Trung tâm Trị liệu trẻ em khuyết tật huyện Núi Thành (gọi tắt là Trung tâm) là nơi duy nhất trong huyện giúp trẻ khuyết tật có nơi tập luyện, trị liệu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do Trung tâm phải dừng hoạt động từ tháng 2.2013, khiến hơn 30 trẻ khuyết tật không còn chỗ để trị liệu phục hồi chức năng.
Cơ sở của Trung tâm Trị liệu trẻ em khuyết tật huyện Núi Thành trước đây giờ đã trở thành khu dân cư với các công trình đang xây dựng. |
Nhìn đứa con tật nguyền của mình nằm trên võng, ông Trần Quốc Hùng (cha cháu Trần Thị Tuyền, thôn Lý Trà, xã Tam Anh Bắc) bảo: “Hồi Trung tâm còn hoạt động, vợ chồng tôi thường thay nhau đưa cháu vào tập luyện. Ở đó, có giáo viên hướng dẫn các bài tập đứng, ngồi; nhờ vậy gân cốt chân tay mềm ra, cháu cử động dễ dàng hơn”. Ông Hùng cho biết thêm, Trung tâm còn hỗ trợ tiền xe đi lại nên gia đình có cơ hội thường xuyên đưa con đi luyện tập vào thứ Bảy và Chủ nhật. “Kể từ ngày Trung tâm dừng hoạt động, gia đình tôi có đưa cháu đi một số trung tâm trị liệu ở Tam Kỳ, Đà Nẵng nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc điều trị cho cháu không thường xuyên lắm. Chỉ còn cách chúng tôi tự tập luyện cho cháu ở nhà” - ông Hùng tâm sự. Tuy nhiên, việc tập luyện ở nhà ít hiệu quả hơn khi không có người hướng dẫn giúp đỡ, dụng cụ tập luyện không có. Tương tự, hơn 30 trẻ khuyết tật từng trị liệu thường xuyên ở Trung tâm trước kia cũng không còn nơi để luyện tập.
Bà Hồ Thị Hường - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành cho biết, khi còn hoạt động, Trung tâm có hướng dẫn viên và các cộng tác viên ở xã, thị trấn hướng dẫn cho phụ huynh các bài tập trị liệu để hỗ trợ phục hồi chức năng vận động cho trẻ em khuyết tật. Trung tâm đã giúp tăng cường sức khỏe cho trẻ khuyết tật và hỗ trợ phụ huynh kiến thức tập luyện cho con em ở tại nhà. Theo bà Hường, trước đây cơ sở vật chất của Trung tâm vốn mượn tạm 2 phòng học cũ của Trường Mẫu giáo thị trấn Núi Thành; kinh phí hoạt động và trang thiết bị do Tổ chức Hội cựu chiến binh Mỹ tài trợ. Khó khăn của Trung tâm bắt đầu từ tháng 12.2010 khi Tổ chức Hội cựu chiến binh Mỹ kết thúc giai đoạn tài trợ. Từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2013, Trung tâm phải hoạt động cầm chừng bởi thiếu kinh phí. “Sau khi không còn nguồn tài trợ, UBND huyện đã cố gắng cung cấp kinh phí để giúp các cháu khuyết tật có nơi luyện tập. Đến tháng 2.2013, Trung tâm đành phải dừng hoạt động hoàn toàn khi UBND thị trấn Núi Thành thu hồi cơ sở theo quy hoạch” - bà Hường cho biết thêm.
“Huyện sẵn sàng bố trí đất để xây dựng cơ sở cho Trung tâm hoạt động, chúng tôi cũng định trưng dụng một vài phòng ở Bệnh viện Đa khoa cũ để các cháu khuyết tật có nơi tập luyện. Tuy nhiên, vẫn khó khả thi khi kinh phí để trang bị thiết bị luyện tập, chi trả lương cho hướng dẫn viên, chi phí hỗ trợ ăn ở cho các cháu… chúng tôi không thể đáp ứng nổi” - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Phạm Văn Quyện nói. Theo ông Quyện, UBND huyện đang kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện để giúp đỡ Núi Thành trong việc xây dựng nơi trị liệu cho trẻ khuyết tật. Hiện nay, toàn huyện Núi Thành có khoảng 250 trẻ em khuyết tập cần được hỗ trợ trị liệu. Để xây dựng cơ sở mới cho Trung tâm với các hạng mục phòng tập, nhà ăn, nhà nghỉ, sân chơi… cần kinh phí đến 3 tỷ đồng, và chính quyền địa phương hoàn toàn “bí” ở khâu này. Trong khi UBND huyện Núi Thành đang đôn đáo tìm kiếm nguồn kinh phí thì trẻ em khuyết tật ở địa phương này vẫn phải nằm tại nhà khi không còn nơi trị liệu phục hồi chức năng. “Mong sao Trung tâm được hoạt động trở lại để con tôi và các trẻ khuyết tật khác có nơi tập luyện gần nhà. Chứ đi các nơi khác xa hơn, tiền đi lại, ăn ở tốn kém thì những người khó khăn như gia đình tôi không có khả năng” - ông Trần Quốc Hùng nói.
NGUYÊN ĐOAN - ĐOÀN ĐẠO