Trung tâm Y tế Hiệp Đức: Chú trọng phát triển y học cổ truyền

PHAN VINH 27/02/2019 03:29

(QNO) - Những năm gần đây, nhu cầu khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền và phục hồi chức năng của người dân Hiệp Đức khá cao. Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao tay nghề để phục vụ.

Nhiều phương pháp chữa trị bệnh không dùng thuốc được các y, bác sĩ áp dụng khá hiệu quả. Ảnh: PHAN VINH
Nhiều phương pháp chữa trị bệnh không dùng thuốc được Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức áp dụng khá hiệu quả. Ảnh: PHAN VINH

Địa chỉ tin cậy

Bà Lê Thị Thêm (66 tuổi, xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức) vì tuổi cao nên thường xuyên bị đau nhứt chân tay. Trước đây, bà nhiều lần đi khám ở các bệnh viện đa khoa và được cấp thuốc uống nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm. Bà Thêm được nhiều người cao tuổi giới thiệu phương pháp chữa bệnh đau khớp bằng y học cổ truyền ở khoa Đông y Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức nên tìm đến thăm khám. Tại đây, bà được các bác sĩ châm cứu, bấm huyệt và cho uống thuốc bắc, sau đó bệnh tình thuyên giảm rõ rệt.

“Mỗi khi trở trời là chân tay lại đau nhói, tôi đến Trung tâm Y tế huyện châm cứu và bấm huyệt vài lần là hết ngay. Phương pháp y học cổ truyền rất phù hợp với những bệnh về già như tôi. Ngoài ra, thái độ phục vụ của y bác sĩ ở đây rất tận tình, nhẹ nhàng đối với bệnh nhân” - bà Thêm nói.

Cơ sở vật chất tại khoa Đông y liên tục được Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức đầu tư trong những năm qua. Ảnh: PHAN VINH
Cơ sở vật chất và con người tại khoa Đông y liên tục được Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức đầu tư. Ảnh: PHAN VINH

Theo bác sĩ Lê Viết Thuấn - Trưởng khoa Đông y, tháng 8.2014, khoa Đông y được tách ra từ khoa Nội - nhi - lây - đông y theo chủ trương Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Số lượng cán bộ lúc mới chia tách rất ít, chỉ có 4 người; cơ sở vật chất cũng còn thô sơ, chỉ có 10 giường bệnh.

Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, khoa Đông y đến nay đã được cấp 30 giường bệnh với hơn 10 cán bộ, y bác sĩ. Ngoài ra, còn được đầu tư phòng khám ngoại trú y học cổ truyền và phòng phục hồi chức năng. Hiện tại, mỗi năm khoa Đông y tiếp nhận hơn 12.000 lượt ngoại trú và hơn 600 lượt nội trú. Số lượng giường bệnh luôn kín vì ngoài bệnh nhân địa phương thì bệnh nhân ở các huyện Thăng Bình, Phước Sơn, Quế Sơn cũng đến khám chữa bệnh.

“Có được sự tin cậy của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện và bệnh nhân cũng là nhờ năm 2015, Chi bộ khoa phát động thực hiện các mô hình dân vận khéo, đề cao y đức của người cán bộ trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân qua lối ứng xử, giao tiếp. Mỗi bệnh nhân sau khi xuất viện còn được phát phiếu đánh giá nên kết quả rất khách quan và rõ ràng” - bác sĩ Thuấn cho biết.

Tiếp tục đầu tư

Cũng theo bác sĩ Thuấn, ngoài sự chăm sóc tận tình với bệnh nhân, khoa còn có thế mạnh về con người. Bản thân bác sĩ Thuấn đã tốt nghiệp chuyên ngành y học cổ truyền, trong khoa còn có bác sĩ khác tốt nghiệp chuyên ngành phục hồi chức năng. Thời gian qua, với kiến thức chuyên môn, các bác sĩ thường chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các y sĩ và cán bộ khác để tiếp tục phát huy tay nghề. Những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như kéo giản cột sống, đắp parapin, cấy chỉ vào huyệt, điều trị mảng châm xuyên huyệt... đã được áp dụng và mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh.

Lãnh đạo khoa Đông y mong muốn thời gian tới sẽ được đầu tư mạnh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Ảnh: PHAN VINH
Lãnh đạo khoa Đông y mong muốn thời gian tới sẽ được đầu tư mạnh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Ảnh: PHAN VINH

Bác sĩ Thuấn chia sẻ: “Hiện nay, xu hướng khám chữa bệnh đang thiên về phương pháp y học cổ truyền và với một huyện miền núi như Hiệp Đức, thì chúng tôi mong muốn cấp trên tiếp tục đầu tư hơn nữa cho khoa Đông y để có thể khám và chữa bệnh tốt hơn. Ví dụ, chúng tôi vẫn chưa có máy sắc thuốc tự động, hiện đang sắc theo từng ấm rất mất thời gian và bị động khi đông bệnh nhân. Các thiết bị ở phòng phục hồi chức năng cũng còn thô sơ chưa đáp ứng nhu cầu của người bệnh”.

Bác sĩ Lê Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức cho biết, khoa Đông y trong những năm qua phát triển rất nhanh. Thế mạnh của khoa là trình độ chuyên môn của các y bác sĩ,  tạo được uy tín cho người bệnh. “Thời gian tới, để tiếp tục phát triển khoa Đông y, chúng tôi sẽ đầu tư thành lập vườn thuốc nam, mua sắm một số thiết bị máy móc. Chúng tôi tin rằng, phương pháp y học cổ truyền sẽ là hướng đi mới và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cao bởi địa phương cách xa các bệnh viện đa khoa tuyến trên” - bác sĩ Quang cho biết thêm.

PHAN VINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trung tâm Y tế Hiệp Đức: Chú trọng phát triển y học cổ truyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO