Trung tướng Phan Hoan - Những ký ức còn đọng

LÊ ANH DŨNG 26/06/2014 08:24

Trong những năm làm báo, làm sách trong ngành quân đội, tôi có duyên đi công tác và nhiều lần gặp gỡ Trung tướng Phan Hoan, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu 5. Ấn tượng trong tôi, ông là vị chỉ huy rất trí thức, có dáng người cao to, gương mặt trung hậu, dễ gần. Thời làm Báo Quân khu 5 và Báo Quân đội nhân dân, để phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền, tôi hay linh hoạt, chủ động “qua mặt” cán bộ Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 “đi tắt, đón đầu” trong việc gặp gỡ Trung tướng Phan Hoan để phỏng vấn, đề xuất những việc thiết thực trong làm báo, cho tờ báo. Lần nào ông cũng vui vẻ tiếp đón, cởi mở bày tỏ quan điểm, hoặc cung cấp thông tin một cách rành mạch, chắc chắn những vấn đề tờ báo đề cập, đề xuất, không phải thông qua trợ lý, thư ký, hay văn phòng. Có lẽ vốn là cán bộ chỉ huy có trình độ học vấn và tri thức cao rộng, nên ông chủ động và thoải mái khi tiếp xúc với cánh báo chí chúng tôi.

Trung tướng Phan Hoan tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2012. Ảnh: QUẾ LÂM
Trung tướng Phan Hoan tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2012. Ảnh: QUẾ LÂM

Tôi gần ông hơn, khi ông về hưu, nhất là khi cánh nhà văn, nhà báo chúng tôi (các nhà thơ Thanh Quế, Đỗ Văn Đông, Đặng Trung Hội và tôi) giúp ông tổ chức bản thảo, biên soạn và góp phần xuất bản cuốn hồi ký “Những năm tháng đời tôi” viết về cuộc đời, sự nghiệp học tập, chiến đấu và công tác của ông. Hai nhà thơ Thanh Quế, Đỗ Văn Đông chịu trách nhiệm viết về quê hương, dòng họ của ông thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; nhà báo, nhà thơ Đặng Trung Hội viết về thời ông làm nghĩa vụ quốc tế ở Mặt trận 579 Campuchia; còn tôi viết về thời xây dựng củng cố lực lượng vũ trang, huấn luyện quân sự... sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và những đóng góp của ông trong chính sách hậu phương quân đội, những trăn trở và dằn vặt, tự phê bình những hạn chế, khuyết điểm của ông trong quá trình công tác, cũng như việc đối xử, ứng xử với anh em, đồng chí, đồng đội, sau khi về nghỉ hưu.

Tin buồn
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Đồng chí: Trung tướng Phan Hoan
- Sinh năm 1927
- Quê quán: Xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
- Trú quán: Số 38, đường Phan Bội Châu, thành phố Đà Nẵng.
- Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyên: Chủ nhiệm Thông tin B3 (Tây Nguyên); Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà; Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Phó Tư lệnh quyền Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thông tin; Phó Tư lệnh kiêm Tư lệnh Mặt trận 579 (Campuchia); nguyên Tư lệnh Quân khu 5; nguyên cán bộ tiền khởi nghĩa đã nghỉ hưu.
Các loại huân, huy chương:
- Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
- 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì;
- 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba;
- 1 Huân chương Chiến thắng hạng Nhất;
- 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì;
- 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba;
- 3 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba;
- 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì;
- 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất;
- Huy chương Quân kỳ Quyết thắng và nhiều bằng giấy khen các loại…
Đồng chí đã từ trần hồi 17 giờ 00 phút ngày 23 tháng 6 năm 2014, tại Bệnh viện Quân y 17, Quân khu 5, TP. Đà Nẵng.
- Lễ viếng từ 7 giờ 30 ngày 25 tháng 6  đến 21 giờ 30 ngày 27 tháng 6 năm 2014.
- Lễ truy điệu lúc 5 giờ 30 ngày 28 tháng 6 năm 2014 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 17, Quân khu 5; số 01 Nguyễn Phi Khanh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
- Di quan lúc 7 giờ 00 ngày 28 tháng 6 năm 2014.
- An táng cùng ngày tại nghĩa trang Quân khu 5, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Chúng tôi được Trung tướng Phan Hoan tạo điều kiện cùng đi khắp các đơn vị, cơ quan trên địa bàn Quân khu 5 để ghi chép, nắm bắt thông tin, gặp gỡ người xưa cảnh cũ, đồng chí, đồng đội, lãnh đạo chỉ huy, anh em cán bộ, chiến sĩ từng dưới sự chỉ huy của ông nay trưởng thành; thăm đồng bào từng giúp đỡ, cưu mang, đùm bọc, che chở, bảo vệ ông qua mưa bom bão đạn. Đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy các cơ quan, đơn vị cá nhân đều kính mến, quý trọng ông, nhớ những gì ông từng hỗ trợ, giúp đỡ; nhớ những điều ông từng căn dặn, khuyên bảo, hay thẳng thắn phê bình góp ý để phát triển. Hồi ký “Những năm tháng đời tôi” của ông đầy tính chân thực, là nguồn tư liệu cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân bổ sung vào lịch sử cơ quan, đơn vị mình trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Cuốn hồi ký trên được các cơ quan, đơn vị, đồng chí, đồng đội hoan nghênh đón nhận và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đánh giá cao, có tặng thưởng và tái bản.

Tôi nhớ, sau khi bị tai biến, ông gặp tôi và nói một cách khó khăn: “Dũng ơi, may quá, cuốn hồi ký xuất bản kịp thời, chứ trễ thì gay rồi. Vì trí nhớ mình suy giảm, nói năng trệu trạo làm sao hoàn thành nguyện vọng cuối đời là viết cái gì đó để lại cho con cháu, quê hương, dòng họ và các cơ quan, đơn vị trong các lực lượng vũ trang và các địa phương trên địa bàn Quân khu 5”.

Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi với Trung tướng Phan Hoan khi về hưu, là tôi “đạo diễn” chương trình giao lưu “Những ký ức ngã ba Trùm Giao, quán Kiểm Bền”.

Còn nhớ, tối giao lưu ấy, tại sân vận động xã Điện Hồng (Điện Bàn, Quảng Nam), người dự xem đông như hội. Trung tướng Phan Hoan, Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà, nhà văn Thanh Quế, Nguyễn Bá Thâm, nhà thơ Đỗ Văn Đông - những nhà văn tham gia một trận đánh tại Điện Hồng thời chống Mỹ, cứu nước - cùng tham gia giao lưu thân mật với chính quyền địa phương và nhân dân về những năm tháng Trung tướng chỉ huy các đơn vị chiến đấu tại ngã ba Trùm Giao.

Ông và Đại tá Lê Công Thạnh đều nhớ như in tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu của bộ đội thuộc đơn vị Mặt trận 4 Quảng Đà, cán bộ, nhân dân xã Điện Hồng. Còn các nhà văn, nhà thơ Thanh Quế, Nguyễn Bá Thâm, Đỗ Văn Đông thì sống dậy những ân tình của các mẹ, các chị làng Cẩm Văn giúp đỡ, “đánh giặc mồm” hù dọa lính ngụy phải lo sợ và chùn chân trong quá trình vận động đánh nhau với bộ đội và cán bộ, du kích Quảng Đà. Trung tướng Phan Hoan mắt đỏ hoe, nói nhỏ với tôi: “Nhà báo Dũng ơi, mình và ông Lê Công Thạnh còn mắc nợ với anh em cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và bà con Điện Hồng đã cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ, che chở cho những người chỉ huy chúng mình còn sống đến ngày hôm nay. Đừng quên ân tình, nghĩa cả của bà con. Quên là có tội đó, không thể tha thứ được đâu!”.

Trong quá trình viết lách của cánh phóng viên báo chí, nhà văn chúng tôi rất cần những vị lãnh đạo, chỉ huy có trình độ hiểu biết sâu rộng và có sự thấu đáo, tâm lý như Trung tướng Phan Hoan. Nhớ về ông là nhớ sự gần gũi, thân thiện và tâm lý biết tiếp đón anh em báo chí, văn nghệ sĩ, biết chịu khó lắng nghe phản ánh của anh em nhà báo, nhà văn phần lớn thiếu thốn, khó khăn. Nhớ về ông là nhớ vị tướng tài, trung hậu, chân chất, rất trí thức mà cũng rất bình dân, bình dị. Trong những trang sử vàng của lực lượng vũ trang Quân khu 5 nói chung, Mặt trận 4 Quảng Đà nói riêng có dấu son của ông - Trung tướng Phan Hoan, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà, nguyên Tư lệnh Quân khu 5.

LÊ ANH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trung tướng Phan Hoan - Những ký ức còn đọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO