Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam: Cần người “chẩn bệnh” chuẩn xác

Công Tú 07/05/2013 08:51

Chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm động lực xây dựng đơn vị vững mạnh, phục vụ tốt nhu cầu của xã hội là nhiệm vụ mà Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam đã và đang thực hiện.

Siết chặt đầu vào

Tai nạn giao thông hiện nay chủ yếu liên quan đến xe cơ giới, tuy nhiên nguyên nhân do tình trạng kỹ thuật phương tiện không đảm bảo chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. “Việc xác định chính xác trạng thái kỹ thuật của xe, tư vấn giúp chủ phương tiện và lái xe trong quá trình kiểm tra an toàn kỹ thuật tại đơn vị cũng như chăm sóc phương tiện khi tham gia giao thông giữ một vai trò rất quan trọng. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với địa phương “sở hữu” nhiều xe cũ như Quảng Nam (ô tô sản xuất quá 15 năm chiếm khoảng 1/4). Do đó, khi tuyển chọn nguồn nhân lực chúng tôi luôn quan tâm tiếp nhận những người có trình độ, biết chẩn đoán “bệnh” của phương tiện chính xác mà kê đơn thuốc chữa trị hữu hiệu” - ông Võ Thành Trị, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam cho hay.

Đội ngũ đăng kiểm viên của trung tâm được đào tạo bài bản, triển khai công việc nhanh, hiệu quả. Ảnh: C.T
Đội ngũ đăng kiểm viên của trung tâm được đào tạo bài bản, triển khai công việc nhanh, hiệu quả. Ảnh: C.T

Để thực hiện mục tiêu trên, trung tâm đã chọn cách tiếp cận là chú trọng công tác đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực làm động lực xây dựng đơn vị. Đồng thời, hướng đến việc nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, giảm phiền hà, tiêu cực, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội. Bằng cách này, ngay từ khi tỉnh Quảng Nam được tái lập (năm 1997), lãnh đạo Sở GTVT đã có tầm nhìn chiến lược về nhân sự cho trung tâm. Theo đó, ngành đề ra yêu cầu về tiêu chuẩn tuyển chọn đăng kiểm viên (ĐKV) phải là kỹ sư chuyên ngành ô tô - máy kéo hoặc kỹ sư cơ khí động lực, có ít nhất 3 năm công tác đúng ngành nghề được đào tạo. Nhờ vậy, trung tâm hiện có 100% cán bộ ĐKV, nhân viên nghiệp vụ (NVNV) đã tốt nghiệp đại học, tất cả ĐKV là kỹ sư đúng chuyên ngành. Việc tuyển chọn ĐKV phương tiện thủy nội địa, nhân viên nghiệp vụ cũng được chú trọng.

Không dừng lại hay thỏa mãn ở đầu vào, lãnh đạo đơn vị luôn tạo điều kiện cho cán bộ ĐKV tham dự các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, các lớp bồi dưỡng, tập huấn hằng năm do Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức. Năm 2012, đơn vị đã kiểm định tổng cộng 16.130 ô tô các loại (1.653 phương tiện ngoại tỉnh), tăng 10,4% so với năm trước.

Đảm bảo an toàn, thông suốt

Thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp, trọng tâm là phát huy yếu tố con người, bố trí họ vào đúng vị trí phù hợp. Mặc dù yêu cầu hiện nay mỗi ĐKV có thể kiểm tra cả 5 công đoạn, tuy nhiên, trung tâm chỉ bố trí cán bộ có ưu thế ở mỗi hạng mục nhất định nhằm phát huy năng lực sở trường của họ. Trong đó, người có kinh nghiệm thực tiễn sẽ ưu tiên bố trí kiểm tra các công đoạn phanh, lái, gầm kết hợp với hướng dẫn ĐKV mới vào nghề. Ngoài ra, đơn vị lựa chọn người phụ trách dây chuyền phải có năng lực chuyên môn thành thạo, kiểm định được 5 công đoạn, biết sử dụng đầy đủ các tính năng của chương trình quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, giải đáp và hướng dẫn rõ ràng cho chủ phương tiện khắc phục những hạng mục không đạt, còn kiểm tra công đoạn I hoặc chụp hình thì bố trí ĐKV trẻ. ĐKV Trần Đình Ánh cho biết: “Nhờ những khóa học nâng cao nên tôi tích lũy thêm kinh nghiệm, có thể quan sát bằng mắt thường khi kiểm định về độ rơ của bánh xe, rơ rôtyn hệ thống lái… mà máy móc không thể trực tiếp kiểm tra, góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông”.

Công Tú

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam: Cần người “chẩn bệnh” chuẩn xác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO