Ngày mai 23.4 diễn ra Đại hội Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII. Trước thềm đại hội, phóng viên Báo Quảng Nam đã có những cuộc gặp gỡ, ghi nhận ý kiến của hội viên về kỳ vọng vào sự phát triển văn học - nghệ thuật của tỉnh trong giai đoạn mới.
Nhạc sĩ Dương Trinh: “Cần đầu tư cho miền núi”
Nhạc sĩ Dương Trinh. |
Miền núi Quảng Nam là một mảnh đất màu mỡ với sáng tạo văn học nghệ thuật. Từ những âm giai truyền thống như làn điệu dân ca hát lý, nói lý, cồng chiêng đến cảnh sắc thiên nhiên và phong tục sống của con người nơi đây đều là chất liệu rất tốt để sáng tạo. Tuy nhiên, thời gian qua, các sáng tác về miền núi chưa nhiều. Năm qua, Chi hội Văn nghệ dân gian ghép chung với Chi hội Văn nghệ miền núi làm một là điều không phù hợp. Bởi lẽ, văn nghệ miền núi không chỉ là một chuyên đề, nó có sự tập trung tất cả bộ môn như một hội văn học nghệ thuật thu nhỏ, còn văn nghệ dân gian nghiêng về sưu tầm nhiều hơn. Một nền văn nghệ đậm đà bản sắc cần phải có sự đầu tư vào miền núi, bởi ở đây còn tiềm ẩn rất nhiều những giá trị văn hóa.
Họa sĩ Nguyễn Dũng: “Mở ra trang hoạt động mới”
Họa sĩ Nguyễn Dũng. |
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của văn học - nghệ thuật đất Quảng, đời sống mỹ thuật có những bước phát triển đáng khích lệ và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Phần lớn hội viên Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam có tuổi nghề và được đào tạo bài bản nên chất lượng tác phẩm trong các đợt công bố tác phẩm, tham dự triển lãm trong tỉnh và của khu vực luôn được đánh giá cao… Hội viên Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam kỳ vọng, tin tưởng vào nhiệm kỳ đến sẽ mở ra trang mới trong hoạt động nghệ thuật với nhiều tác phẩm đậm tính nhân văn, xứng tầm. Đại hội cũng sẽ phát huy trí tuệ, tài năng, khuyến khích, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ tham gia các lĩnh vực sáng tác nghệ thuật nhằm góp phần xây dựng, nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định tâm thế mới của vùng đất, con người xứ Quảng trong xu thế hội nhập và phát triển. Đề nghị Ban Chấp hành Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh nhiệm kỳ đến ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ chuyên ngành hội họa tích cực hơn, vì lĩnh vực này đầu tư ban đầu về mua sắm dụng cụ, họa phẩm rất tốn kém; có kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí đầu tư sáng tác của Chính phủ ngay từ đầu năm để chi hội lên kế hoạch tổ chức các đợt đi thực tế có hiệu quả, yên tâm sáng tác.
Nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ: “Ổn định tổ chức, ươm mầm tài năng”
Nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ. |
Bên cạnh những thành tựu đã được đánh giá, nhìn nhận, vẫn còn nhiều điều, nhiều bài học cần phải rút ra để soi, để ngẫm và để… tìm một lối đi. Về chặng đường sắp tới, nếu duy trì một cơ chế kiêm nhiệm như lâu nay sẽ dẫn đến tư duy việc hội là việc phụ, từ đó sinh ra yếu kém trong tổ chức hoạt động. Vượt thoát được hay không, cần có những con người mạnh khỏe từ thể xác đến tinh thần và thực sự có năng lực, dũng khí. Vừa qua, hội có những nguồn đầu tư mà trước đây chưa có như ngân sách tỉnh, chính phủ cấp, xã hội hóa… Nếu các nguồn này không thực sự đi vào các mục đích quy định, không lấy sự tồn tại của hội là tác phẩm và hoạt động sáng tạo thì dù có đầu tư bao nhiêu nữa cũng sẽ thành vô bổ. Một điều nữa cần nhìn nhận, chúng ta chưa thực sự quan tâm ươm mầm cho thế hệ trẻ, mà vấn đề này trách nhiệm không chỉ thuộc riêng Hội Văn học - nghệ thuật. Nếu bây giờ tìm ra một cái tên, một sản phẩm cụ thể được ươm mầm bởi sự chăm bón của hội và xã hội cho lĩnh vực văn nghệ thiếu nhi quả là thiếu địa chỉ. Còn có bao điều để hình dung ra từ cái đã qua để mong chờ ở những điều sắp đến.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông: “Hy vọng vào một diện mạo mới”
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông. |
Khá nhiều những giải thưởng Nhiếp ảnh Quảng Nam trong vài năm trở lại đây “lọt” vào tay các nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ, mới được kết nạp từ sau Đại hội Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh lần thứ VII. Những hội viên được kết nạp trong nhiệm kỳ qua đã biết phát huy nhiệt huyết, sự năng động của tuổi trẻ, sánh vai cùng lớp đàn anh gặt hái vô số những thành tích đáng tự hào. Cùng với sự đầu tư và tâm huyết của mỗi cá nhân, tác phẩm chất lượng cao liên tục xuất hiện trong các cuộc thi ảnh từ các cấp khu vực, quốc gia và quốc tế. Nếu trước đây, thành tích nhiếp ảnh Quảng Nam được xếp ở hạng trung bình trong khu vực thì từ năm 2010 đến nay, chúng ta luôn ở trong tốp 3 của các kỳ liên hoan ảnh nghệ thuật 10 tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Tác phẩm nhiếp ảnh của hội viên chi hội cũng đã giành được những giải thưởng danh giá ở các cuộc thi cấp bộ, ngành toàn quốc và ở nhiều nước khác. Tôi nghĩ, việc tập trung phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố trẻ sẽ là điều rất cần thiết trong hành trình phát triển văn học - nghệ thuật của tỉnh. Không chỉ riêng trong nhiếp ảnh, khá nhiều bộ môn nghệ thuật cũng cần lực lượng kế cận trẻ trung, năng động và tôi tin họ đủ tài năng để cùng làm nên một diện mạo văn học - nghệ thuật đất Quảng trong tương lai.
LÊ QUÂN