Không khí náo nhiệt của Lễ hội trăng rằm hay Tết trung thu đang len lỏi khắp nơi ở châu Á.
Trẻ em châu Á vui trung thu. Ảnh: grainproduction |
Lễ hội diễn ra vào ngày rằm tháng 8 (âm lịch) và năm nay rơi vào ngày 27.9 (dương dịch). Khắp nơi từ Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan… đang diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi hướng về ngày trăng được cho là tròn nhất trong năm. Mặc dù mỗi nền văn hóa mang bản sắc riêng, với những tên gọi khác nhau dành cho Lễ hội trăng rằm nhưng tất cả đều mang ý nghĩa thành kính trước vầng trăng - một biểu tượng cho hòa bình và thịnh vượng. Những mâm cỗ thờ cúng trăng, tổ tiên, ông bà để tưởng nhớ những người đã khuất, cho mọi người được ấm no, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống cùng với những vụ mùa bội thu. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy đón trăng.
Bánh trung thu được xem là một trong những hồn cốt của lễ hội. Bánh trung thu mỗi nước tuy có khác nhau đôi chút về hình dáng, hương vị, nguyên liệu như tại Nhật Bản, ngày Tết trung thu là ngày của bánh Tsukimi Dango có hình dạng khá giống với bánh trôi nước với lớp vỏ dai và dẻo. Bánh trung thu tại Thái Lan cũng giống với Việt Nam nhưng có phần mỏng, dẹt hơn và nhân bánh được yêu thích nhất tại đây là nhân sầu riêng; trong khi bánh trung thu Việt Nam hay Trung Quốc thường có nhân đậu xanh, đậu đen hay khoai. Nhưng tất cả đều có vị ngọt lịm như tình yêu thương của các thành viên trong gia đình, tròn trịa như mong ước về cuộc sống viên mãn, hạnh phúc.
Theo phong tục, những chiếc bánh trung thu sẽ được cắt thành nhiều lát để chia sẻ cho các thành viên trong gia đình, nhất là các em nhỏ sẽ luôn hào hứng. Ngày nay, chiếc bánh trung thu còn là quà tặng yêu thương, chúc may mắn cho bạn bè, người yêu thương, ông chủ, các đối tác kinh doanh, nên ý nghĩa về chiếc bánh trung thu vẫn luôn mong được gìn giữ như hồn cốt của lễ hội trăng rằm. Ở xứ sơ kim chi - Hàn Quốc, Tết trung thu là sự kiện lớn và cũng được gọi là ngày lễ tạ ơn của người Hàn. Nhiều nơi đón lễ đến 3 ngày để họ có thời gian thăm hỏi bạn bè và người thân.
Khi trăng rằm soi tỏ muôn nơi, tiếng trống múa lân, sư tử náo nhiệt, rộn ràng khắp các con ngõ gõ cửa mọi nhà, cầu chúc các gia đình gặp nhiều may mắn trong năm tới, các em nhỏ thì cầm trên tay những chiếc lồng đèn thật lung linh. Ngày nay, chiếc lồng đèn đa dạng về hình thù, màu sắc và chất liệu với nhiều ý nghĩa khác nhau, được treo khắp nẻo đường, nhưng hình ảnh tiêu biểu của lễ hội vẫn là lồng đèn cá chép với ý nghĩa cầu cho nhân hòa, vật thịnh và các em sẽ có rất nhiều điểm tốt ở trường lớp. Trẻ em Nhật Bản cũng thường tham gia vào lễ hội rước cá chép - tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai. Đèn bươm bướm cầu mong cho tuổi thọ dài lâu hay lồng đèn thỏ như biểu tượng mặt trăng, còn đèn ông sao như tấm lòng trong sáng và chân thành của trẻ em.
QUỐC HƯNG