Mặc dù là bệnh viện miền núi còn nhiều khó khăn, song bằng tinh thần “tất cả vì người bệnh”, các y bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đã không ngừng nỗ lực, kịp thời cứu sống hàng trăm bệnh nhân nguy kịch trước khi chuyển lên tuyến trên.
Kịp thời cấp cứu
Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, những năm gần đây, đơn vị liên tục đón những ca cấp cứu nặng, đa số đều trong tình trạng nguy kịch. Có trường hợp, khi được chuyển đến, bệnh nhân mắc cùng lúc nhiều bệnh nền khác nhau khiến công tác cứu chữa gặp rất nhiều khó khăn.
Như trường hợp của bệnh nhân Bh’riu D. (48 tuổi, ở thôn Aró, xã Lăng) mới đây. Khi được chuyển xuống cấp cứu, bệnh nhân đang trong tình trạng tăng huyết áp cấp cứu, hôn mê độ 3, kèm suy hô hấp độ 3, rất nguy kịch. Để kịp thời cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đã hội chẩn, đưa ra phương pháp cấp cứu ban đầu. Theo đó, cùng với đặt nội khí quản và cho thở oxy, bệnh nhân còn được hỗ trợ dùng thuốc hạ huyết áp qua bơm tiêm điện.
“Khi bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, ổn định về huyết động và các dấu hiệu sinh tồn, chúng tôi mới làm thủ tục chuyển lên tuyến trên để tiếp tục xử lý, điều trị” - bác sĩ Thông chia sẻ.
Không chỉ trường hợp như ông Bh’riu D., thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang liên tiếp cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng, trước khi chuyển tuyến trên. Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân Bh’ling Tr. (7 tuổi, ở thôn K’noonh, xã A Xan), bị thủng tạng rỗng, kèm theo biến chứng viêm phúc mạc toàn bộ. Các bác sĩ đã kịp thời cứu sống, sau đó nhanh chóng chuyển lên tuyến trên theo quy định.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng từng cấp cứu, hỗ trợ điều trị ban đầu cho các bệnh nhân bị chấn thương sọ não kín, xuất huyết tiêu hóa cao nghi do loét dạ dày kèm theo thiếu máu nặng và choáng do giảm thể tích… Sau khi nỗ lực cấp cứu, hầu hết bệnh nhân đều qua nguy kịch, nhiều người sức khỏe đã hồi phục và khỏi bệnh” - bác sĩ Thông cho biết thêm.
“Biết ơn các bác sĩ lắm!”
Trở về nhà sau thời gian điều trị bệnh, ông Bh’riu D. không khỏi xúc động khi kể về hành trình “từ cõi chết trở về” của mình. Ông nói, khi chuyển xuống cấp cứu, người nhà của ông đã không giữ được bình tĩnh, ai cũng khóc vì nghĩ rằng ông không sống được nữa. “Nhưng, may mắn với tôi là có các bác sĩ rất tận tình và giỏi. Vì thế, tôi luôn biết ơn các bác sĩ, những người đã cho tôi sống lại lần hai” - ông D. bộc bạch.
Bác sĩ Lê Văn Hiệp - phụ trách Khoa Khám bệnh, cũng là người thường xuyên góp mặt trong các êkip cấp cứu của trung tâm kể, nhiều thời điểm, bệnh nhân được chuyển xuống trong tình trạng nguy kịch. Do khoảng cách di chuyển xa, điều kiện đi lại khó khăn nên khi đến được trung tâm, bệnh nhân đã không còn sức, mọi hy vọng gần như rất thấp. Nhưng, bằng nỗ lực và tinh thần “tất cả vì người bệnh”, đội ngũ y bác sĩ của trung tâm đã cứu sống kịp thời và thành công nhiều ca bệnh nặng, mà có khi tưởng chừng không qua khỏi. “Đây thực sự là cố gắng rất lớn của chúng tôi, trong điều kiện của một bệnh viện tuyến cơ sở ở miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn” - bác sĩ Hiệp nói.
Không chỉ được xem là điển hình trong công tác cấp cứu bệnh nhân ban đầu ở miền núi, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang còn là đơn vị có rất nhiều hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào địa phương. Đơn cử như mô hình “Chuông báo nhân viên y tế” được lắp đặt tại các phòng bệnh; tủ áo quần cho bệnh nhân; giường bệnh chăn ga, gối đệm; nhà ăn cho bệnh nhân nghèo… được triển khai, giúp đồng bào địa phương có thêm điều kiện điều trị bệnh, cũng như an tâm chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cũng là bệnh viện tuyến cơ sở miền núi đầu tiên được Bệnh viện Đà Nẵng chọn trở thành bệnh viện vệ tinh theo đề án của Bộ Y tế giúp hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân miền núi.