Trung thu trong sân nhà mình

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 19/09/2021 06:19

Bé Mây lôi từ xó nhà ra món đồ chơi từ trung thu năm ngoái. Đó là con chó nhựa đã bị cụt mất đuôi, hết pin và bong tróc sơn. Mây nhớ chú chó này được mẹ mua tặng hai chị em khi cả nhà đi đón trung thu ở sân nhà văn hóa thị xã. 

 

Tối đó đông vui quá chừng, Mây chơi không biết mệt. Em Mộc mới biết đi đã nhào vào ôm lấy đầu lân. Đoàn múa lân đứng lại, Mộc vừa gõ trống vừa cười khanh khách. Còn chiếc gậy phát sáng này là phần quà Mây nhận được khi tham dự đêm trung thu ở công ty bố. Mây đứng trên sân khấu giơ phần quà chiến thắng hãnh diện đưa mắt tìm bố mẹ trong đám đông phía dưới. Con hát suốt dọc đường về, vui sướng thủ thỉ: “Ước gì một năm có tận mấy ngày trung thu mẹ nhỉ”. Một năm dài ơi là dài, chờ đợi mãi cuối cùng trung thu năm nay cũng sắp đến. Mây bảo:

- Em Mộc lớn nhanh quá mẹ nhỉ. Bộ quần áo em mặc trung thu năm ngoái đã chật rồi này.

- Để hết giãn cách mẹ đi mua quần áo mới cho các con nhé.

- Có phải năm nay dịch bệnh chúng con sẽ không được đi chơi trung thu không mẹ?

Dịu xoa đầu con, nhìn ra ngoài cánh cửa cổng nhiều ngày nay luôn khép kín. Kể từ khi có dịch hai đứa nhỏ không được ra ngoài. Dịu ngồi trong nhà làm việc ngó ra sân thấy hai dáng ngồi bé nhỏ của con tạc vào buổi chiều mùa thu đẹp mà buồn. Đã nhiều ngày nay các con mang ghế ra sân nhìn ra ngoài đường. Phía bên kia đường người ta bịt kín tôn tạo hàng rào phân cách để làm dự án khu đô thị. Trước kia từ nhà nhìn ra luôn thấy cánh đồng bát ngát xanh. Mùa lúa chín vàng, mùa ngô trổ cờ rì rào trong gió. Mấy tháng trước cánh đồng còn là nơi thả diều mỗi chiều của người lớn, trẻ em tụ về đông nghịt. Ấy vậy mà giờ chỉ còn thấy màu trắng của hàng rào tôn hiện ra, trắng đến nhức mắt.

Hai đứa nhỏ ngồi nhìn qua cửa sắt chơi trò đếm những chiếc xe vụt qua nhà. Nắng hắt qua hàng rào, qua tán lá gấc đọng thành từng đốm lấp lóa trên lưng tụi nhỏ. Dịu nghe thấy tiếng con thủ thỉ: Em ngoan nhé. Khi nào hết dịch mẹ sẽ dẫn cả nhà đi chơi đấy. Em thích đi đâu nào? À em thích đi biển à? Chị cũng chưa được đến biển bao giờ, chỉ nhìn thấy trên tivi thôi... Mấy chú chim sâu luồn qua song sắt hàng rào vào sân nhặt mẩu vụn bánh mì mà bé Mộc vừa vứt vung vãi khắp nơi. 

Chiếc xe máy dừng ở cổng, Du vừa đi mua thêm lương thực sau một tuần ở riết trong nhà. Hai đứa nhỏ nhảy cẫng lên sung sướng: Bố về! Bố về rồi. Du lấy bình xịt khuẩn để sẵn trên cột cổng xịt khắp người. Anh bảo các con: “Người bố bẩn lắm. Để tắm xong bố chơi với các con”. Dịu quay vào căn bếp nhỏ của mình vui với liu riu rau củ, cá cơm. Lúc quay ra đã thấy Du ngồi chụm đầu bên hai đứa nhỏ sửa đồ chơi. Con chó đồ chơi chỉ cần lắp pin vào là chạy kêu inh ỏi váng nhà, quả cầu trên lưng nó phát sáng xanh, đỏ loang lổ khắp sân. Hai đứa nhỏ nhảy cẫng lên sung sướng. Tiếng cười trong trẻo của con gợi nhớ về những cái tết trung thu thời thơ ấu của Du.

Hồi ấy trẻ con không có đồ chơi đẹp, cũng không có nhiều quà bánh như bây giờ. Tết Trung thu nào cũng có buồng chuối ngoài vườn, mấy quả bưởi mọng nước, ít hồng chín trên cây. Mẹ mua thêm cặp bánh hình con cá, một nướng, một dẻo, cất trong hòm đạn cũ, thêm ít kẹo hoa quả là thành tết tưng bừng của trẻ thơ. Mâm cỗ trung thu nhà nào cũng như nhà nào, từng ấy thứ. Trẻ con háo hức trước cả tuần trời. Mấy anh em Du chơi ngoài vườn nhưng cứ thi thoảng lại chạy vào mở chiếc hòm đạn cũ hít hà chiếc bánh hình con cá. Buổi trưa trốn bố mẹ chặt tre vót nan làm lồng đèn ông sao. Hì hụi mất mấy ngày mới làm xong, bọc giấy bóng kính đỏ, vàng, xanh là mang đi khoe khắp xóm. Đèn làm từ hộp xà phòng cũng lung linh không kém. Chỉ cần đục mấy lỗ, châm ngọn nến là thấy như cổ tích ùa về. Những nắm hạt bưởi được để dành phơi khô mang xâu thành một tràng dài. Tối trung thu đốt lên nổ lét đét, mùi dầu hạt bưởi tỏa ra thơm phức. Trăng hồi đó như tròn hơn, cao hơn bây giờ. Vì ngày đó trăng soi xuống cánh đồng, những con đường thênh thang, những mái nhà thấp bé. Trẻ con cả xóm cùng ùa ra đường, trên tay đứa nào cũng cầm đèn trung thu đi thành từng đoàn đến phá cỗ hết nhà này đến nhà kia. Tiếng cười vang trên khắp nẻo đường quê. Trong túi áo túi quần những chiếc kẹo cũng lạo xạo theo từng bước chân tung tăng, nhảy nhót. Thế mà giờ các con sắp phải đón trung thu trong những cánh cửa khép kín này. Dịu đang gập quần áo quay sang bảo chồng:

- Hôm nay anh Phương bảo vẫn tổ chức trung thu cho các cháu.

- Trời ạ, đang giãn cách mà tổ chức gì chứ?

- Anh ấy bảo tập trung ở nhà mình rộng nhất, đóng cửa vào rồi tổ chức. Phía sau là cánh đồng, chắc chẳng ai để ý đâu. Đặt ít bánh kẹo cho các cháu, mua hải sản về nướng cho anh em nhậu. Anh ấy kêu lâu không được nhậu.

- Không được, cả xóm mấy chục con người… Ừ thì đang khỏe mạnh nhưng biết đâu chừ phát bệnh thì sao? Hơn nữa ai cũng như thế thì chống dịch kiểu gì? Bao giờ mới hết dịch? Tốt nhất vợ chồng mình cứ tự giữ gìn để bảo vệ bản thân.

Dịu vẫn còn nhớ cảm xúc lặng người khi xem một chương trình đặc biệt về lằn ranh sinh tử của bệnh nhân Covid. Chị luôn nghĩ cả gia đình còn mạnh khỏe trong cơn đại dịch là may mắn lắm rồi. Biết bao người ngoài kia phải dùng đến máy thở mới có thể tồn tại được. Biết bao người không có cơ hội để nghĩ đến ngày mai. Trung thu năm nay chắc hẳn sẽ buồn hơn mọi năm nhưng nhất định Dịu sẽ biến nó thành một mùa trăng đặc biệt cho các con mình. Chị mở tủ bếp, tìm bộ khuôn bánh đặt mua đã lâu mà chưa có dịp dùng đến. Nhà còn bột mì, trứng muối, hạt sen và các loại đậu thì lúc nào cũng sẵn. Thiếu một vài phụ liệu cũng không sao. Nghĩ vậy Dịu rủ các con bắt tay làm bánh. Nhà vui như có hội. Bột bánh bay tung tóe khắp nơi. Ngó đôi má bống, chiếc mũi tẹt của con dính bột Dịu thấy đáng yêu quá chừng. Bánh mẹ, bánh con. Cục bột méo, bột tròn. Nhân trứng muối, đậu đỏ, đậu xanh. Như trò chơi đồ hàng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng đều háo hức.

Gió thu trong lành, len lén thổi qua cửa sổ. Trên bếp liu riu nồi thịt kho tàu, cá kho tiêu. Khoảnh khắc bình dị này lâu lắm rồi Dịu chưa có được. Công việc thường cuốn Dịu đi, có khi gập máy tính lại đã thấy nắng tàn. Vội vàng luồn lách giữa dòng người để đến trường đón con. Thấy trường vắng tanh, còn mình con lơ ngơ ngồi ngóng mẹ. Trước đây Dịu chưa từng cùng con làm bài tập thủ công. Chưa từng cùng con cắt hoa, làm bánh, trồng cây hay những việc khác mà con thích. Bé Mây luôn nói: “Bố mẹ đều làm việc của mình. Em thì còn nhỏ. Con chẳng biết chơi cùng ai cả. Con chỉ muốn em Mộc lớn nhanh nhanh”. Ba mẹ con chụm đầu nhau ngó vào lò bánh. Hai đứa nhỏ ríu rít: “Mẹ ơi! Bánh vàng rồi kìa; mẹ ơi bắt đầu có mùi thơm; mẹ ơi bao giờ thì bánh chín?”.

Mâm cỗ trung thu được chuẩn bị từ sáng sớm. Bánh đã nướng sẵn. Đu đủ chín cây, chỉ cần thò tay qua hàng rào là hái. Ngoài vườn có thêm quả bưởi bói năm đầu, quả dưa hấu tự trồng bé như chú lợn con. Mâm quả đặt ở giữa nhà làm mẫu cho Mây học vẽ tranh tĩnh vật. Du lôi đống đồ chơi cũ của con ra giữa sân ngồi sửa. Thứ thì thay pin, thay ốc, nối dây điện, thứ thì dùng keo dán lại. Đồ chơi cũ để lâu lại thành đồ chơi mới. Nhìn các con chơi Dịu ước gì người lớn cũng nhìn đời đơn giản như lũ nhỏ. Trên tivi bài hát “Đêm trung thu” đã vang lên. Bé Mộc nhảy theo từng điệu nhạc: “Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình/ Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh/ Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng/ Dưới ánh trăng vàng đoàn ta cất tiếng hát vang”.

Bóng tối buông xuống, trăng bắt đầu nhô lên từ rặng núi phía xa. Mây ngó qua hàng rào, qua tán lá lao xao nhìn trăng tròn vành vạnh. Mây trèo lên cầu thang ngắm trăng qua cửa sổ. Mây lên sân thượng thấy trăng treo lơ lửng trên đầu. Chị em Mây chạy từ góc sân này đến góc sân kia, khúc khích hỏi:

- Sao bọn con đi đâu ông trăng cũng đi theo vậy mẹ?

- À! Vì ông trăng yêu những đứa trẻ ngoan, nên ông đi theo để soi đường cho đỡ vấp.

Trung thu này không có múa lân. Không có trống, không rước đèn ngoài phố. Nhưng Du như được sống lại phần nào mùa trung thu trong ký ức của mình. Trong trẻo, hồn nhiên qua từng tiếng con cười. Dịu cắn miếng bánh nhỏ chờ hương vị tan dần trong miệng. Chiếc bánh trung thu trong mua dịch có thêm vị của sum vầy và hạnh phúc giản đơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trung thu trong sân nhà mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO