Chỉ vài ngày nữa là vào hội trung thu. Tết Trung thu xưa còn được gọi là Tết Trông trăng, hay Tết Đoàn viên, bởi hội diễn ra trong ánh trăng rằm tháng tám, quây quần cả gia đình, tộc họ, làng xã. Mang máng nhớ một không gian trung thu đầy hương cốm, ngọt lịm hương na, quả hồng trong tác phẩm “Trên sông truyền hịch”. Đó là thời mà Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo tổ chức cái Tết Trung thu cho trẻ em ở Vạn Kiếp, trước khi gót ngựa Nguyên Mông tràn đến. Ngày đó, hội trung thu có biểu diễn võ thuật, múa lân, quà chỉ là thứ bánh tự làm cùng hương trái quả của những khu vườn. Xa xưa hơn nữa, theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Nền văn minh lúa nước của đồng bằng châu thổ sông Hồng đã in dấu ấn vào những lễ hội, tín ngưỡng, phong tục rất sớm.
Lớp chúng tôi, tuổi chừng U50, Tết Trung thu còn in trong ký ức những hồn nhiên, thơ ngây. Trong những năm bao cấp, dẫu đói kém, nhưng hội trung thu là dịp được thưởng thức quà bánh do hội mẹ chị làm cho. Bánh ú, bánh khô, bánh in, bánh ít… thảy đều từ những bàn tay tảo tần nhào nặn. Cây kẹo ú ngọt đường đen và vị gừng thơm ngào ngạt cùng kẹo dừa Bến Tre là thứ “sang” nhất hồi ấy.
Ngày Tết Trung thu, nghe tiếng kẻng của đội sản xuất, lũ trẻ chúng tôi ào chạy lên sân trường làng hoặc sân có nhà kho của đội, ngồi xúm xít chờ trăng lên, sau phần kể chuyện chú cuội là được nhận quà. Trong không khí ngày hội trung thu, cũng là dịp các cụ bô lão tề tựu làm lễ tế thu ở các đình, miếu của làng. Các cụ già ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị. Những câu truyền miệng kinh nghiệm quan sát thiên văn như thế còn ghi “muốn ăn lúa tháng năm, trông trăng rằm tháng tám”, “Tỏ trăng mười bốn được tằm/ đục trăng hôm rằm thì được lúa chiêm”.
Nhắc chuyện xưa để nói nay. Đâu đó trên những rẻo làng vùng sâu, hẳn Tết Trung thu cũng còn đơn sơ như thời chúng tôi ngày nào. Riêng ở nhiều nơi của thành phố, hội trông trăng dường không còn sáng trong như ký ức. Bởi cái gì cũng quy ra tiền và đóng góp bằng tiền, rồi kẹo bánh chỉ là thứ hàng công nghiệp bày sẵn ở cửa hàng đến mua về phát là xong. Trẻ em thành phố ngày nào đi siêu thị cũng có thể ăn bánh kẹo được, vậy nên đến ngày Tết Trung thu cảm thấy ớn khi lại nhận những thức quà quen. Dĩ nhiên, các hãng bánh kẹo cũng ra sức khuyến mãi, tiếp thị vì đó là dịp làm ăn. Thống kê của một trang mạng cho biết tổng lượng bánh trung thu tiêu thụ mỗi năm ước khoảng 6.500 - 6.800 tấn; với mức giá bình quân của 1 hộp bánh loại 220 - 250gr khoảng 100.000 - 130.000 đồng, người tiêu dùng đã tiêu hết hơn 800 tỷ đồng cho khoảng 7 triệu hộp bánh. Và, do các hộp bánh quá đắt, người nghèo mua không nổi, còn người mua làm quà tặng thì… quà cứ chạy lòng vòng từ người nọ sang người kia.
Hoàn toàn không nhắc chuyện cũ một thời để như lời ước sáo “bao giờ trở lại ngày xưa?” mà bài bác chuyện nay. Nếu có thêm điều kiện vật chất để lo Tết Trung thu cho tươm tất là tốt rồi. Nhưng quá nặng chuyện đóng góp để có quà bánh sang kiểu thế thì thật phiền. Cũng như, chuyện múa lân, xưa chỉ tự dán đầu lân sư tử, múa cốt vui, bà con thưởng gì nhận nấy. Nay, thì múa lân cũng “chuyên nghiệp hóa” với những đội lân hùng dũng đủ điện đài, và đặc biệt sẵn sàng xông vào nhà người ta như… xông trận, cốt kiếm tiền. Chuyện từng có dư luận phê bình, liệu mùa trung thu này còn không?
ĐĂNG QUANG