Trung tâm giáo dục thường xuyên: Khó đầu vào lẫn đầu ra

KHÁNH LINH - BÍCH LIÊN 29/06/2014 06:33

Trong nhiều năm qua hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, dạy nghề (GDTX&HN, DN) trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là đối diện với nguy cơ thiếu vắng người học. Cơ chế quản lý hiện tại còn nhiều bất cập khiến nhiều trung tâm GDTX không biết sẽ đi về đâu, trong khi đó “bài toán” tồn tại mỗi ngày càng khó có lời giải.

Trung tâm GDTX Quảng Nam đối diện với nguy cơ không có học sinh học dù cơ sở hạ tầng rất bề thế.Ảnh:VĨNH LỘC
Trung tâm GDTX Quảng Nam đối diện với nguy cơ không có học sinh học dù cơ sở hạ tầng rất bề thế. Ảnh:VĨNH LỘC

Lượng người học mỗi ngày mỗi ít khiến nhiều trung tâm GDTX phải mệt mỏi “tranh” nhau tuyển sinh. Nhiều trung tâm đang sống lay lắt vì cơ hội “hồi sinh” mỗi ngày mỗi ít…   

Tuyển sinh khó khăn

Theo báo cáo của Trung tâm GDTX&HN, DN TP.Hội An, 3 năm qua số lượng học sinh vào các lớp bổ túc văn hóa liên tục sụt giảm. Nếu như năm học 2011 – 2012 trung tâm có 4 lớp (1 lớp 10, 1 lớp 11, 3 lớp 12) với tổng cộng 116 học viên thì đến năm học 2013 – 2014 chỉ còn 2 lớp 10 với 30 học viên (10 học viên học tại trung tâm và 20 học viên học phổ cập giáo dục tại xã đảo Tân Hiệp), chất lượng học lực cũng như hạnh kiểm đầu vào học sinh rất thấp. Tại những địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc…, việc tuyển sinh lớp 10 của các trung tâm GDTX cũng không hề suôn sẻ. Điển hình như Trung tâm GDTX huyện Duy Xuyên, năm học 2013 – 2014 tuyển sinh 21 học sinh nhưng đến cuối năm chỉ còn 11 em, phần lớn học sinh nghỉ do không theo kịp chương trình. Còn tại Trung tâm GDTX&HN Điện Bàn thì chỉ còn 47 học sinh, Đại Lộc 30 học sinh phân bổ đều cho 3 khối lớp 10,11,12.

Năm học 2014 - 2015, Sở GD-ĐT công bố chỉ tiêu xét tuyển vào lớp 10 là 90% trên tổng số 21.466 học sinh tốt nghiệp THCS. Điều đó đồng nghĩa 17 trung tâm GDTX và các trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh sẽ “tranh nhau” tuyển khoảng hơn 2.140 học sinh. Tuy nhiên, theo nhiều người ước đoán, chỉ có khoảng một nửa số học sinh này là có khả năng tiếp tục theo học văn hóa, còn lại sẽ nghỉ học hoặc đi học nghề hay làm các công việc tự do khác. Vì vậy, riêng năm học 2013 - 2014, chỉ tiêu của Sở GD-ĐT giao Trung tâm GDTX tỉnh tuyển sinh lớp 10 khoảng gần 100 em, kết quả trung tâm chỉ tuyển được 30 em trên địa bàn TP.Tam Kỳ (Tam Kỳ không có trung tâm GDTX).

Ông Đặng Trung Phương – Giám đốc Trung tâm GDTX&HN huyện Điện Bàn cho rằng nguyên nhân chính của thực trạng này là Sở GD-ĐT nới rộng việc xét tuyển đầu vào đối tượng học sinh lớp 10 quá lớn, trong khi lại giao chỉ tiêu tuyển sinh không thực tế cho các trung tâm. Ông Phương nói: “Năm vừa rồi sở nới rộng chỉ tiêu xét tuyển vào các trường công lập lên đến 95%, điều đó đồng nghĩa với việc trung tâm GDTX phải cạnh tranh cùng các trường tư thục, trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn để tranh số học sinh ít ỏi 5% còn lại”. Theo ông Phương, đây là một điều bất hợp lý khi mà đối tượng người học lớn tuổi, cán bộ công chức tham gia phổ cập giáo dục, bổ túc văn hóa đã không còn. Sự tồn tại của trung tâm GDTX hiện nay chủ yếu trông chờ vào nguồn học sinh THCS. Thiếu hụt học sinh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ giáo viên đứng lớp. Chẳng hạn trong số 18 cán bộ, giáo viên của Trung tâm GDTX&HN Điện Bàn, giáo viên dạy văn hóa đã chiếm 13 người nên việc không đủ tiết dạy là điều chắc chắn.

Còn theo ông Võ Văn Ba – Giám đốc Trung tâm GDTX&HN,DN TP.Hội An, cần có giải pháp đi kèm cũng như giảm chỉ tiêu vào lớp 10 hệ công lập xuống còn 70 - 80%, khi đó các trung tâm GDTX mới có thể hy vọng tuyển sinh đủ số lượng học sinh vào lớp.

“Cạnh tranh” dạy nghề phổ thông

Không chỉ khó khăn về đầu vào, hầu hết trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh đều đối diện với việc thiếu hụt học sinh học nghề khối THPT. Ông Võ Văn Ba cho biết, nhiều năm trước đây Trung tâm GDTX&HN,DN Hội An tham gia công tác dạy nghề phổ thông cho học sinh cấp THPT rất có chất lượng và phù hợp với quy định của Bộ GD-ĐT nhưng từ khi Sở GD-ĐT giao việc dạy nghề cho các trường THPT đảm nhận đã tạo nên sự bất hợp lý, đó là giáo viên trung tâm có kỹ năng nghề để dạy nghề không được sử dụng, trong khi giáo viên dạy văn hóa ở các trường THPT không có nghề lại qua dạy nghề. Đặc biệt, việc dạy nghề tại các trường THPT mang tính áp đặt, không tôn trọng sở thích, năng khiếu cá nhân của học sinh. Hầu hết trường THPT chỉ dạy một số nghề ít tốn kinh phí, có phôi liệu rẻ, không cần giáo viên có kỹ thuật cũng như trang thiết bị như tin học, trồng rừng, làm vườn…,  nhiều trang thiết bị dạy nghề Nhà nước đầu tư cho các trung tâm GDTX không được sử dụng dẫn đến hư hại, gây lãng phí. “Những năm trước, khi HĐND tỉnh chưa có chỉ tiêu ngân sách cấp cho đối tượng học nghề - hướng nghiệp mà thu từ học sinh thì Sở GD-ĐT giao cho các trung tâm GDTX&HN đảm nhận. Nhưng từ ngày có ngân sách cấp thì Sở GD-ĐT lại giao cho các trường THPT tự đào tạo, điều này thật kỳ lạ! Hiện nay dù có linh hoạt đến mấy thì các trung tâm GDTX cũng không thể vùng vẫy được” - ông Ba nói.

Học sinh thực hành tin học tại trung tâm GDTX.Ảnh: VĨNH LỘC
Học sinh thực hành tin học tại trung tâm GDTX.Ảnh: VĨNH LỘC

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Trung Phương cho rằng, lâu nay mảng dạy nghề “nuôi sống” các trung tâm GDTX DN, nay mất đi thì các trung tâm GDTX “chết” là điều khó tránh khỏi. Trong số 1.627 học sinh học nghề của Trung tâm GDTX&HN huyện Điện Bàn phần lớn là học sinh thuộc khối THCS, chỉ 20 em thuộc khối THPT (học sinh GDTX đang học tại trung tâm). Tuy nhiên, theo ông Phương, việc Sở GD-ĐT xét tuyển đến 90 - 95% học sinh vào lớp 10 thì nguy cơ không còn học viên khối THCS là điều khó tránh khỏi do mục tiêu học nghề để cộng thêm điểm của học sinh sẽ không còn cần thiết. Nếu như trước đây Trung tâm GDTX&HN huyện Điện Bàn có 16 nghề đào tạo thì nay thu hẹp lại còn 7 nghề (điện, may, nấu ăn, nhiếp ảnh, làm vườn, tin học, móc len), một số nghề như thú y, đàn organ, ghita… không còn học sinh đăng ký. “Đây là mối quan hệ dích dắc qua lại và đều bắt nguồn từ nguyên nhân là sự vô lý của cơ chế xét tuyển vào lớp 10 hiện nay của Sở GD-ĐT” - ông Phương nói.

Có thể nhận thấy, việc tồn tại và hoạt động của các trung tâm GDTX&HN, DN vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn, đó không chỉ là chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 hay chức năng dạy nghề mà còn liên quan đến cơ chế, kinh phí hoạt động, chế độ thâm niên giáo viên đứng lớp, đầu tư cơ sở hạ tầng…

Ông Hà Thanh Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Nên giao về cho địa phương

Tôi nghĩ trung tâm GDTX hoạt động khó khăn là thực trạng chung không chỉ của Quảng Nam mà của nhiều địa phương trong cả nước. Vì vậy, việc chuyển giao các trung tâm GDTX về địa phương là hợp lý và đáp ứng yêu cầu thực tế xã hội cũng như phù hợp với Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy. Đặc biệt là phù hợp với 3 lý do sau: thứ nhất phải nhìn nhận là trung tâm GDTX hoạt động khó khăn là do yếu tố khách quan khi mà hiện nay rất nhiều cơ sở đào tạo, trường dạy nghề ra đời. Học sinh sẽ có nhiều lựa chọn để vừa học chữ vừa học nghề theo sở thích và chương trình phù hợp. Thứ hai, chức năng, nhiệm vụ bổ túc và học nghề phổ thông của trung tâm GDTX nay đã không còn phù hợp vì số lượng học sinh bổ túc không còn nhiều (trừ các địa phương vùng sâu, vùng xa…). Học sinh cũng không cần kiếm điểm cộng từ học nghề vì khối lớp 10 đã chuyển sang xét tuyển. Cuối cùng, quan điểm của sở là sáp nhập các trung tâm GDTX về huyện/thành phố để hình thành các trung tâm đa ngành nghề, đa lĩnh vực và dễ quản lý. Đặc biệt, chuyển giao cho huyện cũng sẽ giúp trung tâm thuận lợi trong việc tiếp cận các dự án đào tạo nghề nông thôn; chương trình xây dựng nông thôn mới; chuyển giao công nghệ, giống cây trồng… Tuy nhiên, hiệu quả ra sao còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ con người, hiệu quả đầu tư…

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An: Sở và thành phố cùng quản lý

Nhìn chung thời gian qua hoạt động của Trung tâm GDTX&HN,DN TP.Hội An có hiệu quả. Ngoài việc thực hiện chức năng Sở GD-ĐT giao, trung tâm còn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục bậc trung học của thành phố cũng như làm tốt công tác điều tiết giáo viên giảng dạy bổ túc các lớp 10, 11, 12 trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2013 Sở LĐ-TB&XH đã giao cho trung tâm thêm chức năng dạy nghề lao động nông thôn, điều này cũng góp phần tạo ra hướng đi mới cho đơn vị. Còn việc sáp nhập trung tâm GDTX cho ai quản lý, theo quan điểm cá nhân tôi, nếu giao về thành phố quản lý cũng tốt nhưng phải có sự phân công chức năng, nhiệm vụ cụ thể rõ ràng với phương châm sở và thành phố cùng quản lý. Trong đó, Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB&XH chỉ quản lý về mặt chuyên môn, định hướng hoạt động căn bản…, thành phố quản lý về mặt nhà nước và những mặt còn lại” - ông Dũng nói.  

Ông A Lăng Mai – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang: Phải có cơ chế đầu tư

Từ trước đến nay Trung tâm GDTX Nam Giang trực thuộc quản lý của Phòng GD-ĐT huyện nên cũng có những thuận lợi nhất định trong việc cân đối biên chế, kinh phí hoạt động, đào tạo nghề… Nếu bây giờ giao về UBND huyện quản lý thì cũng không vấn đề gì nhưng tỉnh phải có cơ chế đầu tư, con người, cơ sở vật chất… Ngành nghề nào phân cấp cho huyện đào tạo thì giao cho huyện và đi kèm với đó là những cơ chế, chức năng cụ thể thì trung tâm mới tồn tại được.

                                                                                    Khánh Linh (thực hiện)

KHÁNH LINH - BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trung tâm giáo dục thường xuyên: Khó đầu vào lẫn đầu ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO