Họ đã chọn phục hồi nguyên trạng di tích bằng những phương pháp người xưa xây dựng buổi đầu, như cách khơi gợi và xác lập nên một đường đi cho “ngành” trùng tu di tích.
Nghệ nhân Đỗ Cường - truyền nhân đời thứ 5 của tộc Đỗ làng Kim Bồng, tại công trình Tam quan Chùa Bà Mụ. Ảnh: S.A |
Thật khó để nghiên cứu “cho ra chuyện” một công trình kiến trúc hoàn chỉnh với tuổi đời lên đến hàng trăm, thậm chí ngàn năm. Vậy nên những dự phần từ thế hệ kế cận của các nghệ nhân nức tiếng xưa, với mỗi công trình lớn nhỏ, trở nên vô cùng quan trọng.
Thế hệ thứ 5 “đắp vẽ”
Phải mất đến 40 năm, Đỗ Cường – người đời thứ 5 của dòng họ Đỗ làng Kim Bồng, mới tự tin một mình nhận lãnh hạng mục đắp vẽ và phục hồi màu tường cho các công trình kiến trúc cổ của Hội An. Hiện tại anh đang thực hiện trùng tu những công đoạn này cho Tam quan Chùa Bà Mụ - một trong 3 công trình được xếp hạng di tích đặc biệt của quốc gia do Viện Viễn đông Bác cổ Pháp ghi nhận. Mặc dù chỉ còn lại đoạn tam quan, nhưng có vẻ như mọi tinh hoa góp nhặt về mặt nghệ thuật kiến trúc đều tập trung tại đây. Tìm ra một “tốp thợ” đủ khả năng phục dựng những chi tiết bị hư tổn do thời gian tàn phá, là một phần việc khá tốn thời gian của những người làm văn hóa Hội An. Tuy nhiên, sau những nghiên cứu điền dã về làng nghề truyền thống, cũng như việc trân trọng “tay nghề” của nghệ nhân, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An chọn tốp thợ của Đỗ Cường để thực hiện phần việc được coi là khó nhất của một công trình kiến trúc cổ.
Tộc Đỗ làng Kim Bồng, ngay từ thế kỷ 17-18, đã bước đầu thực hiện những công trình kiến trúc cùng người Minh Hương. Nhắc lại một chút về làng nghề cuối dòng sông Thu, nơi thực hiện phần lớn các công trình kiến trúc tại phố cổ hiện tại. Hình thành từ thế kỷ 15 bởi những người Việt đầu tiên vào khai khẩn vùng đất Cẩm Kim – Hội An thời bấy giờ. Cùng với sự phồn thịnh của thương cảng Hội An vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, nghề mộc, nghề nề Kim Bồng bắt đầu phát triển. Đến thế kỷ 18, nghề mộc Kim Bồng đã phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với ba nhóm rõ rệt: nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền mộc. Cùng với đó, nghề nề đắp vẽ, chạm trổ linh vật cũng góp phần đưa Kim Bồng trở thành tên làng hội tụ nhiều tinh hoa nghề Việt. Gia phả tộc Đỗ ghi lại khá rõ những tên tuổi đã từng được các vua nhà Nguyễn phong hàm. Từ đời này đến đời khác, tộc Đỗ làng Kim Bồng đã biết truyền dạy cháu con mình những ngón nghề đặc biệt, trong việc chạm khắc và đắp nổi hoa văn. Các lăng tẩm, đền đài tại kinh đô Huế đến quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An, phần lớn do hiệp thợ nề tại Kim Bồng đảm trách.
Đỗ Cường là truyền nhân đời thứ 5, với nhiều năm theo ông nội đi từ công trình kiến trúc này đến chùa chiền đình miếu khác. Mãi thành quen, rồi mê lúc nào không biết. Anh mày mò chăm chú từng đường nét, cách phối màu của ông để tìm ra những bí quyết nghề. Dần dà, nhiều công trình kiến trúc cổ ở Hội An như được quay lại với bản thể vốn có. Màu vôi sơn tường sử dụng nguyên liệu dân gian. Hoa văn trang trí với những điển tích, được phục chế sinh động, sắc nét.
Dùng nguyên liệu truyền thống
Đỗ Cường mang tất cả tinh túy học được từ cha ông mình để làm vốn liếng mưu sinh. Trong phương pháp xây dựng của người xưa, các nguyên liệu đều lấy từ tự nhiên và dùng phương pháp thủ công để “sơ chế” các nguyên liệu này. Vôi được làm từ vỏ sò, vỏ hến lấy từ vùng Cẩm Nam, Cẩm Châu, xa hơn là Phú Chiêm. Nếu tô thô thì sử dụng loại vôi này, trộn chung với giấy rồi giã thật nhuyễn, trước khi tô lên tường phải thêm một ít mật mía để tạo chất kết dính. Nếu ngày xưa dùng giấy xúc thì bây giờ dùng giấy học sinh, ngâm nước rồi giã nhuyễn. Còn tô màu, người xưa dùng vôi giấy hoặc vôi than màu đen. Màu đen được lấy chất liệu là than, giã nhuyễn rồi trộn với vôi giấy. Cộng thêm đó là những chất keo cho kết dính cứng như mật mía, nước cây bời lời và keo da trâu. “Bây giờ, những nguồn như mật mía, keo da trâu thì thị trường không dùng nữa. Chúng tôi phải vào các xưởng làm trống để mua lại da trâu về nấu. Còn mật mía không có thì mình phải mua đường về nấu rồi bỏ vôi vào làm keo mật mía. Giấy thì phải ngâm rồi mới giã” - anh Đỗ Cường chia sẻ. Không riêng gì công đoạn sơn tường mà mọi khâu trong công tác trùng tu, bảo tồn các kiến trúc cổ tại Hội An đều rất kỳ công. Riêng với Tam quan Chùa Bà Mụ, để vẽ hoặc đắp hình nổi các chi tiết, hoa văn cho di tích này, nhóm trùng tu đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu, tranh ảnh về phong cách kiến trúc nghệ thuật từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.
Nghiền than để tạo công đoạn làm màu đen truyền thống cho di tích. |
Một ưu thế khá lớn đối với Hội An trong công tác bảo tồn di tích chính là việc ra đời nhiều công ty chuyên trùng tu di tích, nhà cổ. Chính vì nhu cầu bảo tồn khá lớn, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng như UBND TP. Hội An không thể tự đảm trách phần việc trùng tu. Các công ty chuyên ngành trùng tu, bảo tồn được thành lập ngay tại thành phố di sản, với con người cũng chính là công dân di sản. Xã hội hóa công tác trùng tu, bảo tồn di tích, chính là cùng cho phép người dân đồng hành công việc này. Hàng trăm thợ lành nghề được quy tụ. Có thợ giàu kinh nghiệm đi ra từ làng mộc Kim Bồng. Cũng có thợ đã học qua ngành xây dựng tại các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc rồi về lại Hội An. Chính vì là cư dân phố cổ, sinh ra và lớn lên tại nơi này, nên đa số họ, khi làm việc đã đặt mọi tâm huyết, lòng nhiệt thành của mình vào công trình thi công.
Học từ nghệ nhân và bằng những quan niệm phục chế đúng đắn, hành trình bảo tồn di tích của Hội An nhận được nhiều thiện ý từ người dân cũng như các tổ chức quốc tế. Phương cách này nếu được áp dụng trở thành bài học cho học viên của “ngành trùng tu di tích”, sắp tới đây sẽ mở tại Quảng Nam, có lẽ sẽ mang lại hiệu quả cao.
SONG ANH - PHAN VINH