Trước "làn sóng" đầu tư ngành dệt may

ĐẶNG HÙNG 23/10/2018 03:10

Mặc dù Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến Kỳ họp thứ 6 này (khai mạc hôm qua 22.10) mới được Quốc hội xem xét phê chuẩn, nhưng từ trước đó đã tạo ra sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dệt may để tận dụng ưu thế từ chi phí sản xuất.

Nhà máy dệt may Panko Tam Thăng được xem dự án động lực phát triển nhóm công nghiệp dệt may ở vùng đông nam của tỉnh. Ảnh: Đ.H
Nhà máy dệt may Panko Tam Thăng được xem dự án động lực phát triển nhóm công nghiệp dệt may ở vùng đông nam của tỉnh. Ảnh: Đ.H

“Làn sóng” đầu tư mới

Cuối tháng 7.2018, tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Tập đoàn Amann (Đức) khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chỉ may Amann Việt Nam, với năng suất 350 tấn chỉ may thêu/năm, vốn đầu tư 14 triệu USD. Đây là dự án ưu đãi đầu tư nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ ngành dệt may của Quảng Nam. Tập đoàn Amann là một trong 3 tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên sản xuất, phân phối sản phẩm ngành may mặc và chỉ thêu. Nhà máy sẽ chính thức sản xuất vào tháng 6.2019. Như vậy, dự án nhà máy sản xuất chỉ may Amann Việt Nam là một trong 15 dự án đầu tư tại KCN Tam Thăng (13 dự án FDI và 2 dự án đầu tư nội địa) với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 199 triệu USD và 275,6 tỷ đồng.

Chỉ trong 5 năm lại đây (2013 - 2018), hàng chục dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lĩnh vực dệt, nhuộm, may mặc được cấp phép và triển khai ở các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn của tỉnh. Ông Han Chul Joo - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cho biết, trước khi chính thức đầu tư nhà máy dệt may tại KCN Tam Thăng, Tập đoàn Panko đã khảo sát nhiều nơi ở Việt Nam và cuối cùng chọn Quảng Nam. Bởi Quảng Nam có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, đó là kết cấu hạ tầng tại các KCN được đầu tư đồng bộ, có hạ tầng cảng hàng không, cảng biển, giao thông thuận lợi, nguồn lao động có tay nghề cao và là vùng đất có sự tăng trưởng nhanh chóng. Dự án nhà máy dệt may Panko Tam Thăng tại KCN Tam Thăng có tổng vốn đầu tư 70 triệu USD được xem là hạt nhân, dự án động lực phát triển nhóm công nghiệp dệt may - da giày vùng đông nam của tỉnh. Dự án được xây dựng trên diện tích 33,5ha với quy mô 99 nghìn tấn sản phẩm dệt may/năm, 24 nghìn tấn sản phẩm nhuộm/năm và 30 triệu tấn phụ liệu dệt may; giải quyết việc làm cho khoảng 15 nghìn lao động.

Cạnh tranh lao động

Tính đến nay, trên địa bàn Quảng Nam đã thu hút 15 dự án FDI hoạt động trên lĩnh vực may mặc, sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may. Một số dự án có quy mô lớn như nhà máy sản xuất kim dệt may tại CCN Đại An - Đại Lộc  (do Tập đoàn Groz-Beckert làm chủ đầu tư) chuyên sản xuất thiết bị và công cụ ngành dệt, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 45 triệu eur, với công suất 300 triệu sản phẩm/năm. Hay dự án nhà máy dệt, phụ kiện Duck San Vina tại TP.Tam Kỳ (do Công ty Duck San Enterprise làm chủ đầu tư), có công suất 19.200 tấn sợi, vải, dệt, nhuộm/năm, với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Hoặc dự án nhà máy dệt may Sedo Vinako (do Công ty TNHH MTV Sedo Vinako - Hàn Quốc làm chủ đầu tư) tại CCN Đông Yên (Duy Xuyên), với số vốn đầu tư hơn 8,7 triệu USD...

Việc có thêm nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc trên địa bàn Quảng Nam làm tăng áp lực cạnh tranh thu hút lao động. Ảnh: Đ.H
Việc có thêm nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc trên địa bàn Quảng Nam làm tăng áp lực cạnh tranh thu hút lao động. Ảnh: Đ.H

Hàng loạt dự án FDI đầu tư vào ngành dệt may ở Quảng Nam cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp dệt may Việt nói chung, Quảng Nam nói riêng, về nỗi lo cạnh tranh nguồn lực lao động. Việc có thêm nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc trên địa bàn tỉnh càng làm tăng áp lực cạnh tranh thu hút lao động. Đáng lo là sự cạnh tranh không lành mạnh có thể phát sinh làm ảnh hưởng, biến động của lực lượng lao động.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành may mặc đang tạo ra nhiều việc làm và phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp trong nước, vì vậy không nên thu hút thêm đầu tư nước ngoài về lĩnh vực may mặc. Chính quyền địa phương cần hướng dòng đầu tư nước ngoài về phát triển công nghiệp phụ trợ như sản xuất nguyên phụ liệu, hạn chế đầu tư vào may mặc để tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.  Về chiến lược lâu dài, Nhà nước cũng cần chính sách hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi  cho các doanh nghiệp dệt may trong nước tập trung đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, để tạo nguồn xuất xứ nguyên phụ liệu từ Việt Nam và được hưởng lợi các chính sách thuế từ CPTPP.

ĐẶNG HÙNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trước "làn sóng" đầu tư ngành dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO