Trùng tu di tích lịch sử Dinh Bà Thu Bồn: Cộng đồng chung tay

TÂM LÊ 18/03/2016 11:03

Cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa trùng tu di tích lịch sử Dinh Bà Thu Bồn (thôn Trung An, xã Quế Trung), ngành văn hóa huyện Nông Sơn còn quan tâm phục dựng những nghi lễ truyền thống, thổi nét đẹp văn hóa tâm linh vào Lễ hội Bà Thu Bồn (12.2 âm lịch).

Chung tay bảo tồn

Từ những ngày cuối năm 2015, không khí trùng tu Dinh Bà Thu Bồn đã được khẩn trương thực hiện. Ông Trần Văn Bốn - Trưởng thôn Trung An, xã Quế Trung cho biết, Dinh Bà Thu Bồn ở thôn Trung An xây dựng đã khá lâu nên xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2015, để bảo tồn giá trị di tích, từ nhiều nguồn vốn huy động, địa phương chi hơn 1,5 tỷ đồng để làm cầu, tường rào và tu sửa dinh bà. Trong đó, vốn nhà nước đầu tư 300 triệu đồng, quỹ hương hỏa của dinh bà 220 triệu đồng, các mạnh thường quân hỗ trợ 1 tỷ đồng... Ông Bốn cũng cho biết thêm, để hoàn thành việc trùng tu Di tích Dinh Bà, nhân dân đã tự nguyện tham gia 450 ngày công, hộ ông Trần Văn Hộ và ông Quách Thủy đã hiến hơn 400m²2 đất nông nghiệp, bàn giao mặt bằng xây dựng cây cầu nối từ đường ĐT610 vào dinh bà. Sau khi công trình hoàn thành, nhân dân địa phương cũng ra quân dọn vệ sinh môi trường, dọc tuyến đường chính gắn với việc treo băng rôn, khẩu hiệu, pano tuyên truyền lễ hội.

Lăng Dinh Bà Thu Bồn vừa được trùng tu xong từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: TÂM LÊ
Lăng Dinh Bà Thu Bồn vừa được trùng tu xong từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: TÂM LÊ

Với thôn có điều kiện kinh tế khó khăn như Trung An, việc nhân dân tự nguyện đóng góp khá nhiều tiền, đất đai, ngày công lao động như vậy là một điều đáng khích lệ. Điển hình như ông Võ Hưng Khánh (58 tuổi), mặc dù làm nông, kinh tế gia đình không khá giả gì nhưng ông luôn năng nổ, nhiệt tình trong các công tác của địa phương. Vừa qua, riêng ông đã góp gần 100 ngày công để tu sửa dinh bà. Hỏi về động lực nào để làm được việc như thế, ông chỉ cười: “Dinh bà và Lễ hội Bà Thu Bồn là một nét văn hóa tâm linh truyền thống, mang nhiều ý nghĩa đối với cư dân vùng sông nước Nông Sơn. Mỗi năm nhìn di tích ngày càng xuống cấp, ai cũng xót xa, sợ rằng những nét đẹp truyền thống rồi sẽ mai một theo thời gian, con cháu dần lãng quên...  Vậy nên khi nghe đến việc triển khai trùng tu dinh bà, tôi cũng như nhân dân ở đây, ai cũng đồng tình hưởng ứng và vô cùng phấn khởi”. Phải nói rằng, những việc làm có ý nghĩa tích cực, cao đẹp như ông Khánh mang ý nghĩa giáo dục truyền thống rất cao, thể hiện tín ngưỡng, nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân.

Việc thu hút, tập hợp quần chúng đóng góp, bảo vệ Di tích Dinh Bà ở Nông Sơn trong thời gian qua đã được triển khai, thực hiện một cách hiệu quả, tạo được mối đoàn kết, gắn bó trong dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người. Đồng thời góp phần khơi thông nội lực, thúc đẩy phát triển sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản văn hóa của địa phương.

Phục dựng nghi lễ truyền thống

Năm nay, lễ hội Bà Thu Bồn ở thôn Trung An, xã Quế Trung được phục dựng theo đúng các nghi thức, phong tục truyền thống như: lễ rước sắc, rước nước, lễ tế bà, thả hoa đăng, cứu nhân độ thế, cho nước tài lộc...

Ông Trịnh Tống (80 tuổi), mười mấy năm làm Trưởng ban Lễ Bà tại Nông Sơn, luôn có niềm tin truyền thuyết về bà là có thật, sự thành tâm của ông được đặt trong những câu niệm cúng nghi ngút hương khói. Ông cho biết: “Lễ hội là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống quan trọng của người dân Nông Sơn. Thông qua lễ hội, chúng tôi mong muốn mọi người có ý thức chung tay bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời giới thiệu nét độc đáo của địa phương đến với du khách”.

Việc phục dựng các nghi thức trong lễ hội Bà Thu Bồn ở Nông Sơn năm nay có nhiều nét độc đáo, mới lạ. Nếu nghi thức rước nước trong lễ hội Bà Thu Bồn ở Duy Xuyên mọi người chuẩn bị ghe thuyền ngược dòng sông Thu lên Phường Rạnh thuộc thôn Trung An, Quế Trung (Nông Sơn) lấy nước; thì ở Nông Sơn, lễ rước nước có nét khác biệt, đó là rước nước từ Giếng Bà về Dinh Bà để cúng. Theo truyền thuyết, cũng như một số di tích còn hiện hữu như giếng bà, vườn bà, ruộng bà… thì ngày xưa bà cho quân lính đi vào ven rừng cách dinh 1km để đào giếng. Giếng có mạch nước rừng chảy ra, rất trong và mát, nước này được dùng để uống và sinh hoạt hàng ngày. Trong lễ rước nước, bên cạnh việc rước nước để cúng bà, trong đoàn rước có ba cặp khiêng nước về để người dân ai có nhu cầu xin nước tài lộc hay chữa bệnh thì nhận nước và vào dinh thắp hương khấn bà. Bên cạnh việc cho nước chữa bệnh, còn có một gian cho thuốc nam. Trước khi vào viếng hương, khách có thể xin một gói thuốc rồi cầm thuốc vào khấn để bà trị cho hết bệnh. Nghi thức này mô tả lại công trạng của bà về việc cứu nhân độ thế. Hơn nữa, những vật phẩm dùng trong lễ tế bà đều là sản vật được trồng, nuôi, và lấy từ rừng bà, vườn bà, ruộng bà giếng bà… là sản phẩm do bà con nhân dân địa phương làm ra.

Ông Nguyễn Thanh Anh, Phó phòng VH-TT huyện Nông Sơn cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng phục dựng những nghi thức truyền thống, sát gần với ý nghĩa tốt đẹp của truyền thuyết. Đồng thời xây dựng phần lễ và phần hội phù hợp với cuộc sống và phong tục tập quán của địa phương. Việc phục dựng lễ hội nhằm dựng lại một nét văn hóa truyền thống đã bị gián đoạn nhiều năm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu của cộng đồng dân cư sông nước, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương”.

TÂM LÊ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trùng tu di tích lịch sử Dinh Bà Thu Bồn: Cộng đồng chung tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO