(QNO) - Bắc Kinh đã ban hành quy định mới về ngành công nghiệp phát trực tiếp (livestream), trong đó liệt kê 31 hành vi bị cấm.
Quy định cũng đặt ra giới hạn cho những người có sức ảnh hưởng (Influencer) khi nói về các chủ đề nhạy cảm bao gồm luật, tài chính và y tế.
Đây được xem như nỗ lực mới nhất của chính phủ nhằm kiểm soát nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ.
“Hướng dẫn 18 điểm”, do Cục Phát thanh Truyền hình thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố ngày 22.6, yêu cầu những người có sức ảnh hưởng phải có bằng cấp, chứng chỉ liên quan để có thể thảo luận về một số chủ đề, chẳng hạn như luật, tài chính, y học và giáo dục, mặc dù chính quyền không nêu rõ trình độ chuyên môn như thế nào là đủ chuẩn.
Trong 31 hành vi bị cấm trong các buổi phát trực tiếp bao gồm cả các nội dung xuất bản có thể làm suy yếu hoặc bóp méo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hệ thống xã hội chủ nghĩa hoặc cải cách và mở cửa của đất nước.
Các hành vi bị cấm khác bao gồm sử dụng công nghệ deepfake để làm giả hình ảnh của các nhà lãnh đạo Đảng hoặc nhà nước và cố tình “thổi phồng” các vấn đề nhạy cảm và thu hút sự chú ý của công chúng.
Hướng dẫn cho biết những người phát trực tiếp cũng bị cấm thể hiện lối sống xa hoa, chẳng hạn như trưng bày các sản phẩm xa xỉ và tiền mặt.
Quy định mới được đưa ra trong bối cảnh ngành thương mại điện tử gắn với phát trực tiếp đang trải qua những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp nhiều khó khăn và được kiểm soát chặt chẽ.
Trước đó, cơ quan chức năng Trung Quốc cấm người livestream khoe thân, khoe của, phát ngôn tục tĩu, gây sốc để câu view; không được kêu gọi người hâm mộ tặng quà, tặng tiền; cấm trẻ dưới 16 tuổi livestream; cấm các đơn vị cung cấp dịch vụ livestream sau 22h cho trẻ vị thành niên.
Một số streamer (người phát trực tiếp) nổi tiếng trên Taobao Live, nền tảng thương mại điện tử phát trực tiếp của Alibaba Group Holding, đã không còn hoạt động vì nhiều lý do khác nhau, khiến các thương hiệu phải tranh nhau tìm kiếm những cách mới để tiếp thị sản phẩm của họ.
Austin Li Jiaqi, được mệnh danh là “ông hoàng son môi” của Trung Quốc nhờ thành tích từng bán được 15.000 tuýp son chỉ trong 5 phút, đã đột ngột kết thúc buổi phát trực tiếp vào ngày 3.6 sau khi anh này được cho là trưng bày một cây kem có hình chiếc xe tăng, một trong những hình ảnh thường xuyên bị kiểm duyệt tại Trung Quốc.
Huang Wei, được biết đến rộng rãi với cái tên Viya, đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng sau khi bị phạt số tiền kỷ lục 1,3 tỷ nhân dân tệ (210 triệu USD) vì tội trốn thuế vào cuối năm ngoái. Điều này xảy ra sau khi Zhu Chenhui và Lin Shanshan, hai người có ảnh hưởng hàng đầu từng bị phạt hàng chục triệu nhân dân tệ vào tháng 11 vì tội trốn thuế, ẩn hoàn toàn các tài khoản mạng xã hội và cửa hàng thương mại điện tử.
Hướng dẫn mới nhất nhấn mạnh rằng những người phát trực tiếp nên kê khai thu nhập của họ một cách trung thực và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Các quy tắc cũng định hướng các nền tảng không được cho những nhân vật của công chúng vi phạm luật pháp hoặc thể hiện hành vi “không có đạo đức” có cơ hội để bày tỏ ý kiến của họ một cách công khai, tổ chức các buổi biểu diễn, tạo tài khoản mới hoặc chuyển sang nền tảng khác.