Thông tư 40 của Bộ Y tế về quy định đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT bắt đầu hiệu lực từ ngày 1.1.2016 khiến tình trạng quá tải ở Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Điện Bàn diễn ra ngày một trầm trọng.
Vào buổi sáng các ngày đầu tuần, khu tiền sảnh của TTYT thị xã Điện Bàn thường xuyên xuất hiện cảnh bệnh nhân chen chúc nhau đăng ký khám, chữa bệnh, nhà để xe của trung tâm phải tạm thời mở rộng thêm sang phía bên kia đường bởi sức chứa hạn chế. Chỉ mới hơn 8 giờ sáng, nhưng bệnh nhân đến bốc số đăng ký khám đã gần 400 người khiến người bệnh và người nhà phải ngồi chờ la liệt dưới thềm, trên bậc thang. Bà Lê Thị Nhung (trú xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn) than thở: “Trước kia nếu có bệnh thì tôi phải ra trạm y tế cơ sở trước nhưng nay theo quy định được thông tuyến thì xuống thẳng TTYT thị xã để thuận tiện hơn. Biết là sẽ đông bệnh nhân nên tôi đã cố gắng đến sớm nhưng đã chờ hơn một tiếng đồng hồ vẫn chưa đến lượt mình”.
![]() |
Người dân chen chúc chờ lấy số đăng ký khám chữa bệnh.Ảnh: QUỐC TUẤN |
Theo thống kê của TTYT thị xã Điện Bàn, từ đầu năm 2016, bình quân hơn 300 người/ngày đến khám chữa bệnh và cao điểm các ngày thứ hai trong tuần có lúc lên đến 600 - 700 người. Theo bác sĩ Ngô Thoại - Giám đốc TTYT thị xã Điện Bàn: “Sở dĩ có hiện tượng ùn ứ cục bộ bệnh nhân là vì tâm lý của bệnh nhân tập trung dồn về ngày đầu tuần, nhất là đầu giờ sáng khiến số lượng người khám chữa bệnh tăng đột biến vào thời điểm đó”. Hiện nay, trung tâm mới có 7 bác sĩ, trong khi số lượng bệnh nhân tăng cao sau thông tư 40 của Bộ Y tế nên phải hợp đồng thêm 18 nhân viên để bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh được thông suốt giải quyết ngay trong buổi cho bệnh nhân”.
Được biết nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng quá tải trong việc khám,chữa bệnh thời gian qua là bởi điều 8, Thông tư 40 của Bộ Y tế quy định: “Người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám bệnh chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điều 3 và điều 4 thông tư này, không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Được biết, qua 6 tháng đầu năm bình quân các trạm y tế phường, xã trên địa bàn thị xã Điện Bàn chỉ tiếp nhận khoảng 22 bệnh nhân/ngày khám và điều trị bằng BHYT. Con số này đã giảm đi đáng kể so với các năm trước do tâm lý bệnh nhân muốn đến thẳng TTYT thị xã khám, điều trị, ngoài ra còn chuyển tuyến dễ dàng hơn.
Hiện nay, hệ thống trang thiết bị của trung tâm vẫn chưa hoàn thiện: thiếu hệ thống nuôi cấy vi khuẩn, tủ lưu trữ bệnh phẩm, thực phẩm,… nên công tác khám chữa bệnh cho người dân vẫn còn hạn chế. Vì thế, từ đầu năm đã có hơn 12.000 bệnh nhân ở TTYT thị xã Điện Bàn được giải quyết chuyển đi các tuyến khác. Điều khá bất cập là tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (cũng nằm trên địa bàn thị xã Điện Bàn) do là bệnh viện tuyến tỉnh không nằm trong quy định thông tuyến nên người dân khám chữa bệnh bằng BHYT muốn đến cơ sở này khám chữa bệnh phải có giấy chuyển tuyến từ TTYT thị xã Điện Bàn. Điều này dẫn đến tình trạng nơi làm không hết, nơi thì rảnh rang để rồi đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người dân muốn khám chữa bệnh bằng BHYT.
QUỐC TUẤN