Những ý kiến trái chiều về diện mạo Chùa Cầu hiện tại cho thấy chuyện trùng tu di tích chưa bao giờ đơn giản. Đặc biệt, với các công trình kiến trúc có giá trị biểu tượng cao càng phải thận trọng. Sau những tranh cãi từ nhiều phía, có lẽ mở ra nhiều bài học về nguyên tắc trùng tu di sản và ứng xử với công luận.
Trùng tu Chùa Cầu - bài bản, khoa học
Ngay từ đầu, lần trùng tu Chùa Cầu này đã gặp “sóng gió” với 2 luồng quan điểm “sàn Chùa Cầu cong hay thẳng”. Thậm chí dự án phải tạm dừng để lấy ý kiến người dân và các bên liên quan.
Kết quả sàn Chùa Cầu vẫn cong mặc dù từ năm 1915 đến năm 1986, là sàn thẳng. Nhưng từ năm 1986 đến nay có hình dáng cong (còn trước năm 1915 cong hay thẳng thì không có tư liệu rõ ràng). Đặc biệt, sóng gió tiếp tục nổi lên mạnh mẽ khi khu nhà che được tháo dỡ làm xuất lộ một Chùa Cầu với màu sắc tươi mới.
Qua nhiều lần trùng tu
Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản (hoặc Lai Viễn Kiều), dài 20,4m, rộng 13m, cao 5,7m, bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh gồm phía nam là cây cầu có mái che nối liền trục giao thông chủ đạo của khu phố cổ, liền kề phía bắc là ngôi miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ (Huyền Thiên Đại Đế) là vị thần có chức năng trị thủy. Cầu và miếu có kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói âm dương, sàn lát ván dày, trụ cầu được xây bằng đá.
Với những giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc nghệ thuật và văn hóa tín ngưỡng, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được Viện Viễn Đông Bác cổ liệt hạng cấp quốc gia cùng với 2 di tích khác ở Hội An là chùa Bà Mụ - Ông Chú và Hội quán Triều Châu. Hình ảnh Chùa Cầu cũng từng được in trên bưu thiếp thời Pháp thuộc.
Theo tư liệu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, từ khi được xây dựng đến ngày nay, mặc dù được cộng đồng cư dân Hội An gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn nhưng các sử liệu cũng cho biết Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 7 lần trùng tu lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.
Dưới thời Pháp thuộc, Chùa Cầu được chính quyền và cộng đồng cư dân tiến hành tu bổ. Quá trình tu bổ được khắc ghi trong 3 bia đá và xà cò hiện còn tại di tích. Thời chính quyền Việt Nam cộng hòa, khoảng năm 1962, Chùa Cầu được tu bổ, thay thế và gia cố những cấu kiện bị mục nát.
Lần tu bổ Chùa Cầu vào năm 1986 được tiến hành từ tháng 8 đến tháng 10, do Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) phối hợp UBND thị xã Hội An (nay là UBND thành phố Hội An) thực hiện. Hạng mục tu bổ gồm trùng tu phần mái, phục hồi sàn cầu như hiện nay. Năm Bính Tý (1996), Chùa Cầu tiếp tục được UBND thị xã Hội An (nay là UBND thành phố Hội An) tiến hành tu bổ. Hạng mục tu bổ gồm xây lại ½ trụ phía tây, đúc dầm tường phía bắc.
Ngày 24/7/1999, Hội nghị tư vấn trùng tu Chùa Cầu được tổ chức với sự quan tâm của nhiều chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn di sản kiến trúc trong nước. Trong hơn một thập niên tiếp theo, những nội dung liên quan đến việc tu bổ cứu nguy Chùa Cầu liên tục được thảo luận, bàn bạc. Song, xuất phát từ quan ngại sẽ làm Chùa Cầu “mới đi và trẻ ra”; cũng như chưa tìm được giải pháp phù hợp nhất cho việc trùng tu công trình mang tính biểu tượng, có giá trị đặc sắc như Chùa Cầu, nên trong thời gian dài, việc tu bổ chỉ dừng lại ở mức gia cố, chống đỡ để tránh nguy cơ sụp đổ di tích.
Năm 2016, trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Chùa Cầu, Hội thảo quốc tế về trùng tu Chùa Cầu được tổ chức với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản. Kết quả hội thảo dù chưa đưa ra giải pháp cho từng vấn đề cụ thể nhưng đã đi đến thống nhất quan điểm chung là Chùa Cầu cần thiết và cấp thiết phải được xây dựng một dự án trùng tu tổng thể, căn cơ vì mục tiêu gìn giữ nguyên vẹn và lâu dài giá trị di tích.
Từ đó, công tác chuẩn bị tu bổ Chùa Cầu được tập trung đẩy mạnh trên nhiều phương diện về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; khảo sát, khảo cổ đánh giá tình trạng kỹ thuật, dấu vết nguyên trạng; vẽ ghi, số hóa kiến trúc; xác định quan điểm, nguyên tắc, giải pháp tu bổ; tham vấn chuyên gia; tổ chức lập, thỏa thuận, thẩm duyệt hồ sơ…
Ngày 28/12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ, tổng kinh phí dự toán khoảng 20 tỷ đồng do UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư. Sau hơn 19 tháng thi công, dự án tu bổ Chùa Cầu (TP.HộiAn) hoàn thành.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trùng tu
KTS. Đặng Khánh Ngọc – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL), dưới góc nhìn chuyên môn, cho rằng vấn đề đáng quan tâm nhất của dự án không phải màu sắc bên ngoài đậm nhạt mà chính là quy trình triển khai trùng tu Chùa Cầu có đảm bảo hay không.
Và, điều này diễn ra khá bài bản, đầy đủ, nhất là khâu chuẩn bị hồ sơ, tư liệu, tham vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức thẩm định hồ sơ… Thậm chí, ngay từ đầu các chuyên gia Nhật Bản đã tham gia khảo sát, đánh giá hiện trạng, kỹ thuật, dấu vết nguyên trạng, hồ sơ trùng tu di tích Chùa Cầu. Đồng thời trải qua quá trình dài phê duyệt của nhiều cơ quan quản lý chuyên môn nên có thể khẳng định quan điểm, giải pháp trùng tu đảm bảo.
Các quy định của Luật Di sản văn hóa đều nhấn mạnh, yêu cầu cốt lõi của trùng tu di tích chính là bảo tồn tối đa các yếu tố gốc công trình. Tuy nhiên, yếu tố gốc là gì? Kết quả trùng tu như thế nào?... thì phải dựa trên hồ sơ và ý kiến đánh giá chuyên môn, kể cả trình độ, cách nhìn nhận vấn đề của người đánh giá.
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, quan điểm cơ bản trong tu bổ di tích Chùa Cầu chính là thực hiện đồng thời bảo tồn giá trị và duy trì chức năng của di tích. Nên, bên cạnh đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn đặc điểm, các giá trị của di tích, các giải pháp can thiệp đều hướng tới đảm bảo gia tăng độ ổn định, bền vững lâu dài cho Chùa Cầu, duy trì toàn vẹn công năng từng thành phần cấu thành (chùa, cầu) của di tích.
Kết quả quá trình trùng tu đã giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu đảm bảo sự ổn định lâu dài cho di tích; loại bỏ các yếu tố gây hại đến hệ khung gỗ, cấu trúc cơ bản của Chùa Cầu và hệ thống nền móng chịu lực, bờ kè bảo vệ đảm bảo sự ổn định tổng thể công trình.
Cùng với đó, việc nghiên cứu bổ sung giải pháp gia cường kết cấu theo hướng giảm thiểu, cách ly những chấn động do hoạt động giao thông, ngăn ngừa tác động, ảnh hưởng xấu đến độ ổn định của di tích nhưng vẫn giữ lại tối đa các thành phần, cấu kiện cổ và cũ.
Trong điều kiện bắt buộc phải thay thế thì sử dụng những chủng loại vật liệu tương tự vật liệu gốc.
Đặc biệt, công khai hóa phần mới thay vào, bộc lộ rõ quan điểm và kỹ thuật trùng tu, để chúng tự nhuốm màu thời gian một cách tự nhiên, không gượng ép. Tái sử dụng tối đa ngói lợp và trang trí nề ngõa trên mái bởi đây là nhân chứng của thời gian, của các đợt duy tu trước đây.
KTS. Đặng Khánh Ngọc nhìn nhận, việc tăng cường sức chịu đựng bền vững cho Chùa Cầu trong điều kiện hoạt động đón khách với số lượng lớn như hiện nay chính là một phương pháp gia cố gia cường được cho phép bởi nó nằm bên dưới và không làm thay đổi hình ảnh Chùa Cầu.
“Với trình độ công nghệ, kỹ thuật như hiện nay không di tích nào không thể trùng tu được. Do đó, vấn đề khó nhất trong trùng tu Chùa Cầu cũng như bất kỳ di tích nào không phải giải pháp kỹ thuật mà chính là việc thống nhất quan điểm, nhìn nhận nó như thế nào” - ông Ngọc chia sẻ thêm.
Một “công xưởng” trùng tu di tích
Quá trình tu bổ gắn với phát huy giá trị di tích ở Hội An những năm qua đã trở thành một phần của nhịp sống thường nhật, giúp hệ thống di tích ở đô thị cổ này trường tồn theo thời gian.
“Thổi hồn” vào di tích
Cổng chùa Bà Mụ là tổ hợp công trình kiến trúc văn hóa tín ngưỡng Cẩm Hà cung – Hải Bình cung, được đánh giá một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu, quan trọng của Hội An xưa do cộng đồng người Minh Hương tại Hội An xây dựng. Năm 1930, Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp đã đưa di tích này vào danh mục cổ tích liệt hạng, là công trình kiến trúc bậc nhất Quảng Nam cùng với hai di tích khác ở Hội An là Chùa Cầu và Hội quán Triều Châu. Dù vậy, qua thăng trầm thời gian, di tích gần như là phế tích, chỉ còn lại hạng mục cổng ra vào.
Cuối năm 2018, công trình Cổng chùa Bà Mụ - thuộc dự án đầu tư Bảo tồn, tu bổ cấp thiết các di tích có nguy cơ sụp đổ trong Khu phố cổ Hội An được khánh thành. Qua hơn 5 năm đưa vào hoạt động, di tích này hiện đã trở thành một điểm nhấn mới của khu phố cổ, thu hút đông đảo du khách ghé thăm, chiêm ngưỡng và đánh giá cao về kiến trúc trùng tu. Gần đây, một số sự kiện văn hóa - du lịch quan trọng cũng được thành phố Hội An tổ chức tại di tích này như đón đoàn khách quốc tế đầu tiên trong năm 2024, chương trình biểu diễn violin của nghệ sĩ Maestro Vilmos Oláh (Hungary), trình diễn “Hội An - sắc màu của lụa”…
Đó chỉ là một trong những điển hình về việc di tích ở Hội An được trùng tu đảm bảo tính chân xác, đồng thời phát huy giá trị, được công chúng đón nhận. Một số di tích khác được tu bổ trong những năm gần đây và dần trở thành điểm đến được nhiều du khách ghé thăm, tìm hiểu so với trước đây như: đình Hội An (đình Ông Voi), Nhà lao Hội An, nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh (đường Trần Phú), chùa Hải Tạng, Miếu tổ nghề yến… và nhiều ngôi nhà cổ trong khu vực I của Khu phố cổ Hội An.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Hội An có 1.439 di tích thuộc đủ 4 loại hình theo phân loại của Luật Di sản văn hóa và các nghị định, thông tư liên quan. Ngoài Khu phố cổ được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, trong số 1.439 di tích được thống kê, có 27 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 49 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 104 di tích ghi danh trong danh mục bảo vệ của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2024.
Thực tế, một số công trình tu bổ di tích ở Hội An đã được UNESCO châu Á - Thái Bình Dương trao tặng giải thưởng như: “Giải thưởng Công trạng” cho nhà thờ tộc Trương về bảo tồn công trình văn hóa vào năm 2004; “Giải thưởng Danh dự” cho nhà thờ tộc Tăng về bảo tồn công trình văn hóa vào năm 2009…
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, hệ thống di tích từ lâu đã được TP.Hội An nhìn nhận là nguồn tài nguyên quý giá để thúc đẩy du lịch phát triển, không chỉ trong phạm vi phố cổ mà lan tỏa, kết nối ra khu vực ven đô. Trên nền tảng hệ thống di tích, Hội An luôn đặt vấn đề bảo tồn để phát triển và phát triển tạo động lực bảo tồn.
Tu bổ đa mục tiêu
Thực tế, việc trùng tu di tích tại Hội An không hề dễ dàng. Yêu cầu tu bổ phải đảm bảo vật liệu truyền thống nhưng hiện nguồn vật liệu gỗ rất khan hiếm do chính sách đóng cửa rừng. Vật liệu ngói thay thế không sản xuất được theo kỹ thuật truyền thống vì yêu cầu bảo vệ môi trường…
Điển hình công trình Cổng chùa Bà Mụ, trong các vật liệu xây dựng truyền thống dùng tu bổ di tích này, nhiều nguyên liệu chế tạo khá hiếm trên thị trường, phải tìm mua ở các khu vực khác trong tỉnh hoặc các tỉnh khác. Quá trình chế tạo vật liệu cũng khá phức tạp, phải làm bằng thủ công và trải qua nhiều công đoạn.
Một thách thức nữa là trong khi yêu cầu tu bổ cần gìn giữ tối đa yếu tố gốc thì chủ di tích mong muốn thay thế cấu kiện, chi tiết hơn là giải pháp chắp nối; nhu cầu thay thế vật liệu lát nền, vữa xây… của chủ di tích khi tu bổ so với hiện trạng công trình.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói: “Từ lâu, tất cả di tích ở Hội An đều được kiểm kê, thẩm định, phân loại để bảo tồn với 5 cấp độ xếp hạng. Từng cấp độ di tích sẽ có quy định, quy chế sửa chữa khác nhau. Đối với các di tích loại đặc biệt và loại I, khi tiến hành tu bổ thì phải do Trung tâm làm chủ đầu tư. Điều này nhằm quản lý chặt chẽ để gìn giữ tối đa yếu tố gốc chứ không chỉ đơn thuần hỗ trợ kinh phí cho tư nhân tự sửa chữa”.
Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn ngân sách, Hội An đã đầu tư tu bổ, tôn tạo hơn 20 di tích kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng liên quan đến lịch sử hình thành các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn, trong đó có nhiều di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể. Qua tu bổ, nhiều di tích được phát huy tốt, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng vừa là điểm tham quan lý thú cho du khách trên hành trình trải nghiệm các làng nghề, làng quê tại Hội An.
Bà Phạm Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, sự phối hợp giữa nhà nước và chủ sở hữu trong bảo vệ, tu bổ di tích ở Hội An được đánh giá là kinh nghiệm điển hình về trùng tu di sản. Hội An đã triển khai rất tốt trong quan điểm phát triển khi lấy di tích, di sản vừa là nguồn lực lẫn mục tiêu bảo tồn, qua đó khi nhắc đến thương hiệu du lịch di sản, người ta thường nghĩ ngay về Hội An.
Chờ Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam
Mỗi năm, nguồn lực dành cho công tác bảo tồn, trùng tu các di tích của Quảng Nam khá lớn, tuy nhiên với ngân sách nhà nước phân bổ như hiện nay khó thể đáp ứng tất cả yêu cầu…
VIỆC thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý, thu hút thêm nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, giúp triển khai hiệu quả các dự án tu bổ, trùng tu di tích xuống cấp trên địa bàn tỉnh, nhất là 2 di sản văn hóa (DSVH) thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Chủ động
Năm 2004, Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) thành lập Quỹ trùng tu phát triển Mỹ Sơn. Hàng năm, đơn vị trích lại 25% tiền bán vé (Nghị định 60 của Chính phủ) nhập vào quỹ nhằm thực hiện các công việc xây dựng hạ tầng, gia cố sửa chữa nhỏ, trùng tu, bảo tồn di tích...
Sau 20 năm triển khai, Quỹ trùng tu phát triển Mỹ Sơn mang lại hiệu quả khá rõ nét. Nhiều hạng mục tu bổ, trùng tu nhỏ như định vị các thành phần kiến trúc, gia cố tường bao, sắp xếp hiện vật, vệ sinh tường tháp… được đơn vị chủ động thực hiện kịp thời. Đặc biệt, việc đối ứng vốn triển khai các dự án trùng tu lớn cũng nhanh chóng, thuận tiện. Chỉ riêng 5 năm thực hiện dự án Bảo tồn các nhóm tháp H,K,A (2017-2022) tổng số tiền đối ứng trích từ Quỹ trùng tu phát triển Mỹ Sơn khoảng 5 tỷ đồng.
Tính đến đầu tháng 7/2024, Quảng Nam có 458 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 67 di tích quốc gia và 387 di tích cấp tỉnh. Không ít di tích trong số này đã và đang xuống cấp cần được tu bổ cấp thiết hàng năm, nhất là tại quần thể 2 DSVH thế giới Hội An và Mỹ Sơn.
Do đó, yêu cầu về nguồn lực bảo tồn rất lớn. Tại đô thị cổ Hội An, mặc dù mỗi năm đều trích lại khoảng 50% - 70% tiền thu bán vé tham quan dùng vào việc tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ trùng tu đối với di tích tập thể, tư nhân nhưng xem ra không đáng kể bởi chi phí trùng tu khá lớn (thấp nhất khoảng 5 tỷ đồng) nên mỗi năm chỉ đủ trùng tu 7 - 10 di tích nhà cổ.
Thống kê cho thấy, Hội An còn khoảng 150 di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, trong số này hơn 20 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão
Cấp thiết lập Quỹ Bảo tồn di sản Quảng Nam
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, bên cạnh các thành tựu, công tác bảo tồn di tích vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn liên quan đến các văn bản quy định của nhà nước như về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh...
Cạnh đó, do thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ nên hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh luôn đối diện nguy cơ hư hại, xuống cấp, nhất là đối với các di tích trong không gian di sản văn hóa thế giới.
Ngân sách nhà nước dành cho đầu tư tu bổ di tích hàng năm chưa thể đáp ứng yêu cầu, vì vậy, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam sẽ tạo cơ chế, cơ sở pháp lý trong việc huy động, quản lý và sử dụng kinh phí để bảo tồn, tu bổ các di tích, đặc biệt đối với hai DSVH thế giới Hội An và Mỹ Sơn.
Vấn đề này đã được Sở VH-TT&DL đề xuất trong nhiều văn bản, cuộc họp liên quan của tỉnh và trung ương. “Việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam đã được lãnh đạo tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ 2 năm trước trong chuyến công tác làm việc của Thủ tướng tại Quảng Nam (cuối tháng 3/2022). Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương, giao các bộ, ngành liên quan xem xét. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết phải chờ tổng kết, đánh giá từ Quỹ bảo tồn di sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế (về cơ sở pháp lý, vận hành…) rút kinh nghiệm trước khi triển khai nhân rộng, do vậy Quảng Nam phải chờ” - ông Hồng nói.
Hồi đầu tháng 7/2024, trong buổi làm việc với Đoàn khảo sát thực hiện chính sách pháp luật về DSVH của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam cũng đã được nhắc lại.
Ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định, Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam được thành lập là hết sức cần thiết nhằm giúp huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp bảo tồn di sản dễ dàng và kịp thời hơn.
“Như hiện nay nguồn lực xã hội nếu có đóng góp cũng không biết đưa vào đâu, nếu đưa vô ngân sách nhà nước thì khi muốn lấy ra phải đúng quy định, thủ tục rất khó. Do vậy, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam với cơ sở pháp lý rõ ràng, có ban điều hành, điều lệ hoạt động cụ thể, tài chính công khai minh bạch sẽ giúp việc huy động nguồn lực xã hội hiệu quả hơn, thủ tục phân bổ kinh phí trùng tu, bảo tồn di sản cũng nhanh gọn, dễ dàng hơn” - ông Hồng phân tích.
Vai trò của truyền thông trong các dự án bảo tồn
Câu chuyện Chùa Cầu sau trùng tu “trở nên xa lạ” đang “nóng hầm hập” trên truyền thông dòng chính lẫn mạng xã hội. Có nhiều cảm xúc xuất phát từ những người thực lòng quan tâm đến Chùa Cầu nhưng cũng có người “bắt trend” để tạo sóng trên mạng xã hội.
Theo dõi việc này, tôi thấy được nhiều điều, hay có, dở có. Nhưng với những người làm trùng tu di tích ở Hội An nói riêng, cho các dự án bảo tồn, tu bổ di sản văn hóa vật thể ở Việt Nam sau này nói chung, đó là hoạt động truyền thông trong các dự án này.
Minh bạch hóa quá trình trùng tu
Nhiều bình luận trên các bài viết về trùng tu Chùa Cầu đăng trên báo chí và mạng xã hội cho rằng: lẽ ra nên giới thiệu rộng rãi về dự án này, từ quy mô đầu tư, thời gian thực hiện, đơn vị thi công… đến việc lựa chọn phương án, nguyên tắc và kỹ thuật trùng tu và đội ngũ chuyên gia, thợ thầy… tham gia quá trình trùng tu. Nếu được vậy thì công chúng sẽ biết rõ hơn và đỡ “ngỡ ngàng” hơn khi thấy sau gần hai năm che chắn công trình để tu bổ, khi nhà bao che được tháo dỡ làm xuất lộ một “Chùa Cầu lạ hoắc” trong mắt họ.
Thực ra, cơ quan chức năng ở Hội An đã xuất bản các tờ pamphlet (tờ bìa gấp) giới thiệu dự án trùng tu Chùa Cầu với nhiều thông tin, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật… rất chi tiết và bắt mắt. Nhưng vì lý do nào đó mà những thông tin trong pamphlet ít được công chúng biết đến, trong khi công chúng lại ít có cơ hội tiếp cận hiện trường để tham quan, tìm hiểu về quá trình trùng tu Chùa Cầu.
Có một câu chuyện về việc “bạch hóa” thông tin trong quá trình trùng tu di tích Hữu Tùng tự (trong lăng vua Minh Mạng) ở Huế. Công trình này được Quỹ Toyota Foundation (Nhật Bản) tài trợ 6 triệu yên để tu bổ. Đồng thời phía Nhật cũng cử một nhóm chuyên gia do GS.TS.KTS. Shigeeda Yutaka (chuyên gia về bảo tồn gỗ của Đại học Nihon) dẫn đầu, đến Huế hỗ trợ đội ngũ thi công ở Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế trùng tu công trình này.
Trong quá trình trùng tu kéo dài từ năm 1996 đến 1998, nhóm chuyên gia Nhật Bản đề nghị Trung tâm BTDT cố đô Huế gỡ các tấm biển “Công trình đang thi công. Vô phận sự cấm vào” và thay bằng các tấm biển “Công trình đang trùng tu. Xin mời tham quan”.
GS. Shigeeda Yutaka khi trả lời phỏng vấn vào tháng 8/1996, ngay khi công trình tu bổ Hữu Tùng tự vừa khởi công nói: “Trước hết chúng tôi mong muốn du khách đến thăm lăng Minh Mạng có thể tham quan công trường trùng tu Hữu Tùng tự. Chúng tôi sẽ dựng các pa-nô thông báo rõ mục đích, quá trình và các vấn đề chính của việc trùng tu để du khách có thể hiểu được công việc chúng tôi đang làm. Chúng tôi mong muốn, nếu được, mỗi tuần vào ngày thứ Bảy chẳng hạn, Trung tâm BTDT Cố đô Huế sẽ tổ chức một cuộc thuyết minh các vấn đề trên cho du khách được rõ. Trước mắt, chúng tôi sẵn sàng cử chuyên gia giải trình các vấn đề tu bổ và cách thức lựa chọn phương pháp tu bổ mỗi khi có các chuyên gia trong và ngoài nước tới đây để tìm hiểu”.
Trong suốt 2 năm trùng tu, nhóm chuyên gia Nhật Bản và đội ngũ thi công đã làm tốt công việc “truyền thông” về quá trình trùng tu Hữu Tùng tự như GS. Shigeeda Yutaka đã đề xuất.
Mở cửa công trình trùng tu
Khi qua Nhật và Hàn Quốc tu nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa vào các năm 1997 - 1999, tôi có dịp tham quan và “học nghề” tại các công trường trùng tu di tích ở Matsue, Izumo, Nara, Iwami Ginzan… (Nhật Bản) hay Gyongbokgung, Kyongju… (Hàn Quốc). Và tôi đều thấy các nơi này mở cửa công trường trùng tu cho công chúng tiếp cận, tham quan.
Tại những nơi này, họ bố trí nhân viên làm việc trong bộ phận PR (quan hệ công chúng) của dự án để tiếp đón du khách/người dân tới tham quan, tìm hiểu. Ngoài bản ngữ, những nhân viên này còn thông thạo tiếng Anh để giới thiệu, thuyết trình và giải đáp thắc mắc của du khách.
Họ bố trí những lối đi riêng, thuận tiện cho du khách tham quan công trường trùng tu; cấp thẻ khách (visitor card) và mũ bảo hộ để khách tham quan đội khi vào công trường, hạn chế rủi ro khi không may bị té ngã hay vật liệu trùng tu rơi trúng. Đó là những kinh nghiệm rất hay mà tôi đã được trải nghiệm.
Trở lại với trường hợp trùng tu Chùa Cầu ở Hội An, chính quyền TP.Hội An và Ban Quản lý dự án trùng tu nên tiếp tục phổ biến rộng rãi thông tin về quá trình trùng tu di tích đến công chúng càng nhiều càng tốt, bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau: loan tin trên báo chí - phát thanh - truyền hình, website của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa, Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Du lịch, UBND TP.Hội An; trên mạng xã hội… để công chúng và du khách hiểu thêm về quá trình trùng tu và kết quả đạt được.
Đối với những công trình trùng tu, BTDT trong tương lai ở Hội An và Quảng Nam nói chung, cần phải thực hiện công tác truyền thông mạnh hơn nữa. Các dự án trùng tu, BTDT nên thành lập bộ phận PR để đảm trách việc này. Cần thay đổi tư duy “Cấm vào công trường trùng tu” bằng tư duy “Mời tham quan công trường đang trùng tu” như nhóm chuyên gia Nhật Bản đã thực hiện khi tham gia trùng tu Hữu Tùng tự ở lăng vua Minh Mạng.
Tại các công trường trùng tu như Chùa Cầu vừa qua, tôi đã thấy những tấm pa-nô rất lớn giới thiệu dự án trùng tu đang thực hiện. Tuy nhiên rất ít người tiếp cận hiện trường nên họ không có cơ hội đọc và biết các thông tin này. Vì thế, cần phải chuyển tải các thông tin trên những pa-nô “bất động” kia thành các thông tin “sống động”, lan truyền trên website, Facebook, Instagram, TikTok…
Như vậy, sẽ có nhiều người được tiếp cận thông tin về dự án, hiểu rõ hơn công việc các nhà chuyên môn làm để ủng hộ hay góp ý, phản biện. Điều này tránh được tình trạng khi công trình trùng tu xong, xuất diện trước công chúng khác với “hình ảnh quen thuộc” khiến họ phản ứng, thì những người có trách nhiệm lại cuống cuồng “chữa lửa dư luận” bằng những biện pháp “lợi bất cập hại”.
Nội dung: VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN - TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Trình bày: MINH TẠO