Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20

NAM VIỆT 06/07/2017 08:15

Ngày 7.7, tại thành phố Hamburg (Đức) khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra hai ngày với các nội dung, cuộc gặp thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Thủ tướng Đức Merkel (trái) và Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Merkel (trái) và Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, G20 quy tụ các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, cùng khách mời là nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ một số quốc gia, trong đó có lãnh đạo Chính phủ Việt Nam - nước chủ nhà APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) năm 2007. Angela Merkel - Thủ tướng nước chủ nhà G20 cho biết, hội nghị tập trung những vấn đề lớn của khối và trên thế giới, liên quan đến biến đổi khi hậu toàn cầu mặc dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi bản thỏa thuận Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu, tự do thương mại và di cư.

Theo các chuyên gia phân tích, hội nghị G20 cũng gây chú ý với cuộc gặp của nhà lãnh đạo hai nước Đức - Mỹ. Bốn năm trước, chương trình vận động tranh cử của Liên minh Dân chủ cơ đốc (CDU) do bà Angela Merkel đứng đầu và đảng Xã hội cơ đốc (CSU) luôn nhắc đến Mỹ như là một “người bạn quan trọng” của Đức bên ngoài châu Âu. Thế nhưng, Thủ tướng Đức nay loại từ “bạn bè” khi nhắc về quan hệ với Mỹ mà thay vào đó là từ “đối tác” trong cuộc vận động tranh của CDU vào ngày 3.7 vừa qua. Tổng thống Donald Trump lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Angela Merkel đã mắc “thảm họa sai lầm và tồi tệ” khi đón nhận hơn một triệu người nhập cư vào nước Đức mà không biết rõ họ là ai. Ngoài ra, ông Trump vào đầu năm nay ký sắc lệnh nhập cảnh mới, hạn chế người nhập cư và tị nạn từ một số nước có đông dân theo đạo Hồi vào Mỹ khiến nhiều quốc gia lên tiếng phản đối, trong đó có nhà lãnh đạo Đức. Ngược lại, bà Merkel cũng phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại mà chính quyền Trump đang theo đuổi và cho rằng các nước chỉ có thể tự làm suy yếu mình nếu rút khỏi sự cạnh tranh toàn cầu.

Cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ kể từ khi ông Trump nhận chức bên lề hội nghị G20 tại Hamburg lần này được hãng tin CNN cho rằng “có thể định hình thế giới”. Tổng thống Trump là người đang gặp rắc rối với cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ và Moscow bị cáo buộc thông đồng với ban tranh cử của ông Trump dù Nga đến nay vẫn phủ nhận. Tuy nhiên Nga - Mỹ, hai quốc gia sở hữu đầu đạn hạt nhân, đều trực tiếp có các động thái quân sự tại Syria.

Một điểm đáng chú ý nữa, theo AFP, thỏa thuận mang tính bước ngoặt sẽ đánh dấu thắng lợi lớn cho tự do thương mại chỉ vài ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Đức. Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ đứng lên bảo vệ lập trường bảo hộ “America First” của ông tại sự kiện này. Hội nghị giữa EU và Nhật Bản sẽ tổ chức ở Brussels (Bỉ) ngay sau nhiều tuần đàm phán tại Tokyo (Nhật Bản), với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Cả EU và Nhật Bản chiếm đến 28% tổng sản lượng kinh tế thế giới.

Ông Donald Tusk cho hay: “Hội nghị EU - Nhật Bản sẽ diễn ra ngày 6.7. Thỏa thuận thương mại công bằng, tự do và đầy tham vọng đang trên đường được thực hiện”. Một tuyên bố riêng cho biết: Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ công bố thỏa thuận về hiệp định thương mại tự do EU - Nhật Bản và thỏa thuận hợp tác chiến lược EU - Nhật Bản. Thỏa thuận EU - Nhật Bản được xem là sự khiêu khích với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 quốc gia trong năm nay.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO