lịch, vì Điện Bàn không thể giống Hội An hay Đà Nẵng, tuy nhiên sự khác biệt đó là thế nào thì cần có thời gian... nghiên cứu.

Vấn đề xây dựng sản phẩm đặc trưng cũng vừa được mổ xẻ trong buổi Tọa đàm về “Phát triển du lịch và dịch vụ huyện Thăng Bình trên cơ sở liên kết vùng” mới đây. Tại đây, ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ khẳng định, yếu tố hấp dẫn khách trong du lịch chính là sự độc đáo khác lạ, vì vậy trong kế hoạch phát triển du lịch liên vùng cần phải có những tính toán hợp lý trước khi xây dựng sản phẩm, vì điều này không chỉ dựa trên những lợi thế cụ thể của từng địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách về tính khác lạ để tạo nên sự đa dạng điểm đến chứ không phải cạnh tranh về sản phẩm tương đồng. “Cũng là biển nhưng chắc chắn dịch vụ tại biển Bình Minh phải khác với Tam Thanh. Nếu biển Thăng Bình là lưu trú nghỉ dưỡng thì Tam Kỳ phải là nơi trình diễn của dù lượn, ô tô nước…” - ông Tuấn diễn giải.  

Có thể khẳng định, sức hấp dẫn của mỗi điểm đến chính là sự khác biệt. Tuy nhiên, trong một thời gian dài việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch của nhiều địa phương đôi lúc theo kiểu mạnh ai nấy làm dẫn đến sự trùng lặp sản phẩm. Thậm chí, vài đơn vị tư vấn khi xây dựng quy hoạch du lịch cho các địa phương vì những lý do khách quan còn cóp nhặt dán ghép nội dung từ các dự án khác dẫn đến không ít đề án na ná nhau. Hậu quả là những làng du lịch hình thành không có khách, những sản phẩm lưu niệm làng nghề sau những lao xao ban đầu trở nên vắng lặng, cùng với đó là sự hụt hẫng của người dân và chính quyền sở tại. Ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL thừa nhận, sự trùng lặp sản phẩm là điều rất khó tránh vì việc xây dựng sản phẩm du lịch trước hết phải căn cứ vào các tiềm năng của địa phương, nên phải chấp nhận có sự trùng lặp. Tuy nhiên, để hạn chế cần tập trung vào sự khác biệt trong hình thức sản xuất, phong cách sản phẩm và công tác quảng bá… “Không trùng lặp là tốt, nhưng điều này rất khó, vì vậy quyền chọn lựa của khách sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp thị và tạo ra nét riêng của sản phẩm về phong cách, hình thức sản xuất cũng như việc triển khai tour…” - ông Đinh Hài khẳng định.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trùng lặp sản phẩm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO