Trước thềm Thế vận hội mùa đông 2018: Pyeongchang đã sẵn sàng

QUỐC HƯNG 29/01/2018 14:37

Được đầu tư với kinh phí rất lớn, Thế vận hội mùa đông 2018 được mong đợi sẽ mang lợi ích kinh tế đáng kể cho Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Thành phố Pyeongchang (Hàn Quốc) đã sẵn sàng cho Thế vận hội mùa đông 2018. Ảnh: sportandhumanrights
Thành phố Pyeongchang (Hàn Quốc) đã sẵn sàng cho Thế vận hội mùa đông 2018. Ảnh: sportandhumanrights

Theo Ban tổ chức, mọi công tác chuẩn bị cho thế vận hội các môn thể thao mùa đông mang tầm vóc toàn cầu được tổ chức từ ngày 9 đến 25.2.2018 tại thành phố Pyeongchang thuộc tỉnh Gangwon của Hàn Quốc đã hoàn tất. Thông tin từ Ủy ban Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, Hàn Quốc đã chi hơn 65.000 tỷ won để xây dựng, chỉnh trang đường sá, cơ sở hạ tầng phục vụ thế vận hội. Sự kiện đón khoảng 6.500 vận động viên đến từ 95 quốc gia trên thế giới để tranh tài ở 15 bộ môn thể thao mùa đông, với 102 bộ huy chương. Ngoài ra, đây là cơ hội du lịch rất lớn khi xứ sở kim chi sẽ đón khoảng 390.000 du khách quốc tế và 2,2 triệu du khách trong nước đổ về tỉnh Gangwon. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc đưa ra nhiều chính sách như hỗ trợ thủ tục thị thực, giảm giá vé để khuyến khích du khách tận hưởng những ngày tranh tài sẽ diễn ra hết sức sôi nổi.

Các chuyên gia kinh tế ước tính Thế vận hội mùa đông 2018 đem về cho Hàn Quốc khoảng 32.000 tỷ won (tương đương 28,2 triệu USD) trong vòng 10 năm tới, gấp đôi lợi ích kinh tế mà cúp bóng đá thế giới mang về khi được tổ chức tại Hàn Quốc vào năm 2002. Thế vận hội sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho 230 nghìn lao động. Ông Lee Hee-beom - Trưởng ban Tổ chức Thế vận hội mùa đông Olympic 2018 Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng các dịch vụ dựa trên công nghệ thông tin chưa từng thấy, nơi du khách được cung cấp các thông tin chi tiết về môn thi đấu, địa điểm tổ chức đến các điểm tham quan, mua sắm. Thế vận hội chắc chắn sẽ tạo ra những lợi ích kinh tế to lớn, Gangwon sẽ được nhiều người biết đến và du khách sẽ tiếp tục đổ về đây những năm sau này”. Được biết, đây là lần đầu tiên Hàn Quốc sử dụng công nghệ mạng 5G, không chỉ cho phép người sử dụng truy cập mạng với tốc độ nhanh mà họ còn có thể chụp ảnh không gian 3 chiều hay trải nghiệm thực tế ảo...

Đặc biệt, linh vật được chọn cho sự kiện này là chú hổ trắng Soohorang và chú gấu đen Bandabi châu Á. Soohorang lấy cảm hứng từ loài động vật đại diện cho Hàn Quốc, đó là hổ. Theo m.korea.net, trong quan niệm của người Hàn Quốc, hổ được xem như người giám hộ và hình tượng hổ mang tinh thần của Qlympic là bảo vệ hòa bình thế giới, đồng thời cũng mang ý nghĩa bảo vệ các vận động viên, nhân viên và người hâm mộ. Linh vật bạch hổ cũng là hình tượng phù hợp nhất vì các trận tranh tài đều diễn ra tại những khu tràn ngập tuyết trắng, một hình ảnh mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc của Hàn Quốc, gắn liền với môi trường thiên nhiên. Trong khi đó, chú gấu Bandabi đại diện cho ý chí và lòng dũng cảm.

Trước đó, Hàn Quốc chọn khẩu hiệu cho chiến dịch đăng cai của mình là “New Horizons” (Những chân trời mới), nhằm nhấn mạnh vào yếu tố phát triển kinh tế theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Đến nay, châu Á đã tổ chức Thế vận hội mùa đông 2 lần, đều tại hai thành phố của Nhật Bản: Sapporo vào năm 1972 và Nagano năm 1998. Lần này Hàn Quốc là đất nước thứ hai tổ chức sự kiện trên. Việc tổ chức một cuộc thi đấu nổi tiếng như Olympic đem lại cho Hàn Quốc nhiều lợi ích kinh tế, chưa kể đến những cái được về mặt biểu tượng như vị thế nổi bật hơn của quốc gia trên trường quốc tế.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trước thềm Thế vận hội mùa đông 2018: Pyeongchang đã sẵn sàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO